Phong trào 'áo vàng' tiếp tục lan rộng dù chính phủ Pháp đã nhượng bộ

Chính phủ Pháp đã tuyên bố trì hoãn tăng thuế năng lượng vào hôm thứ ba vừa qua, nhưng làn sóng biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những người biểu tình nhấn mạnh rằng họ sẽ không chấp nhận những 'giải quyết vụn vặt' như vậy.

Một người biểu tình đang chứng kiến một chiếc xe bị cháy gần đại lộ Champs-Elysees trong một cuộc biểu tình hôm thứ bảy tại Paris - Ảnh: AP

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 4.12 thông báo về việc ngưng áp dụng thuế mới nhắm vào xăng dầu kéo dài trong 6 tháng, đồng thời đóng băng giá điện, khí tự nhiên cho đến tháng 5. Thông báo này được đưa ra chỉ vài tuần sau các cuộc biểu tình, bạo loạn liên tục nổ ra khắp nước Pháp phản đối uyết định tăng thuế xăng dầu được ban hành vào tháng 11.2018.

Quyết định tăng thuế này phục vụ nỗ lực của chính phủ nhằm thu hút người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên việc tăng thuế khiến đời sống đắt đỏ hơn và gây thiệt hại lớn cho những tầng lớp lao động có thu nhập thấp tại Pháp.

Các giới chức nói rằng có ít nhất 4 người đã thiệt mạng do các cuộc biểu tình cùng hơn 130 người bị thương và 412 người bị bắt giữ trong cuộc bạo động làm náo loạn thủ đô nước Pháp tuần trước, gây thiệt hại nặng nề. Đây là cuộc bạo loạn nghiêm trọng nhất, kể từ khi phong trào “áo vàng” phát động biểu tình 3 tuần qua.

Khi nói về công bố việc trì hoãn tăng thuế nhiên liệu của chính phủ, Benjamin Cauchy, lãnh đạo phe phản đối tự xưng cho biết: “Đây là một bước tiến đầu tiên của chính phủ, nhưng chúng tôi sẽ không chấp nhận các giải quyết nhất thời”.

Thierry Paul Valette, một nhà lãnh đạo tự xưng khác đã nói với AP rằng những người biểu tình không hài lòng không chỉ về thuế nhiên liệu tăng cao mà còn về sự bất bình đẳng kinh tế trong xã hội Pháp. Valette cho biết: "Giải pháp đến quá muộn. ... Những người đứng đầu chính phủ nên từ chức".

Phong trào “áo vàng” vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp và có dấu hiệu lan sang nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Không chỉ bất mãn đối với việc tăng thuế, nhiều người biểu tình đã chuyển sự chú ý của họ sang Tổng thống Emmanuel Macron cùng một số chính sách gần đây của ông. Đây được cho là khủng hoảng chính trị lớn nhất của Macron kể từ khi nhậm chức Tổng thống Pháp vào tháng 5 năm ngoái.

Kể từ khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina, Macron đã ở lại dinh thự của mình tránh né việc lên tiếng công khai về phong trào biểu tình. Sự im lặng này của ông Macron vô hình trung có thể bị phe biểu tình xem như là thông điệp thách thức, khiến cho tình hình căng thẳng hiện nay càng thêm nghiêm trọng. Có thể nói, ông Macron đang ở một vị trí quá xa so với những người biểu tình, và Tổng thống Pháp cần làm gì đó để cải thiện mối quan hệ này.

Về phần mình, Macron đã đến thăm một trụ sở chính quyền khu vực bị những người biểu tình xúi giục, nhưng ông từ chối phát biểu với báo giới.

Damien Abad, một nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa Pháp đánh giá việc trì hoãn tăng thuế là "quá ít, quá muộn”. Ông nói thêm rằng: "Nếu phản ứng duy nhất của Thủ tướng chính phủ chỉ là việc đình chỉ các loại thuế nhiên liệu thì chắc chắn họ vẫn chưa nhận ra được bản chất của tình hình hiện nay. Những gì đoàn người biểu tình đang yêu cầu không phải là là sự trì hoãn mà là sự thay đổi".

Hoàng Vũ (theo Foxnews)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/phong-trao-ao-vang-tiep-tuc-lan-rong-du-chinh-phu-phap-da-nhuong-bo-102522.html