Phòng tránh bệnh hô hấp ở người cao tuổi

Trong những tháng cuối năm, do ảnh hưởng của thời tiết khiến người cao tuổi (NCT) dễ mắc các chứng bệnh về hô hấp.

Do sự suy giảm chức năng của cơ thể khi lão hóa khiến NCT thường ít vận động, ăn uống không điều độ làm cho hệ miễn dịch suy yếu. Điều này tạo cơ hội cho những bệnh viêm nhiễm dễ dàng tấn công. Trong đó, viêm nhiễm hệ hô hấp dễ xuất hiện nhất ở NCT.

Trung tâm Y tế huyện Cai Lậy tổ chức khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi tại xã Phú An. Ảnh: QUẾ NGÂN

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thúy Phượng, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, NCT dễ bị cảm cúm, viêm xoang, viêm thanh quản (hô hấp trên), nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi (hô hấp dưới)… khi thời tiết chuyển mùa.

Ngoài ra, một số NCT có sẵn bệnh lý mãn tính như viêm phổi, viêm phế quản, viêm phổi tắc nghẽn… thì khi bị cảm cúm, cảm lạnh sẽ làm tăng yếu tố thúc đẩy các bệnh mạn tính có sẵn này tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong.

Khi NCT mắc phải bệnh lý hô hấp thường có một số biểu hiện như hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước, đau rát họng gây ho, tức ngực, có khi gây khó thở và tùy từng trường hợp mà có thể ho khan hoặc có đờm. Nếu bị suy hô hấp, NCT thường gặp triệu chứng như khó thở khi gắng sức, khó thở thường xuyên, khó thở nhanh, thở không đều, khò khè...

Hơi thở của người bệnh sẽ chậm dần, thở nông do các cơ hô hấp bị suy yếu. Các biểu hiện có thể kèm theo là mặt, môi, vành tai và các đầu chi bị tím tái. NCT khi mắc bệnh lý hô hấp rất dễ bị nhầm bệnh nhẹ do khi nhiễm khuẩn nhiệt độ không tăng cao như ở người trẻ. Nhưng khi đã có viêm phổi thì tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp diễn tiến nhanh và nặng nề hơn.

Do đó, nếu thấy các dấu hiệu mắc bệnh lý hô hấp hoặc có biểu hiện cảnh báo nguy cơ mắc suy hô hấp, NCT cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được thăm khám. Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Đặc biệt trong các chứng bệnh về hô hấp thì viêm phổi tắc nghẽn là bệnh lý tăng theo cùng với tuổi tác. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) càng lớn. COPD là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỷ lệ tử vong cao. COPD làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hằng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính khoảng 12% dân số từ 40 tuổi trở lên trên toàn cầu mắc COPD. COPD gây ra 3,2 triệu ca tử vong mỗi năm (tức là khoảng 5% tổng số ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm). Tại Việt Nam, các ca COPD chiếm tỷ lệ 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ từ 40 tuổi trở lên. COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.

Tại Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang là nơi tiếp nhận và điều trị cho một lượng lớn bệnh nhân COPD trong tỉnh. Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thúy Phượng, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, COPD là bệnh nguy hiểm nhưng diễn biến khá âm thầm.

Bệnh nhân sẽ hoàn toàn không thấy triệu chứng khi bệnh ở giai đoạn nhẹ và triệu chứng nhẹ nhàng ở giai đoạn nặng hơn, nên người mắc COPD ở giai đoạn sớm thường chỉ phát hiện bệnh một cách tình cờ khi khám một loại bệnh khác.

Bệnh nhân thường đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh trong giai đoạn muộn khi tình trạng tắc nghẽn đã nặng. Việc đánh giá không đúng mức về COPD sẽ góp phần làm gia tăng tần suất bệnh và tăng gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.

Hiện nay, COPD là căn bệnh khá phổ biến và tỷ lệ nhập viện điều trị tăng cao do yếu tố nguy cơ tăng, cộng với việc tăng tuổi thọ. Chi phí điều trị COPD khá cao và vì là bệnh không thể điều trị dứt, mà chỉ làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, nên bệnh nhân phải sử dụng thuốc suốt đời, do đó chi phí trị bệnh sẽ liên tục tăng theo thời gian và diễn tiến của bệnh.

Để chăm sóc sức khỏe đường hô hấp ở NCT, cần thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý mới cũng như điều trị tốt bệnh lý mãn tính có sẵn. Thực hiện tiêm phòng bệnh hô hấp như vắc xin cúm, vắc xin viêm phổi… NCT cũng được khuyên từ bỏ rượu, bia, thuốc lá, có chế độ ăn uống bổ sung dinh dưỡng phù hợp và vận động thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng.

MAI HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202312/phong-tranh-benh-ho-hap-o-nguoi-cao-tuoi-997480/