Phỏng vấn một phi công

Phóng viên (PV): Thưa anh, nguy hiểm nhất đối với phi công trong một chuyến bay là gì?

Phi công: Điều đó lịch sử hàng không đã biết từ lâu. Đấy là khi hạ cánh.

PV: Hạ cánh?

Phi công: Đúng vậy. Bởi dưới đất lúc nào cũng có nhiều chướng ngại hơn trên trời. Bởi sau mỗi chuyến bay dài, tâm lý và sức khỏe những người điều khiển phi cơ đều mỏi mệt. Do đó, người ta đã thống kê, có tới 70% tai nạn hàng không xảy ra trong lúc đáp xuống sân bay.

PV: Nói cách khác, mọi chuyến bay chỉ kết thúc khi đã "hạ cánh an toàn".

Phi công: Chính xác.

PV: Nhưng "hạ cánh an toàn" từ lâu đã vượt ra khỏi ngành hàng không. Nó đã trở thành một thuật ngữ chỉ những người sau một thời gian giữ chức vụ nào đó được về hưu trôi chảy. Chắc anh biết điều này?

Phi công: À, điều ấy toàn xã hội đều biết.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Vậy thưa anh, để "hạ cánh an toàn" người ta phải làm gì?

Phi công: Nhiều lắm. Nhưng nếu ở sân bay, người ta phải phối hợp chặt chẽ với mặt đất.

PV: Nhưng nhiều ông muốn hạ cánh an toàn không hề ở trên máy bay, mà ở trên chức vụ. Họ thường phối hợp ra sao?

Phi công: Tôi không biết.

PV: Vậy mà bà con biết đấy. Vừa rồi một quan chức của ngành hàng không, trước khi về hưu, đã ký quyết định bổ nhiệm cho hàng chục người cùng một lúc.

Phi công: Sao lại kỳ lạ thế? Ông ta giải thích ra sao?

PV: Cấp trên giải thích giùm ông. Họ kết luận như thế chả có gì lạ cả. Mọi thứ đều đúng quy trình.

Phi công: Quy trình của ai?

PV: Của chính cái cơ quan ấy chứ ai.

Phi công: Vậy mà cũng dám thanh minh thì hay thật.

PV: Ừ đúng. Hay thật.

Phi công: Tôi xin hỏi trước khi về hưu, nếu có việc thì rất nhiều việc, tại sao chỉ tập trung vào giấy bổ nhiệm.

PV: Đúng vậy.

Phi công: Tôi tin chắc rằng nếu đấy là công ty tư nhân của bản thân ông, quan chức đó, nghĩa là ông phải trả lương cho những ai thăng tiến, ông sẽ không ký ào ào vậy đâu.

PV: Chắc chắn.

Phi công: Trên đất nước hôm nay có cả ngàn công ty; đủ loại từ quốc doanh đến nước ngoài. Nhưng tại sao chỉ ở công ty nhà nước mới có hiện tượng quan chức ký đồng loạt cho thuộc hạ khi sắp về hưu. Những nơi khác không hề như thế.

PV: Ờ nhỉ.

Phi công: Đây có phải lần đầu tiên đâu. Đã bao ông quan trước về hưu cư xử theo kiểu đó rồi, và tôi cũng không nhầm, ông nào cũng mang quy trình ra giải thích.

PV: Và gần như ông nào cũng thoát.

Phi công: Đúng, gần như ông nào cũng thoát. Điều ấy không thể chấp nhận được.

Tục ngữ Việt Nam có câu "của người phúc ta". Trong trường hợp này là của dân phúc ta. Đến đứa trẻ con cũng hiểu được điều ấy.

PV: Nghĩa là anh không chấp nhận cách giải thích của cơ quan hàng không về vụ lên chức đồng loạt kia.

Phi công: Chẳng những không chấp nhận, tôi còn coi đấy là hành vi lạm quyền, trái với mọi nguyên tắc điều hành khoa học mà một cơ quan như ngành hàng không phải có.

PV: Tôi cũng đồng ý thế.

Phi công: Trong các kiểu tham nhũng mà xã hội phải chịu hôm nay, ngoài tham nhũng tiền bạc, còn có tham nhũng chức vụ, tham nhũng danh hiệu, tham nhũng giải thưởng, bây giờ tới tham nhũng giai đoạn. Nghĩa là tranh thủ một khoảnh khắc ngắn trước khi về hưu để tạo sự hậu thuẫn cho mình.

PV: Đó là điều cực kỳ xấu.

Phi công: Không những xấu mà còn cực kỳ nguy hiểm. Nếu là tôi, tôi sẽ không chấp nhận chữ ký đề bạt đó. Và không bao giờ tin vào một quy trình nhằm hợp lý chúng.

Lê Thị Liên Hoan

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/32cuthang__-phong-van-mot-phi-cong-504524/