Phóng viên quốc tế gợi ý cách đưa tin về tôn giáo

Khi bộ phim tài liệu của Netflix có tựa đề 'In the name of God: A holy betrayal' về các giáo phái tại Hàn Quốc lên sóng, nó đã kích động một làn sóng phản ứng trên toàn thế giới, đồng thời khiến chúng ta nhận ra sự quan trọng của việc đưa tin về tôn giáo.

Đại đa số người dân trên toàn cầu đồng cảm với một nhóm tôn giáo. Tôn giáo có thể ảnh hưởng đáng kể về hành vi và tương tác của họ với người khác, dù là có ý thức hay tiềm thức. Do đó, tôn giáo là một thành phần cần thiết để các nhà báo xem xét và đưa tin.

Sau đây là những gì 3 phóng viên quốc tế chuyên viết về tôn giáo và các vấn đề tôn giáo đã nói về sự liên quan của nó đối với các nhà báo và cách đưa tin một cách tốt nhất:

 Ảnh minh họa. Nguồn: IJN

Ảnh minh họa. Nguồn: IJN

Tại sao tôn giáo quan trọng

Ông Ekpali Saint, một phóng viên tự do ở Nigeria, lưu ý rằng nhiều người dựa vào tôn giáo để hiểu thế giới.

“Giống như báo chí đóng vai trò là ánh sáng cho người dân và giúp họ đưa ra những quyết định sáng suốt, người ta cũng tìm đến tôn giáo để được hướng dẫn và tìm ý nghĩa cho một số hiện tượng", ông nói.

Sự hiểu biết về tôn giáo có thể giúp các nhà báo xác định rõ hơn cách thức và lý do mọi người trong các cộng đồng khác nhau có thể hành xử theo những cách khác nhau.

“Các nhà báo phải hiểu được tác động qua lại giữa các vấn đề xã hội và tôn giáo, cũng như cách niềm tin và thực hành tôn giáo ảnh hưởng tới một cá nhân và đến mối quan hệ của họ với những người khác", ông lưu ý.

Ở nhiều nơi trên thế giới, việc phớt lờ tôn giáo là trốn tránh trách nhiệm báo chí.

Đại đa số người dân trên toàn cầu đồng cảm với một nhóm tôn giáo. Tôn giáo có thể ảnh hưởng đáng kể về hành vi và tương tác của họ với người khác, dù là có ý thức hay tiềm thức. Do đó, tôn giáo là một thành phần cần thiết để các nhà báo xem xét và đưa tin.

Ông Kamran Chaudhry, phóng viên của UCA News tại Pakistan cho biết: “Việc đưa tin về một câu chuyện mà không có tiếng nói của các nhà lãnh đạo tôn giáo này là không khách quan, khi các giáo đường là nơi để vận động người dân một cách rất hiệu quả".

Phóng viên tôn giáo tự do Meagan Clark Saliashvili đã chỉ ra các chuẩn mực quan trọng đối với đạo Tin lành và sức ảnh hưởng đến lịch sử và xã hội Mỹ. “Tôn giáo ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ về bản thân, các giá trị và lựa chọn đạo đức của chúng ta, ảnh hưởng tới chính trị, hệ tư tưởng, và xã hội của chúng ta", bà nói.

Cách tiếp cận tôn giáo

Như bất kỳ hoạt động báo chí nào, việc đưa tin về tôn giáo trước tiên đòi hỏi các nhà báo phải thực hiện nghiên cứu chuyên sâu. Ông Chaudhry gợi ý sử dụng phương tiện truyền thông xã hội: chẳng hạn, xem xét tham gia các nhóm dựa trên đức tin trực tuyến, để đánh giá cách những người theo một đức tin cụ thể có thể phản ứng với một vấn đề.

Các podcast và video trên YouTube dựa trên đức tin cũng có thể giúp các nhà báo hiểu được các vấn đề đang diễn ra trong các cộng đồng tôn giáo. Phỏng vấn các nhà lãnh đạo tôn giáo và tìm kiếm ý kiến đóng góp từ bạn bè trong các cộng đồng tôn giáo cũng là những cách mà các phóng viên có thể tìm hiểu thêm về chủ đề này.

"Bên cạnh việc nghiên cứu và phỏng vấn, hãy dành thời gian quan sát và trải nghiệm cộng đồng tại các sự kiện thông thường, ngay cả khi không có một câu chuyện nào trong đầu", bà Saliashvili nói.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rõ mọi thành kiến trước đó của mình, đặc biệt là khi viết về các tín ngưỡng bên ngoài tín ngưỡng của mình, bà cảnh báo.

“Hãy biết những gì bạn không biết, và trau dồi nhiều nguồn đáng tin cậy trong tôn giáo đó. Cố gắng không liên hệ các tôn giáo khác với đức tin hoặc kinh nghiệm của bản thân, và chỉ hiểu tôn giáo chủ yếu theo các thuật ngữ và lịch sử của riêng nó", bà đưa ra lời khuyên.

Do những sắc thái sâu sắc của tôn giáo, ông Saint khuyến khích các nhà báo giữ một tâm hồn cởi mở và tiếp cận các nguồn tin một cách tôn trọng. “Các nhà báo phải luôn sẵn sàng học hỏi từ các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền và làm rõ thông tin khi cần thiết để tránh hiểu lầm và thậm chí xung đột giữa các nhóm”, ông chia sẻ.

Cách đưa tin về tôn giáo

Là nhà báo, công việc của chúng ta là cung cấp tin tức chính xác, khách quan, chứ không phải đưa ra kết luận dứt khoát. Điều này cũng áp dụng cho tôn giáo.

“Đôi khi, cách các nhà báo đưa tin có thể khác so với cách cách các thành viên của nhóm tôn giáo đó nhìn nhận về nó. Điều này có thể dẫn đến hiểu lầm", ông Saint giải thích. “Các nhà báo không phải là nhà thần học nên chúng ta hãy để việc giải thích các văn bản thiêng liêng, từ ngữ cụ thể, truyền thống, giáo điều, thực hành và hệ thống niềm tin của một tôn giáo cho các chuyên gia và cơ quan tôn giáo".

Đưa tin về xung đột tôn giáo

Sự hiểu biết khách quan về tôn giáo đặc biệt quan trọng khi đề cập đến các xung đột tôn giáo (như các xung đột ở Jerusalem gần đây). Điều quan trọng là cung cấp bối cảnh và quan điểm lịch sử giúp giải thích bản chất của cuộc xung đột, đồng thời tránh khái quát hóa.

Đối với ông Chaudhry, sự kiện 11/9 nhấn mạnh sự cần thiết của tính nhạy cảm của tôn giáo trong báo chí. “Chủ nghĩa khủng bố đã được những người không quan tâm nhiều đến niềm tin tôn giáo ấn định cho một tôn giáo cụ thể", ông nói, đặc biệt đề cập đến vấn đề đạo Hồi ở phương Tây.

Bà Saliashvili nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm những quan điểm khác nhau để cung cấp thông tin về các xung đột tôn giáo. “Hãy hiểu rằng những người trong cuộc sẽ rất bức bối khi đọc được một thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông về họ, khiến cộng đồng cảm thấy bất lực và không có tiếng nói để chia sẻ", bà lưu ý.

Hoàng Tôn (theo IJnet)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phong-vien-quoc-te-goi-y-cach-dua-tin-ve-ton-giao-post242963.html