Phỏng vấn bà hàng xén

Phóng viên (PV): Thưa bà, tại sao truyện ngắn 'Cô hàng xén' lại nổi tiếng y như 'cô hàng nước' vậy?

Hàng xén: Vì đã có một thời, hàng xén ở khắp nơi. Hàng xén tượng trưng cho nhiều món đồ, nhiều tính cách xinh xinh, nho nhỏ, bé bé.

PV: Mà cuộc sống thì luôn luôn chúng ta vẫn cần những thứ bé bé xinh xinh.

Hàng xén: Đúng thế.

PV: Tuy nhiên, thưa bà, có người nói rằng một quốc gia, cũng như một cá nhân, không thể phát triển nếu có tư duy và sản xuất theo kiểu hàng xén được.

Hàng xén: Vâng. Rõ ràng thế. Phải có một nền công nghiệp lớn. Điều đó chả bí mật gì.

Việt Nam không thể đi ra thế giới bằng cách ngồi ở chợ và bày vài thứ lên mẹt hay treo lủng lẳng trên quang gánh.

PV: Nhưng tiến lên sản xuất lớn, thưa bà, là một con đường rất khó khăn.

Hàng xén: Rất khó khăn. Nhưng hôm nay ta sẽ không bàn chuyện này, mà chuyển sang một hướng khác.

Nhà báo phải biết có một giáo sư kinh tế đã nói: Sự phá sản không tới từ việc mất những khoản tiền lớn mà từ sự tiêu tan từ những đồng xu nhỏ.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Ý bà là gì?

Hàng xén: Ý tôi muốn nói, nếu như chúng ta không thể làm giàu từ cái rất bé, thì lại có thể bị nghèo từ những cái rất nhỏ.

PV: Xin bà nói rõ hơn.

Hàng xén: Gần đây cả nước rộ lên việc chống tham nhũng ở những vụ án lớn. Như thế rất tốt. Thế nhưng tôi xin lưu ý, tài sản quốc gia có thể bị bào mòn khủng khiếp do những thứ tham những tí xíu, nhỏ mọn vẫn diễn ra hàng ngày ở hàng triệu nơi.

PV: Nghĩa là tham những vặt.

Hàng xén: Nhà báo dùng từ ấy chính xác. Tham nhũng vặt! Đó là các kiểu trộm cắp từ từ, chút xíu, có khả năng ai cũng bỏ qua vì chưa thể đưa ra truy tố, nhưng thực ra lại tệ hại vô cùng.

PV: Tệ hại vì sao?

Hàng xén: Vì nó cũng làm tan chảy ngân sách như một miếng bơ thả vào chảo nước sôi, tan chảy suốt ngày đêm và tưởng như rất khó nhìn nhưng nếu cộng lại thì vô cùng kinh hãi, có thể còn kinh khủng hơn sự tham ô của các ông lớn tập đoàn.

PV: Xin bà đưa ra ví dụ?

Hàng xén: Ví dụ vừa qua ở Thái Bình, một chi cục thủy lợi đã đề xuất mua áo mưa cho nhân viên bằng tiền ngân sách với giá 1 triệu đồng một áo.

PV: Ối, lấy đâu ra giá đó, áo mưa thì chỉ 1 trăm ngàn là cao nhất. Ai chả biết thế.

Hàng xén: Ừ. Rõ ràng ai cũng hiểu. Nhưng họ vẫn đưa cái giá đó ra.

PV: Khi bị hỏi, cấp trên ở Thái Bình nói rằng giá ấy chưa được duyệt mà.

Hàng xén: Tôi biết. Nhưng nội việc đưa ra một số tiền gấp 10 lần thực tế chứng tỏ tư duy và đạo đức của người đưa chắc chắn có vấn đề, còn gì phải nghi ngờ nữa nhỉ?

Và nếu việc duyệt giá xảy ra, chỉ có đứa ngốc mới tin là cấp trên sẽ hạ xuống mười lần.

PV: Tóm lại, rõ ràng đây là một ý định tham những vặt.

Hàng xén: Không còn kết luận gì chính xác hơn: Tham nhũng vặt!

Sẽ chẳng có ai ra tòa, sẽ chẳng có ai đi tù, và thậm chí cũng chẳng có ai kiểm điểm hay khiển trách do tăng giá thành của chiếc áo mưa. Nhưng thử tưởng tượng xem trên đất nước ta, mỗi ngày, mỗi phút lại có hàng triệu những cái nhỏ nhen như thế đang được mua bằng tiền quốc gia thì số kinh phí thất thoát sẽ ra sao?

PV: Kinh khủng.

Hàng xén: Đã từ lâu, bất cứ món đồ gì, bất cứ công trình gì mà nhà nước mua và thực hiện đều có giá thành cao hơn bên ngoài là điều chả cần nói ai cũng biết. Và nhiều người đã từ lâu coi đó là chuyện đương nhiên.

PV: Nếu như cô hàng xén luôn dễ thương mềm mại tạo ra một cảm giác man mác buồn thì tham những kiểu hàng xén tạo ra một tâm trạng chán ngán, bất lực, chây lì vì nó quá phổ biến và quá dễ dàng chấp nhận.

Lê Thị Liên Hoan

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/32githang__-phong-van-ba-hang-xen-502053/