Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Hiện nay, hầm ủ biogas vẫn đang được xây dựng ở nhiều hộ gia đình, đặc biệt là ở vùng nông thôn các địa phương. Đã có không ít trường hợp tử vong do ngạt khí trong hầm biogas.

Mới đây, tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) xảy ra việc ba người trong gia đình tử vong do ngạt khí khi xuống hầm biogas. Hố gas có diện tích khoảng 9m2, sâu khoảng 3m, nằm trong hệ thống hầm biogas.

Thời điểm xảy ra vụ việc, nước phân heo chỉ sâu khoảng 0,4m. Trước đó, năm 2017 tại huyện Gia Lộc (Hải Dương), ba anh em cùng chết dưới hầm biogas khi bắc thang xuống hố để sửa đường ống nhà vệ sinh bị tắc.

Các nhà chuyên môn khẳng định, thủ phạm giết người chính là các khí cacbon không màu, không mùi, không duy trì hô hấp, có nhiều ở những nơi có sự phân hủy các chất hữu cơ.

Các nạn nhân chết vì thiếu oxy và hít phải các khí độc (CO, CO2, CH4, H2S...) tích tụ lại trong lớp nước dưới đáy giếng. Những giếng khơi sâu cũng dễ là nơi tích tụ nhiều khí CO2.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết. Kể cả những trường hợp nhẹ nhất trong số ca bệnh bị ngộ độc khí CO, có tới khoảng gần 50% sẽ gặp các biến chứng về sức khỏe tâm thần, thần kinh, tổn thương não sau này.

Kỹ sư Tạ Đức Trung, Công ty Hưng Việt, Khu công nghiệp Hiệp Hòa, Bắc Giang cho biết, để an toàn thì nên sử dụng hầm biogas bằng công nghệ composite. Công nghệ này bền, tiện lợi hơn so với hầm biogas xây bằng gạch.

Lưu ý khi lắp đặt, nơi có khí thoát ra ngoài do đường ống hở, cần tuyệt đối cấm lửa, hút thuốc, dùng đèn dầu. Khi dùng bếp cần chú ý đưa lửa tới gần rồi mới mở van cho khí ra. Bếp gas có thể dùng bếp thủ công và bếp công nghiệp tùy theo điều kiện của mỗi gia đình. Lưu ý khi sử dụng, nguồn phân, nước phân sử dụng không pha trộn các hóa chất, phân thải cần được nạp đều đặn hằng ngày.

Khi hầm khí biogas có hiện tượng đóng váng (màng sinh học dày lên) khiến khí gas lên ít, người dân có thể tự xử lý, nhưng trước đó phải mở nắp hầm ủ khí một thời gian dài để khí mêtan bay hết, sau đó dùng gậy chọc phá màng sinh học, bơm nước vào để đẩy lớp váng ra.

Sau khi chọc thủng lớp váng, phải chờ vài tiếng mới được mở nắp hầm. Tuyệt đối không tự xuống hầm ủ khí trong bất cứ trường hợp nào.

Khi vệ sinh hầm hoặc sửa chữa, cần phải tuân theo các bước sau: Lấy toàn bộ phân ra ngoài và chờ bể phân hủy khô; phải đợi cho khí gas thoát ra hết. Có thể dùng cành cây hoặc dùng quạt thổi không khí bên ngoài vào để đẩy khí gas ra.

Người làm ở dưới hầm nhất thiết phải có người ở trên theo dõi. Người xuống hầm phải buộc dây để người ở trên thường trực kịp thời kéo lên khi gặp sự cố, nếu thấy mùi khí lạ, khó thở phải lên ngay.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phong-tranh-ngat-khi-trong-ham-biogas-post677204.html