Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ: Củng cố, tinh gọn các mô hình

Với phương châm phòng ngừa là chính, các mô hình quần chúng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) được quan tâm củng cố, tinh gọn, phù hợp với đặc điểm tình hình. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), xây dựng 'thế trận lòng dân'.

Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tạo khí thế thi đua, sôi nổi, nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng công an với nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân trong công tác bảo đảm ANTT. Mới đây, Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (Bộ Công an) thông báo mô hình “Nhóm zalo giữa trưởng công an các xã với cán bộ cơ sở và nhân dân trên địa bàn phục vụ công tác bảo đảm ANTT” của tỉnh Bắc Giang là mô hình tiêu biểu để công an các địa phương nghiên cứu, tham khảo, vận dụng.

Công an xã Mỹ Thái (Lạng Giang) tương tác với người dân qua nhóm zalo.

Quảng Minh (Việt Yên) là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn tiêu chí kiểu mẫu về ANTT. Thiếu tá Nguyễn Quang Toàn, Trưởng Công an xã thông tin: “Để làm tốt công tác nắm tình hình, bên cạnh việc tích cực gần dân, bám cơ sở thì Công an xã còn duy trì hiệu quả hoạt động của nhóm zalo “Công an với nhân dân”. Trước đây, khi chưa có mô hình, những vấn đề về liên quan đến ANTT được thông tin trên hệ thống loa truyền thanh hay mở hội nghị. Tuy nhiên cách làm này người nghe sẽ bị động, việc chia sẻ thông tin cho nhau cũng hạn chế. Từ khi có nhóm zalo này, chỉ trong tích tắc là người dân tiếp nhận được ngay”.

Minh chứng như việc thông tin đến công dân về thời gian, địa điểm hay những trường hợp cần phải điều chỉnh do sai thông tin khi làm căn cước công dân, định danh điện tử đều được Công an xã thường xuyên cập nhật vào nhóm... Ở chiều ngược lại, các thành viên trong nhóm còn cung cấp cho lực lượng công an nhiều thông tin có giá trị.

Hay như trước thực tế những vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội, Công an xã Mỹ Thái (Lạng Giang) thường xuyên gửi vào nhóm zalo “Công an với nhân dân” về phương thức, thủ đoạn, giúp người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Nhiều người dân đọc thông tin trong nhóm đã mạnh dạn hỏi thêm thông tin từ đồng chí Trưởng Công an xã, tránh bị kẻ xấu lừa đảo.

Triển khai điểm từ tháng 5/2021, đến nay, toàn tỉnh có 209/209 xã, phường, thị trấn xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình nhóm zalo chính với gần 14.000 thành viên; thành lập 164 nhóm zalo bổ trợ để tăng cường công tác nắm tình hình, hỗ trợ hoạt động. Đặc biệt các thành viên nhóm zalo đã cung cấp gần 4.000 tin có giá trị, giúp lực lượng công an điều tra, khám phá hơn 400 vụ, việc, tạm giữ 700 đối tượng vi phạm pháp luật. Cùng đó, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc liên quan đến ANTT ngay tại địa bàn cơ sở.

Bắc Giang có 4 mô hình tiêu biểu được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ (Bộ Công an) phổ biến trên toàn quốc. Đó là các mô hình: Nhóm zalo giữa "Trưởng Công an xã với cán bộ cơ sở và nhân dân trên địa bàn phục vụ công tác bảo đảm ANTT"; “Cựu công an xã tham gia bảo đảm ANTT, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh”; “Tổ tự quản bảo đảm ANTT” của Chi hội Cựu chiến binh thôn, bản, tổ dân phố; “Đội an ninh cơ động” thôn Bắc Am, xã Tư Mại (Yên Dũng).

Đặc biệt, nhóm zalo đã tạo được kênh trao đổi thông tin chính thống giữa lực lượng Công an với nhân dân, giảm thiểu tác hại của thông tin "rác", "thông tin không chính thống”, “tin giả” và thuận tiện cho nhân dân tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm. Từ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, ba năm qua, tỉnh Bắc Giang có 4 mô hình điển hình tiên tiến hoạt động có hiệu quả, được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ phổ biến trên toàn quốc.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy có nhiều mô hình hoạt động hình thức, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đầu năm 2023, lực lượng công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Kết quả, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 3.426 mô hình (trong đó có 3.236 mô hình tự quản, 190 mô hình liên kết), 5.352 tổ chức quần chúng. Các mô hình tuy tên gọi khác nhau nhưng đều có nhiệm vụ chung là tham gia tuyên truyền pháp luật, nắm bắt tình hình ANTT, phối hợp với lực lượng công an giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ cơ sở.

Đại tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh cho biết: “Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình, điểm mới là từ tháng 1/2024 sẽ huy động các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTQ (trước kia chỉ vận động nhân dân).

Phân công lãnh đạo, cán bộ dự và chỉ đạo hoạt động của các mô hình; hằng tháng có báo cáo cụ thể kết quả hoạt động. Đặc biệt, sau khi giải thể Đội xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cũng như sáp nhập Phòng xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, công an một số huyện bố trí cán bộ chưa hợp lý. Vì vậy, Ban chỉ đạo yêu cầu bố trí cán bộ có kinh nghiệm, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và công an các đơn vị, địa phương đối với hoạt động của các mô hình”.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/417847/phong-trao-toan-dan-bao-ve-antq-cung-co-tinh-gon-cac-mo-hinh.html