Phòng tránh bệnh sởi

Bệnh sởi đang có dấu hiệu gia tăng nhanh. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 7, Hà Nội đã có 233 trường hợp bệnh nhân mắc sởi, chưa có bệnh nhân tử vong, số mắc tăng hơn 3 lần với năm 2017. Bệnh sởi đã xuất hiện ở 139 xã, phường, thị trấn của 29 quận, huyện. Đặc biệt các quận nội thành có số mắc cao hơn.

Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

Chỉ tính riêng trong tuần cuối tháng 7, thành phố Hà Nội đã ghi nhận hơn 30 trường hợp mắc. Các ca mắc sởi phân bố rải rác tại các xã, phường, thị trấn, chưa ghi nhận ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong.

Tại khoa Nhi, khoa Truyền nhiễm của nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch Mai, Xanh Pôn…, lượng trẻ em đến khám sởi gia tăng nhanh trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Hầu hết các trường hợp mắc sởi là do không tiêm, hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hoặc có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều.

Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Hiện chưa có thuốc đặc trị hiệu quả loại bệnh này, cho nên tiêm phòng vẫn là biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất.

Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, các gia đình cần chủ động đưa trẻ trong độ tuổi (9 tháng-2 tuổi) chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vaccine Sởi-Rubella đầy đủ và đúng lịch.

Bệnh sởi rất dễ lây, do vậy cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày, đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Đặc biệt, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học là nơi tập trung đông trẻ em nên cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu: Sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần cách ly sớm và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.

Các bác sĩ cũng lưu ý, khi trẻ mắc bệnh gia đình không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo, hệ lụy còn nặng nề hơn.

Khi trẻ mắc bệnh sởi, hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm rất nhanh. Theo các bác sĩ, trẻ thường không tử vong vì bệnh sởi mà tử vong do các bệnh nhiễm trùng khác (viêm phổi, tiêu chảy…). Trẻ càng nhỏ biến chứng do bệnh sởi gây ra càng nhiều như viêm phổi, suy hô hấp, viêm đường tiêu hóa,...

Giang Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/phong-tranh-benh-soi-tintuc414572