Độc đáo nghề chằm áo tơi ở Hà Tĩnh

Trải bao thăng trầm, nghề chằm áo tơi ở thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vẫn tồn tại và giữ được nét riêng độc đáo. Cũng tấm áo ấy đã góp phần gợi nhắc hồn quê dân dã, neo giữ niềm yêu quê hương.

Nghề chằm tơi ở Yên Lạc bắt đầu từ khoảng tháng 3 đến hết tháng 6 âm lịch. Ấy cũng là lúc nhà nông bước vào thời điểm bận rộn nhất. Để có nguyên liệu gồm lá tơi và dây mây, người dân trong làng phải lên tận rú (núi) Khe Giao hoặc vào tận vùng miền núi Hương Khê, Vũ Quang để “đi lá”.

Bà Đặng Thị Hiền, người có gần 35 năm làm nghề chia sẻ: “Đầu tiên, lá được tuyển chọn từ những chiếc lá tơi lành nhất, vừa đủ độ, không quá già mà cũng không quá non. Sau đó sấy khô rồi phơi sương cho lá nở và dai hơn rồi xếp lại từng bó nhỏ".

Bà Đặng Thị Hiền, người có gần 35 năm làm nghề chia sẻ: “Đầu tiên, lá được tuyển chọn từ những chiếc lá tơi lành nhất, vừa đủ độ, không quá già mà cũng không quá non. Sau đó sấy khô rồi phơi sương cho lá nở và dai hơn rồi xếp lại từng bó nhỏ".

Lá tơi dùng để chằm sau khi phơi khô. Để chằm được một chiếc áo tơi, người dân bắt đầu vuốt dây mây, tách thành sợi nhỏ để sợi mây được dẻo khi may vào tơi sẽ mềm và ít bị đứt hơn.

Vuốt sợi mây cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo...

Tiếp đó, người làm tơi sẽ se 2 sợi dây mỏng lại với nhau để làm chiềng tơi nhằm tăng độ chắc chắn cho chiếc tơi.

Người thợ xếp lá cọ lên một chiếc khuôn gỗ với diện tích 1m2, dùng 4 chiếc thước kẻ dài 1m để nẹp cho ngay ngắn. Chiềng tơi (sợi dây màu vàng bên tay phải) và dây thừng được nẹp vào để cố định chiếc áo tơi.

Bàn tay khéo léo xếp lá tơi lên khuôn gỗ đã chuẩn bị sẵn.

Bà Nguyễn Thị Chiến năm nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn làm rất thạo việc vót dây mây. Đối với bà, nghề chằm tơi đã ăn sâu vào máu, gìn giữ nghề cũng chính là giữ lại nét hồn quê mộc mạc, chân chất...

Hết lớp lá tơi này được chồng lên lớp lá khác rồi được may cố định bằng dây mây vuốt mỏng đến khi đạt được độ dài quy định của chiếc tơi.

Cuối cùng, một chiếc tơi hoàn chỉnh sau khi uốn cho “khum” lại, phần đỉnh tơi dược may chắc chắn bằng dây mây rồi buộc thêm dây thừng cố định với độ rộng đủ để choàng qua đầu. Tơi chằm xong, sẽ đem phơi thêm "vài nắng" rồi cuốn lại như sâu kèn.

Người làng Yên Lạc luôn tìm thấy niềm vui mỗi khi vào mùa chằm tơi.

Mỗi ngày, một người thợ có thể làm được từ 4 - 7 áo tơi, giá bán dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc.

Bao nhiêu năm qua, trên những nẻo đồng quê Hà Tĩnh, áo tơi chở che cho những bà, những mẹ hay các chị tảo tần đang vun trồng cho những mùa màng tươi tốt. Vẻ đẹp bình dị và thân thương ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người con xa quê, để mỗi khi trở về, lòng lại thấy yên bình đến lạ: “Áo tơi mẹ mặc một thời/Che mưa, che nắng, che trời bão dông/Hai sương một nắng trên đồng/Cái nắng tháng sáu mưa dông ngày hè”. Ảnh: Phúc Quang

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/khoi-nghiep/photo-doc-dao-nghe-cham-ao-toi-o-ha-tinh/152853.htm