Phòng tránh đuối nước tại các sông, hồ trong mùa hè

Chỉ tính từ đầu tháng 4-2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước thương tâm làm 10 người tử vong; trong đó phần lớn là trẻ em. Điều này khiến nhiều người không khỏi xót xa và lo lắng trước nguy cơ số vụ đuối nước gia tăng, nhất là khi mùa hè đang đến.

Trường đại học Phòng cháy, chữa cháy (cơ sở 3, TP.Biên Hòa) hướng dẫn sơ cứu đuối nước cho học sinh một số trường vào dịp hè 2022. Ảnh: Đăng Tùng

Tai nạn sẽ vẫn xảy ra nếu như môi trường sống xung quanh trẻ chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn. Người lớn thiếu sự quan tâm, quản lý, giám sát, để các em vui chơi tự do, tiếp xúc với ao, hồ, sông… khi chưa được trang bị các kỹ năng về bơi lội và phòng, chống đuối nước.

* Liên tục xảy ra đuối nước

Hồ Gia Măng nằm trên địa bàn 2 xã Xuân Hiệp và Xuân Tâm (H.Xuân Lộc), có diện tích mặt nước khoảng 130ha, từ lâu được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến vui chơi, cắm trại, câu cá. Tuy nhiên, theo người dân xã Xuân Hiệp, quanh bờ hồ có nhiều vị trí nước sâu, dễ bị hụt chân mà không phải ai cũng biết để đề phòng. Liên tục trong vòng nửa tháng, từ ngày 29-4 đến ngày 14-5, tại hồ Gia Măng đã có 2 thanh thiếu niên tử vong do đuối nước.

Lãnh đạo tỉnh vừa yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo học sinh về phòng, chống tai nạn thương tích... Đặc biệt, cần hướng dẫn học sinh các kỹ năng an toàn, kỹ năng bảo vệ bản thân để không bị tai nạn thương tích, đuối nước.

Đáng nói, từ đầu tháng 4-2023 đến nay, tại một số đoạn sông, hồ trên toàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ đuối nước, nạn nhân gồm cả trẻ em lẫn người lớn. Điển hình, từ ngày 2 đến 8-4, tại hồ Trị An (khu vực thuộc xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) xảy ra 3 vụ đuối nước làm 5 người tử vong; tất cả nạn nhân là nam giới trên 16 tuổi. Hay trên sông La Ngà (đoạn qua xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc), ngày 3-5 có một người 15 tuổi (ngụ xã Suối Nho, H.Định Quán) bị đuối nước. Ngay sau đó, chiều 5-5, tại sông Đồng Nai (đoạn qua P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) xảy ra sự cố đuối nước khiến một trẻ 12 tuổi ngụ P.Tân Vạn tử vong.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh nhận định, tại các ao, hồ, sông, suối tự nhiên có địa hình dưới mặt nước rất phức tạp, nhiều vị trí có dòng chảy ngầm hoặc hố sâu. Thậm chí, tại các sông, suối có dòng chảy mạnh còn có thể có dị vật bị nước cuốn theo. Do đó, người xuống tắm, bơi rất dễ bị hụt chân, chấn thương, dẫn tới bị hoảng loạn, nhanh mất sức, đuối nước.

Không chỉ tại các ao, hồ, sông suối ngoài tự nhiên mà ngay tại những hồ nước, ao nước hình thành trong quá trình xây dựng, khai thác, thi công gần khu dân cư cũng luôn rình rập nguy cơ đuối nước.

Mới nhất, vào ngày 11-5, em Đ.M.T. (12 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) bị đuối nước bất tỉnh tại hồ nước trong 1 hầm khai thác đá tại P.Phước Tân, may mắn được người dân địa phương phát hiện, cứu sống. Trước đó, vào chiều 24-4, cũng tại P.Phước Tân, em N.Q.H.M. (10 tuổi, ngụ P.Phước Tân) đã tử vong khi bị đuối nước trong 1 hố công trình tại khu dân cư gần nhà.

* Tăng cường các biện pháp phòng ngừa

Nhằm đề phòng tai nạn đuối nước xảy ra tại hồ Gia Măng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp Huỳnh Thị Diệu cho hay, chính quyền địa phương đã nhắc nhở các nhà trường, các khu dân cư về nguy cơ đuối nước mùa hè tại hồ Gia Măng cũng như các ao, hồ khác tại địa phương. Trong đó nhấn mạnh vai trò của phụ huynh trong việc nhắc nhở con em cũng như trách nhiệm các chủ ao, hồ phải rào chắn, đặt biển cảnh báo nguy cơ đuối nước.

UBND xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tiến hành cưỡng chế một số công trình du lịch trái phép trên lòng hồ Trị An (xã Mã Đà) nhằm ngăn việc vui chơi, bơi lội thiếu an toàn. Ảnh: CTV

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho rằng, hiện nay điều kiện các nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em còn hạn chế. Nhiều nơi, nhất là các trường học chưa bố trí kinh phí thực hiện tốt công tác này; xã hội hóa đầu tư các thiết chế hoạt động thể dục - thể thao trong nhà trường hay ngoài nhà trường (xây hồ bơi trong trường hay tại các nhà văn hóa phường, xã…) còn nhiều bất cập, thì việc nhà trường, gia đình quan tâm, thường xuyên giáo dục con em về ý thức bảo vệ bản thân, nhận biết và đề phòng bất trắc trước những hiểm nguy xung quanh… là vô cùng cần thiết.

“Giáo viên thường xuyên lồng ghép những mẩu chuyện về kỹ năng nhận biết nguy hiểm như: tránh xa sông suối, ao hồ, nơi sạt lở, nước cuốn, cống rãnh khi trời mưa lớn, kể cả khi đi trong thành phố... Cách tốt nhất, phụ huynh nên chủ động cho con mình học bơi càng sớm càng tốt. Một khi được trang bị tốt các kỹ năng về phòng chống đuối nước sẽ hạn chế đáng kể tai nạn đuối nước” - ông Võ Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Trước các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện phòng chống tai nạn, thương tích, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn. Trong đó, Sở LĐ-TBXH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, cá nhân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời, giao Công an tỉnh điều tra, xử lý nghiêm các chủ công trình không thực hiện các biện pháp phòng ngừa dẫn đến trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích tại các công trình đã, đang thi công.

Kim Liễu - Minh Thành

Giám đốc Sở LĐ-TBXH NGUYỄN THỊ THU HIỀN: Tăng cường giải pháp phòng, chống đuối nước

Bên cạnh việc tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cá nhân trong phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em, Sở LĐ-TBXH cũng thực hiện một số giải pháp khác.

Cụ thể như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các địa phương về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em; chú trọng công tác rà soát, phát hiện các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là khu vực hồ nước, ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu nguy hiểm, hệ thống thoát nước, đập nước thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để kịp thời gắn biển cảnh báo, rào chắn để hạn chế tai nạn thương tích cho trẻ em…

Đồng thời, Sở chú trọng kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Chủ tịch UBND xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) TRẦN ĐỨC SƠN: Ngăn vui chơi, bơi lội thiếu an toàn

Từ đầu tháng 3-2023 đến nay, chúng tôi đã vận động, tổ chức tháo dỡ hơn 20 điểm du lịch, cắm trại tự phát quanh hồ Trị An. Đây là những công trình vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện Trị An nằm trên địa phận xã Mã Đà.

Qua đó nhằm hạn chế được việc người dân tụ tập cắm trại, bơi lội, câu cá thiếu an toàn, xảy ra đuối nước. Đồng thời, chúng tôi cũng bố trí thêm hàng chục bảng cảnh báo nguy cơ đuối nước tại các vị trí nước sâu quanh bờ hồ Trị An.

Gia An - Minh Thành (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202305/phong-tranh-duoi-nuoc-tai-cac-song-ho-trong-mua-he-3166945/