Phỏng vấn một con quạ

Phóng viên (PV): Thưa anh, xin anh nói thực, trong xã hội, người ta ghét anh nhiều hay yêu anh nhiều?

Quạ: Họ ghét tôi. Tôi chắc chắn thế. Mặc dù phần lớn dân chúng chưa ai bị quạ mổ, chưa ai bị quạ đánh, cũng chả bị quaạ̊ ăn cắp đồ. Nhưng họ vẫn ghét quạ, mang quạ ví von với đủ thứ xấu xa.

PV: Tại sao vậy nhỉ?

Quạ: Tôi đã tìm hiểu, và phát hiện ra một bi kịch kỳ quái: Tại tôi có màu đen. Thế thôi. Màu ấy khiến bà con khiếp hãi. Nếu như quaạ̊ có màu trắng, màu vàng hay màu xanh, có khi quaạ̊ đã được nâng niu, đã được ca ngợi, và đã được nuôi làm cảnh như vẹt hay sáo.

PV: Thôi anh ạ, hãy cho đó là số phận. Chả ai có lỗi trong việc này. Nếu người sinh ra không thể chọn cha mẹ thì quạ sinh ra không thể chọn màu lông.

Quạ: Tôi cũng đã nghĩ thế. Nhưng tôi cực kỳ ngạc nhiên, cực kỳ bực mình khi thấy có nhiều thứ đen khác tai hại hơn nhiều, kinh khiếp hơn nhiều mà bà con không cảm nhận ra.

PV: Gì vậy?

Quạ: Cà phê.

PV: A, cà phê. Đúng rồi. Một thức uống đen sì. Đen như than, đen nhánh, đen như mọi đêm đen.

Quạ: Có thể nói không ngoa, gần như cả nước uống cà phê, có bao nhiêu bài văn, bài thơ ca ngợi, phân tích cà phê. Đại gia cà phê làm gì cũng gây ồn ào cho dư luận.

Ảnh minh họa: Lê Tâm.

PV: Vâng.

Quạ: Nhưng cũng như tôi. Cà phê đen. Tuy nhiên, khác với tôi, nhiều người uống cà phê hóa ra đã thấy đó là đen tuyệt diệu. Đâu có ngờ, họ đen mù quáng.

PV: Mù quáng?

Quạ: Bằng chứng là mấy hôm nay báo chí bỗng nhiên sửng sốt vì phát hiện ra ở một cơ sở người ta chế tạo cà phê bằng cách trộn đủ thứ bột vào với nhau, miễn bột ấy màu đen. Có cả đen nghiền từ ruột pin.

PV: Pin gì?

Quạ: Pin đèn. Pin Con Ó. Pin con bọ. Pin con sâu. Đám pin ấy có vô số chất hóa học vô cùng độc hại, không thể ăn, không thể uống, không thể cho vào cơ thể theo bất cứ dạng nào. Thế mà xưởng sản xuất đã quăng ra thị trường mấy chục tấn đủ để pha cả triệu ly cà phê cho triệu gái trai nhấp nháp.

PV: Chết, chết.

Quạ: Đúng. Chết. Chết. Theo ý tôi, đây không còn là hàng giả nữa. Đây là thuốc độc giết người.

Có luật sư phát biểu tội này có thể xử lý hình sự. Theo tôi, phải chắc chắn xử, phải khẩn cấp xử, chứ đâu phải ngồi đó mà bàn.

PV: Chính xác.

Quạ: Màu đen của quaạ̊ chỉ là màu đen bề ngoài, chứ lòng dạ tôi vẫn trắng tinh. Trong khi đó, màu đen của thứ cà phê kia là đen sì, đen như mực, chính vì lẽ đó đã gây nên mờ mắt người ta.

Tội làm hàng giả đã gây tác hại cho xã hội quá nhiều, gây độc cho mỗi con người và gây độc cho toàn xã hội. Thế nhưng việc xử lý lại quá ít, quá chậm hay quá nhẹ, khiến cho mọi người đôi lúc phải tự hỏi điều gì đã xảy ra.

PV: Điều gì?

Quạ: Tôi không biết. Tôi xin nhắc, ở Trung Quốc, tòa án đã tử hình vài nghi phạm pha chất cấm vào sữa trẻ em.

PV: Tử hình?

Quạ: Đúng vậy. Bởi có những thứ làm giả đặc biệt là thực phẩm ăn uống, chả khác gì hành vi cố ý giết người không thể nói khác đi.

PV: Và tại sao phải nói khác?

Quạ: Tôi biết nước nhà đang nóng trong cơn chống tham nhũng. Trong bao nhiêu cái nóng của mùa hè, thì cái nóng này dễ chịu vô cùng, khiến cho ai cũng thấy trong lòng ấm áp hẳn lên. Nhưng như vậy tại sao chúng ta không nhân cơ hội nóng luôn những việc chống tệ nạn, chống làm hàng giả, chống gây ô nhiễm môi trường, những cái nóng ấy sẽ làm cho bầu không khí xã hội mát hẳn ra.

PV: Đồng ý.

Quạ: Nói chung, bất cứ cái gì đen đen cũng cần nghi ngờ, cần phân tích kỹ và cần xem xét đặc biệt, đừng để lớp màng đen che phủ mắt, hay che phủ sự minh bạch của chân lý. Có như thế, bà con mới nhấm nháp ly cà phê đen trong tâm trạng thanh cao. n

Lê Thị Liên Hoan

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/32cuthang__-phong-van-mot-con-qua-490053/