Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Công đoàn xây dựng nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả

Từ chương trình phối hợp với Bộ Công an, những năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với lực lượng Công an xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm trong doanh nghiệp, khu công nghiệp; xây dựng và duy trì hoạt động Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân ở khu công nghiệp, góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, công tác tham gia đảm bảo an ninh trật tự đã được các cấp công đoàn trong cả nước quan tâm triển khai và đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải thăm, tặng quà cho con công nhân khu trọ thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ảnh: B.D

Đáng chú ý là mô hình Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ do tổ chức Công đoàn phối hợp với Công an và chính quyền địa phương thành lập và tổ chức hoạt động trong thời gian vừa qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Hiện cả nước có 22 địa phương có mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân. Theo tổng hợp báo cáo từ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, đến nay có tổng số 2.538 Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, với 207.552 công nhân lao động tham gia.

Trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh có 1.757 tổ, với 120.242 công nhân lao động; Liên đoàn Lao động tỉnh Long An có 281 tổ, với 17.460 công nhân lao động; Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội có 92 tổ với trên 20.000 công nhân lao động tham gia; Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng có 56 tổ với 5.750 công nhân lao động; Liên đoàn Lao động Đồng Tháp có 37 tổ với 2.508 công nhân lao động tham gia…

Tại Hà Nội, trong 3 năm qua (2017 đến nay), các Tổ tự quản công nhân của thành phố Hà Nội đã tham gia hòa giải, giải quyết tại cơ sở được 155 vụ việc; số vụ phạm pháp hình sự các Tổ tự quản cung cấp thông tin, góp phần điều tra, làm rõ là 35 vụ.

Với cách làm tương tự, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an tỉnh thành lập 93 “Tổ an ninh công nhân” tại 6 doanh nghiệp FDI; Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an tỉnh xây dựng được gần 300 Đội công nhân xung kích với trên 7.000 thành viên tham gia.

Qua thực tế hoạt động, nhiều Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả với tình hình địa phương. Tiêu biểu như tại tỉnh Nam Định, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh xây dựng mô hình “Khu công nghiệp, cụm công nghiệp an toàn về an ninh trật tự”.

Hay tại Yên Bái, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng mô hình “Công đoàn cơ sở không có người mắc tệ nạn xã hội” và phong trào “Gia đình công nhân, viên chức, lao động không có người mắc tệ nạn xã hội”, phát động triển khai hiệu quả mô hình công đoàn cơ sở "Ba có, ba không”, trong đó: "Ba có” là: Có xây dựng kế hoạch hoạt động; có tổ chức phong trào thi đua; có tổ chức đánh giá xếp loại hằng năm. "Ba không” là: Không có người lao động không được chăm sóc bảo vệ; không có người lao động vi phạm phạm luật; không mất đoàn kết nội bộ.

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh thành lập nhiều mô hình khác như các Đội dân quân tự vệ trong doanh nghiệp, Đội Phòng cháy chữa cháy, Đội bảo vệ, Đội dân phòng của Khu công nghiệp để thực hiện phương châm “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự”…

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc xây dựng mô hình tự quản trong công nhân là một hình thức tập hợp công nhân lao động trong tình hình hiện nay, góp phần tích cực trong việc tạo dựng được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa chính quyền, Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở.

Các mô hình trên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của công nhân, nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của công nhân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân tại cơ sở, từ đó hạn chế xảy ra các vụ lộn xộn, gây mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

“Thông qua các mô hình, cách làm sáng tạo trên, tổ chức Công đoàn đã phát huy được vai trò trách nhiệm chăm lo, bảo vệ, vì cuộc sống bình yên và sức khỏe của người lao động, đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, âm mưu “Diễn biến hòa bình”, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch”, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định.

B.Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phong-trao-toan-dan-bao-ve-an-ninh-to-quoc-cong-doan-xay-dung-nhieu-mo-hinh-sang-tao-hieu-qua-111601.html