Phù Cát phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Thời gian qua, hoạt động SXNN ở huyện Phù Cát (Bình Định) chuyển dịch đúng hướng, gắn với quá trình xây dựng NTM.

Từ đó đã nâng cao chỉ số tăng trưởng của nông nghiệp cũng như đẩy nhanh tiến độ đưa các xã đạt chuẩn NTM theo mục tiêu đề ra.

Sau khi hệ thống kênh mương Văn Phong, Thuận Ninh đưa vào sử dụng, diện tích các loại cây trồng trên địa bàn huyện được mở rộng, trong đó diện tích trồng cây lương thực đạt 16.235ha.

Phù Cát đầu tư nâng cấp giao thông thủy lợi, góp phần phát triển KT-XH

Cùng với đó, hàng năm nhờ triển khai tốt đề án cải tạo bộ giống lúa thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, đã thực hiện các vùng sản xuất giống cấp 1 và sử dụng giống lúa lai bình quân hằng năm trên 500ha nên chất lượng được nâng lên. Sản lượng lương thực bình quân đạt hơn 103.333 tấn/năm; thu nhập đầu người 39,2 triệu đồng/người, tăng 7,7 triệu đồng so năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,69%.

Huyện đã chuyển đổi gần 2.180ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô lai, dưa hấu, đậu phụng, bắp lai... thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích, đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua gần 3 năm (2016 – 2018) đã triển khai thực hiện 104 mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trên diện tích 5.200ha, sản xuất lúa, đậu phụng, mỳ xen đậu và công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa, 1 màu có nhiều tiến bộ.

Giá trị bình quân 1ha canh tác đạt 112 triệu đồng; nhiều cánh đồng đạt trên 200 triệu đồng/ha. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, 100% số thôn có điện lưới, 100% số hộ sử dụng điện, gần 98% số hộ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh.

Phù Cát chuyển đổi cây trồng có hiệu quả

Chăn nuôi trên địa bàn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, trang trại, gia trại gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn dịch bệnh. Tổng đàn trâu, bò hiện có 120.800 con; gia cầm 1,4 triệu con. Chất lượng gia súc, gia cầm được nâng lên, tỷ lệ bò lai chiếm 95% tổng đàn. Công tác phòng chống dịch bệnh thường xuyên được quan tâm, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra...

Kinh tế phát triển khá ổn định, nhân dân tích cực đóng góp công sức thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hơn 301 tỷ đồng (tính chung từ 2011 - 2018 trên 1.014 tỷ đồng) xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội; trong đó chủ yếu là bê tông giao thông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương; sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, lưới điện, các cơ sở y tế, thiết chế văn hóa, trường, lớp học, chợ nông thôn...

Ngoài ra, các xã đã đầu tư ngân sách hơn 171 tỷ đồng, cùng với nhân dân đóng góp tiền, hiến đất, cây cối, hoa màu trị giá 38,2 tỷ đồng; để xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng đường giao thông nông thôn…

Ông Nguyễn Văn Lê- Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho biết: “Huyện tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; rà soát, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa và nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có và xây mới các công trình khác, đảm bảo phục vụ nước tưới cho sản xuất và đời sống dân sinh. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về chương trình NTM; lồng ghép các nguồn lực xã hội và các chương trình dự án đẻ thực hiện đạt các tiêu chí như kế hoạch đề ra...".

Phù Cát đưa cơ giới hóa vào phục vụ SXNN

Đến nay, có 6 xã: Cát Trinh, Cát Tài, Cát Hiệp, Cát Hanh, Cát Tân và Cát Lâm được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới huyện đang tập trung chỉ đạo thêm 2 xã Cát Tường và Cát Hưng về đích NTM trong năm 2018.

THẾ HÀ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phu-cat-phat-trien-nong-nghiep-gan-voi-xay-dung-ntm-post225572.html