Phỏng vấn hiệu quả: Chọn thời điểm để 'đột kích'

Thực hiện hoàn chỉnh bài phỏng vấn với Bộ trưởng hay chuyên gia nổi tiếng là vấn đềtương đối khó với một số nhà báo trẻ. Nhưng cũng sẽ dễ đối với các nhà báo chọn đúngthời điểm để 'đột kích' phỏng vấn. Kiểu 'đánh nhanh - thắng nhanh' đòi hỏi nhà báo phảicó kiến thức và kỹ năng 'tinh tuệ' mới làm chủ được mọi tình thế.

Năm 2006, nhà báo Hải Luận đang phỏng vấn Phó Thủ tướng Vũ Khoan._Ảnh: TGCC

Năm 2006, nhà báo Hải Luận đang phỏng vấn Phó Thủ tướng Vũ Khoan._Ảnh: TGCC

Đôi khi nhà báo đi phỏng vấn theo đường công văn của tòa soạn đến gặp Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng, nó sẽ đi thứ tự qua nhiều “cửa”, cuối cùng bạn nhận được một bài phỏng vấn do văn phòng chuẩn bị sẵn, với chi chít số liệu báo cáo và trích dẫn số công văn chỉ đạo, đăng lên cả trang báo giống như một bản báo cáo năm. Bản thân phóng viên ký tên thực hiện cũng thấy ái ngại với đồng nghiệp và bạn đọc.

“Ăn thua” với nhân vật phỏng vấn

Phỏng vấn hay nhất là gặp trực tiếp, nhà báo đặt câu hỏi, nhân vật trả lời. Hay hơn nữa, phóng viên tung câu hỏi tranh luận “ăn thua” với nhân vật, lúc này những chi tiết, thông tin gay cấn sẽ được xổ ra. Đòi hỏi nhà báo phải chuẩn bị thật kỹ càng, về kiến thức nền chủ đề mình muốn phỏng vấn, máy ghi âm, máy ảnh, trang phục,...

Cách tiếp cận quan chức cấp cao hoặc chuyên gia có rất nhiều cách, tùy thuộc kỹ năng của mỗi người và bối cảnh diễn ra cuộc gặp. Nhà báo xây dựng mối quan hệ tốt với các chính khách, dễ đặt các cuộc hẹn trực tiếp và bố trí nhiều thời gian cho cuộc phỏng vấn.

Đối với các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng,... mà bạn chưa quen biết, đòi hỏi nhà báo phải “tương kế, tựu kế” cách tiếp cận họ. Thực tế nhà báo hay tiếp cận tại các hội nghị, hội thảo, đi khảo sát thực tế ở cơ sở,... với những trường hợp này, họ không “trốn” nhà báo được. Nhưng ngặt một nỗi, thời gian rất ít dành cho bạn hỏi hoặc cùng lúc có nhiều nhà báo xúm vào hỏi, sẽ bị phân tán chủ đề.

Trong tất cả mọi tình huống, nhà báo phải chuẩn bị một loạt câu hỏi sẵn, cần đặt câu hỏi chọc thẳng vào vấn đề, thậm chí hỏi ngược lại một số câu trả lời, mang tính tranh luận mới có những câu trả lời chứa đựng thông tin báo chí. Xét thấy chưa hoàn chỉnh bài phỏng vấn, bạn tiếp tục đeo bám hỏi tiếp, không bỏ cuộc. Cần lưu ý, mới vào đầu không nên hỏi câu móc méo, tranh luận gay gắt, họ sẽ vào tư thế “phòng ngự”, đề phòng nhà báo, cuộc phỏng vấn dễ bị đổ.

Phỏng vấn hay nhất là gặp trực tiếp, nhà báo đặt câu hỏi, nhân vật trả lời. Ảnh: TL

Năm 2006, tôi tiếp cận phỏng vấn Phó Thủ tướng Vũ Khoan, thông qua ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khi ông Vũ Khoan vào công tác ở tỉnh Bình Định. Lúc đó tôi đã đi theo sát ông Vũ Khoan rồi, nhưng không thể đặt vấn đề phỏng vấn được. Tôi gọi điện cho ông Hà: “Chú đang ngồi chung xe với Phó Thủ tướng, nhờ chú nói giúp có phóng viên đang đi trong đoàn xin phỏng vấn Phó Thủ tướng về Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại thế giới)”.

- Không được đâu, ông bận nhiều việc lắm - ông Hà, từ chối.

- Chú cứ nói giúp cháu, không được thì thôi.

- Ừ, để tôi nói thử.

Xe dừng lại để đoàn xuống thăm bãi cát ven biển. Tôi chạy đến gần ông Hà, ông cười và nói: “Phó Thủ tướng đã đồng ý phỏng vấn rồi đó”. Ông Vũ Khoan đi bên cạnh tiếp lời: “Về khách sạn tớ trả lời”. Trên đường đi, tôi đã chuẩn bị xong 6 câu hỏi “bén” nhất. Xe tôi đi nhờ ở phía sau cùng, vừa mới dừng ở dưới đường, tôi đã mở cửa xe và cắm đầu chạy đến đứng chờ sẵn cửa xe, ông Vũ Khoan vừa mới bước xuống đã thấy tôi, ông bảo: “Ta vào làm luôn”. Ngồi vào ghế, ông Khoan hỏi: - Cậu ở báo nào?

- Dạ, cháu ở Báo Biên phòng, từ Thành phố Hồ Chí Minh ra.

- Xa thế. Cậu muốn quan tâm điều gì?

- Dạ, đồng bào và cán bộ chiến sĩ ở biên giới không hiểu WTO là gì?

- Thế thì chết. Sao các cậu không tuyên truyền cho mạnh?

- Dạ, không ai nói để mà viết.

- Bây giờ cậu hỏi, tớ sẽ trả lời hết. Cậu nhớ viết cho đơn giản để đồng bào hiểu được.

Thế là ông Vũ Khoan say sưa trả lời phỏng vấn, một lúc sau có ai đó đến kéo áo tôi ra hiệu dừng lại. Tôi không để ý và liên tục đặt câu hỏi tiếp, ông Vũ Khoan hào hứng trả lời. Phỏng vấn xong đứng lên nhìn thấy phía sau toàn lãnh đạo tỉnh Bình Định đang đứng chờ mời ông Vũ Khoan ăn cơm tối. Về nhà, tôi đã viết hai bài: “Thử nghiệm nền kinh tế để “bày mưu” đàm phán quốc tế”, “Đỉnh cao của 20 năm đổi mới”.

Phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt. Ảnh: TL

Bắt được “cái thần” của nhân vật

Suốt quá trình phỏng vấn, nhà báo phải tập trung cao độ, nét mặt luôn tươi cười và tỏ ra phấn khích khi họ trả lời, đây là cách tương tác tốt nhất. Nếu xuất hiện chi tiết, vấn đề hay mà chưa làm rõ, phải đặt câu hỏi phụ ngay để họ trả lời luôn mạch. Từ đầu đến cuối, nhà báo luôn ở tư thế làm chủ và điều khiển cuộc phỏng vấn. Bộ trưởng trả lời lan man không đi thẳng vào chủ đề, nhà báo chọn khoảng ngắt thích hợp để đặt lại câu hỏi khác, “lái” nội dung trả lời vào đúng trọng tâm. Nhà báo nên thuộc hệ thống câu hỏi chuẩn bị sẵn, hạn chế tối đa vừa phỏng vấn, vừa phải dùng đến “phao”.

Ảnh nhân vật phỏng vấn để đăng kèm theo bài rất quan trọng. Thông thường các nhà báo hoạt động độc lập, say sưa phỏng vấn, mà quên chụp ảnh, kết thúc phỏng vấn mới lôi máy ảnh ra chụp mấy phát gọi là cho có ảnh. Hiện nay, 100% các nhà báo đã được số hóa máy ảnh, trong quá trình phỏng vấn, nhà báo tiến hành chụp ảnh luôn. Chỉnh máy cắt nửa người phía trên, cận cảnh, tay phải cầm máy ở tư thế sẵn sàng bấm chụp, mặt luôn ở trạng thái phỏng vấn và lắng nghe trả lời. Các cử chỉ, nét mặt của nhân vật được bấm chụp liên tục. Đồng thời bạn nên liếc kiểm tra xem ảnh đã hấp dẫn, sắc nét chưa? Nếu chưa đạt yêu cầu, tiếp tục thực hiện cho bằng được.

Bài phỏng vấn hấp dẫn và tấm ảnh bắt được “cái thần” của nhân vật, đây mới gọi là một tác phẩm phỏng vấn hoàn chỉnh và ưng ý nhất./.

Hải Luận

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/phong-van-hieu-qua-chon-thoi-diem-de-quot-dot-kichquot-n23791.html