Phòng vệ thương mại: Bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp

Nhằm chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nước ngoài, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 2074/QĐ-BCT ban hành Chương trình hành động thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 'Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM'.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương - cho biết, hiện Cục PVTM đã và đang tiến hành điều tra biện pháp PVTM đối với 17 vụ việc, trong đó có 11 vụ việc chống bán phá giá (CBPG) và 6 vụ việc tự vệ. Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra 189 vụ việc PVTM, trong đó có 107 vụ việc CBPG, còn lại là các vụ việc chống trợ cấp và tự vệ. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2020, số lượng vụ việc đã lên đến 27 vụ, nhiều hơn tổng số vụ việc trong cả năm 2019.

Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp (DN) sản xuất xuất khẩu của Việt Nam, Cục PVTM luôn theo sát, hỗ trợ các DN Việt Nam bày tỏ quan điểm; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để hỗ trợ DN trong quá trình xử lý vụ việc. “Quyết định số 2074/QĐ-BCT của Bộ Công Thương có ý nghĩa rất quan trọng, gia tăng thêm các biện pháp nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả hơn đối với các vụ kiện PVTM của nước ngoài” - ông Trung nhấn mạnh.

Theo Quyết định số 2074/QĐ-BCT, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị của bộ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo lĩnh vực chức năng quản lý, với trọng tâm chỉ đạo là: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác PVTM, giúp nâng cao hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra xử lý các vụ việc PVTM trong và ngoài nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan để nắm tình hình và những điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PVTM theo hướng bảo vệ lợi ích hợp pháp của các DN Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu; tích cực theo dõi tình hình tuân thủ các quy định quốc tế, quy định trong các hiệp định thương mại của các DN hoạt động trong các lĩnh vực đã và đang có nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM…

Để thực hiện các yêu cầu của bộ, Cục PVTM sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan trong lĩnh vực PVTM để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực điều tra, cảnh báo sớm và ứng phó với các vụ việc về PVTM hàng năm; xây dựng cơ chế phối hợp, kết nối kết quả cảnh báo sớm với cơ sở dữ liệu của các đơn vị liên quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước; cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh các biện pháp PVTM để xử lý theo quy định…

Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị của bộ tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ về PVTM, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phong-ve-thuong-mai-bao-ve-hieu-qua-quyen-va-loi-ich-chinh-dang-cua-doanh-nghiep-143039.html