Phỏng vấn đặc biệt thi sĩ lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành

Nguyễn Phúc Lộc Thành là đang là hiện tượng thơ lục bát gây chú ý nhất thi đàn năm 2018. Báo Đất Việt đã có cuộc phỏng vấn nhanh thi sĩ...

PV: Nhắc đến Nguyễn Phúc Lộc Thành, người ta thường nghĩ tới Chủ tịch hãng taxi tải nổi tiếng hơn là một cây bút nghệ thuật, và nhất là khi quay lại văn đàn sau hơn 20 năm vắng bóng, anh có nghĩ người đọc sẽ quên tên mình?

-Tôi vẫn là một phần máu thịt của văn chương và 20 năm tạm xa rời ấy chỉ như một giấc ngủ và bây giờ đã đến lúc tỉnh giấc chứ nó không hoàn toàn cách biệt mà tồn tại trong nhau. Cũng không nên tách biệt văn chuơng và kinh doanh là hai thái cực hoàn toàn đối lập.

Theo đánh giá người ta cho rằng những người kinh doanh thì thường khó làm văn chương hay viết văn thì không thể kinh doanh được nhưng mình không cho rằng như thế. Văn chương là một nghề và kinh doanh cũng là một nghề, nếu mình biết điều tiết nó, dành thời gian cho nó thì không bị xâm hại đến nhau.

Nguyễn Phúc Lộc Thành

Nguyễn Phúc Lộc Thành

Thậm chí phần nào đó còn hỗ trợ cho nhau. Giống như trong âm có dương, trong đầy có khuyết. Ví dụ cụ thể, bản thân tôi là một học sinh chuyên toán từ thời cấp 2 còn đi học, thế nhưng chất văn trong tôi vẫn có, vẫn âm thầm chảy và đến bây giờ mới có đà, có cơ hội để trỗi dậy một lần nữa.

PV: Anh có thể nói rõ hơn về quan niệm mới, góc nhìn mới được thể hiện qua tập thơ lục bát cũng theo một phong cách rất mới của anh để độc giả có thể cảm nhận rõ hơn được không ạ?

-Người ta cho rằng người lái ô tô thì không thể cầm bút viết văn. Đã nhắc đến nhà văn thường thì người ta nghĩ tới những con người bay bổng, phiêu diêu, bươn bả với cuộc đời. Nhưng tôi nghĩ văn chương không nhất thiết cần phải say lướt khướt hay vật vã với đời. Đâu cần phải nghèo mới viết được văn hay. Sự thật là khi ta có một sự ổn định về mặt vật chất, không phải toan tính, lo cuộc sống mưu sinh thì ta có thể yên tâm ngồi viết văn hơn.

Tôi có rất nhiêu người anh em là minh chứng rõ ràng cho việc không phải nghèo mới viết được văn hay. Mà chẳng đâu xa, chính là Lép Tôn-xtôi (Lev Tolstoi) sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng vẫn trở thành một thi hào lỗi lạc của nước Nga hay Puskin. Vậy nên tôi cho rằng văn chương là hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc bất cứ vào một điều kiện môi trường nào.Văn chương chỉ thật sự đạt đến cảnh giới cao nhất khi nó mang được tính khái quát.

Tức là anh phải đau nỗi đau của nhân loại, vui cái vui của nhân loại và buồn nỗi buồn của nhân loại. Cũng như một chủ đề về sông Thương nhưng tôi lại viết được 36 bài mà không có cảm giác bị nhàm hay lặp lại là cũng vì cái lẽ ấy. Nếu bạn bỏ đi những đại danh cụ thể như Bến Chia Ly, bến Mom trong bài thơ ấy thì nó không còn là con sông Thương nữa, mà là con sông mẹ, biểu tượng cho cả một nền văn hóa Kinh Bắc, văn minh sông Hồng gắn với hình ảnh cánh diều, lời ru, con đò bến nước.

Cái tài của người làm văn là khiến tác phẩm của mình mang được tính khái quát, tính đại diện cho nhân loại, cho kiếp nhân sinh. Với tư tưởng như thế nên tôi không bị trói buộc bởi một không gian nào. Cả 36 bài Chiều cũng như thế, cũng một không gian chiều rất Việt Nam với hình ảnh mẹ, em hay người anh ra trận với đủ những cảm xúc đau thương, mất mát đến da diết,đậm đà.

Và với Chân quê cũng vậy, một không gian Bắc Bộ rất hiện đại, qua góc nhìn của thời đại 4.0, khác với Chân quê của cụ Nguyễn Bính 50,60 năm trước. Cái nhìn về sự lầm lụi, đau đáu về giọt mồ hôi bây giờ đã khác rồi. Cũng giống như thế hệ sau này khi nhìn về cuộc sống cha ông ta ngày trước thì cũng sẽ khác như chúng ta bây giờ.

PV:Trong 3 tập thơ được Nhà xuất bản Hội nhà văn in ấn thì anh có tâm huyết với tập thơ nào nhất?

-Cả 3 tập thơ là một mạch cảm xúc xuyên suốt khoảng thời gian viết, chỉ khác nhau ở không gian và góc nhìn. Vậy nên không nên tách rời chúng ra. Tập thơ mang một tư duy mới, mang những đột phá về cả tứ thơ, nhịp điệu, ngôn ngữ đều mạnh mẽ hơn của thời đại mới, không còn hiền hòa như những năm 60, 70 của thế kỷ trước nữa. Tất cả đều nằm trên một mạch cảm xúc chung nên nó chỉ thực sự truyền đạt hết cảm hứng khi không bị tách rời.

Bộ 3 tập thơ "Giấc mơ sông Thương", "Chiều","Chân quê" được in khổ "bỏ túi"...

PV: Sự trở lại của anh cùng tập thơ được công chúng rất quan tâm và có thể đánh giá là rất thành công, vậy anh có đang ấp ủ dự định nào khác để thầm cảm ơn những người đã theo dõi và ủng hộ anh hay không?

-Thơ không phải cứ muốn là viết được mà nó còn tùy thuộc vào cảm xúc và sự hứng khởi. Tôi rất cảm ơn những người anh, người bạn và những người em đã ủng hộ tôi, động viên và giúp đỡ tôi hoàn thành tâm huyết bấy lâu nay ấp ủ. Cảm ơn người mẹ, cảm ơn em đã tiếp thêm động lực để tôi có cảm xúc tốt nhất trong từng vần thơ. Nếu có thể trở lại thi đàn một lần nữa, tôi muốn thử sức ở một thể thơ khác,có thể là thơ 6 chữ để thoát khỏi cái dớp của Giấc mơ sông Thương để lại.

PV: Cảm ơn anh đã tham gia buổi trò chuyện ngày hôm nay!

Phan Như Quỳnh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/phong-van-dac-biet-thi-si-luc-bat-nguyen-phuc-loc-thanh-3366100/