Phòng tránh nguy cơ mù lòa do bệnh lý glôcôm

Là một bệnh lý phổ biến về mắt trong cộng đồng và là nguyên nhân thứ 2 gây mù lòa cho người bệnh sau đục thủy thể, tuy nhiên, bệnh glôcôm lại thường bị bỏ qua trong giai đoạn ban đầu do các triệu chứng diễn tiến âm thầm, dễ gây nhầm lẫn. Vì thế, bệnh thường để lại hậu quả nặng nề cho người mắc. Do không được khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhiều bệnh nhân đã bị mù vĩnh viễn vì bệnh lý glôcôm (còn được gọi là bệnh cườm nước hay thiên đầu thống).

Khám mắt định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa là biện pháp hiệu quả để phát hiện sớm bệnh lý glôcôm -Ảnh: PT

Tình cờ biết bản thân đang bị tăng nhãn áp glôcôm trong một lần đi khám mắt, ông Nguyễn Tiến Trúc ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa được các bác sĩ thông báo ngoài bị đục thủy tinh thể, ông còn mắc bệnh lý glôcôm. Theo chỉ định của bác sĩ, ông đã được nhập viện điều trị nhãn áp và thực hiện phẫu thuật phối hợp sau khi nhãn áp ổn định. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết: Cách đây một tháng, tự nhiên mắt tôi nhìn mờ hẳn mà không rõ nguyên nhân, tôi rất lo lắng nên đã đi khám ngay. Kết quả, tôi bị đục thủy tinh thể và glôcôm mà nguyên nhân là do bệnh đục thủy tinh thể gây ra. Bác sĩ nói rất may tôi đã được can thiệp điều trị kịp thời, nếu không nguy cơ bị mù sẽ rất cao. Vì cùng lúc mắc hai bệnh nên tôi được phẫu thuật phối hợp. Rất mừng là Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã thực hiện phẫu thuật cho tôi rất tốt, đến nay mắt của tôi đang ổn định dần, kết quả đó khiến tôi thấy vui và yên tâm rất nhiều.

Theo đánh giá của bác sĩ Chuyên khoa I (CKI) Nguyễn Mi Sen, Khoa điều trị nội trú, Bệnh viện Mắt Quảng Trị thì có rất nhiều bệnh nhân tình cờ được phát hiện tình trạng tăng nhãn áp glôcôm khi đến bệnh viện thăm khám mắt hoặc những lần đơn vị triển khai các đợt khám tầm soát tại cộng đồng. Mặc dù tăng nhãn áp glôcôm là bệnh thường gặp trong cộng đồng và là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn trên thế giới cũng như ở Việt Nam, song các triệu chứng của bệnh thường diễn tiến âm thầm, không mang tính cảnh báo, điển hình, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên người bệnh dễ bỏ qua hoặc có thể bị chẩn đoán sai nếu người bệnh đến khám tại các cơ sở y tế không có chuyên khoa mắt. Bệnh glôcôm nguy hiểm ở chỗ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ không có thuốc điều trị và cũng không có can thiệp phẫu thuật nào có thể lấy lại được thị lực cho người bệnh từ những tổn thương mà bệnh đã gây ra. Đến giai đoạn cuối, người bệnh sẽ bị mù vĩnh viễn. Vì lẽ đó, người ta vẫn gọi glôcôm là “Kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng”.

Cũng theo bác sĩ Mi Sen, bệnh glôcôm là một bệnh lý tại mắt gây tổn thương tiến triển đến thần kinh thị giác, gây mất thị lực không thể phục hồi. Bệnh glôcôm thường gây các triệu chứng như đau đầu, thị lực giảm từ từ, mờ mắt thoáng qua, cảm giác nặng mắt khi làm việc hoặc nhìn mờ như sương mù, nhìn đèn thấy quầng xanh đỏ… Nếu không được phát hiện để điều trị sớm, nguy cơ bị giảm dần thị lực và dẫn đến mù lòa đối với người bệnh là điều tất yếu sẽ xảy ra. Riêng trường hợp mắc glaucoma cấp, bệnh nhân sẽ bị đau nhức mắt đột ngột, đau nhức nửa đầu cùng bên kèm cảm giác buồn nôn, nôn mửa do áp lực trong mắt tăng cao đột ngột. Đây là một trường hợp cấp cứu nhãn khoa, nếu không được can thiệp xử trí kịp thời thì nguy cơ giảm và mất thị lực vĩnh viễn rất cao. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người từ 40 tuổi trở lên, nữ nhiều hơn nam, người mà trong gia đình từng có người đã mắc bệnh glôcôm thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Ngoài ra, những người thuộc nhóm yếu tố nguy cơ cao còn có người bị cận thị nặng, viễn thị, có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid, từng bị chấn thương mắt hoặc phẫu thuật mắt… thì càng dễ mắc bệnh glôcôm.

Có thể nói, trong công tác phòng tránh nguy cơ mù lòa do glôcôm thì việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hằng năm, nhân Tuần lễ glôcôm thế giới, Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lý glôcôm và nguy cơ gây mù lòa do bệnh lý glôcôm. Trong đó, đáng chú ý là các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp cho người dân đến thăm khám tại đơn vị, treo các băng rôn vượt đường chuyển tải các thông điệp phòng chống bệnh glôcôm. Đặc biệt đã tổ chức các đợt khám lưu động tầm soát các bệnh lý về mắt nói chung và bệnh glôcôm nói riêng cho người dân tại cộng đồng.

Là một bệnh lý nguy hiểm về mắt, việc phát hiện và điều trị glôcôm trong thời gian sớm nhất đóng vai trò quyết định trong việc làm chậm sự phát triển của bệnh, bảo vệ phần thị lực chưa bị thương tổn, hạn chế khả năng mù lòa. Theo khuyến cáo của ngành y tế, bản thân mỗi người, đặc biệt là những người lớn tuổi cần tích cực thực hiện việc thăm khám mắt định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện sớm nhất những dấu hiệu mắc bệnh lý glôcôm. Vì yếu tố quan trọng hàng đầu trong điều trị bệnh lý này chính là việc được phát hiện sớm tình trạng bệnh. Những người nằm trong nhóm nguy cơ nên khám tầm soát định kỳ mỗi năm. Những người không thuộc nhóm nguy cơ nên thường xuyên đi khám mắt 1 đến 2 lần trong năm và đo thị lực, nhãn áp, khám đầu thị thần kinh… Đây là những việc cần thiết để phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh glôcôm và các bệnh về mắt khác để bảo vệ thị lực, phòng tránh nguy cơ mù lòa, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phương Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=156382&title=phong-tranh-nguy-co-mu-loa-do-benh-ly-glocom