Phủ đệ triều Nguyễn là sản phẩm du lịch tiềm năng của Huế

Ngày nay, phủ đệ xứ Huế chỉ còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam, được xem là di sản văn hóa sống động và đã thực sự trở thành nét đặc trưng riêng có trong quỹ kiến trúc đô thị di sản Huế.

Phủ Tùng Thiện Vương trên đường Phan Đình Phùng, TP. Huế.

Đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước và lập ra triều Nguyễn, vua Gia Long đã chọn Huế để xây dựng Kinh đô. Đây là cơ hội để hình thành và phát triển hàng loạt phủ đệ, góp phần tạo nên một tổng thể các công trình đa dạng với thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, phủ đệ… và mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử. Từng có hàng trăm phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa tọa lạc ở vùng Gia Hội - chợ Dinh, Vỹ Dạ, Kim Long, Phủ Cam,…

Tuy nhiên, theo TS. Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế, dưới sự tác động của đô thị hóa, thời tiết cũng như các mặt hạn chế trong việc thực thi công tác bảo vệ, quản lý, đã khiến nhiều phủ đệ đã và đang bị biến đổi, không còn giữ dáng vẻ kiến trúc nhà rường truyền thống.

Nhiều phủ đệ hiện không còn gìn giữ nhiều tư liệu, hiện vật và thậm chí nhiều tài liệu quý đã rời Việt Nam, lưu tán khắp nơi trên thế giới trong mỗi giai đoạn lịch sử. Những vị cao niên am hiểu về các câu chuyện, thông tin về phủ đệ hiện cũng không còn nhiều.

Có phủ đệ không còn giữ dáng vẻ kín cổng cao tường như xưa, thay vào đó là khuôn viên phủ đệ nhỏ hẹp do bị chia năm xẻ bảy để xây dựng nhà cửa phục vụ nhu cầu sinh hoạt và buôn bán của người dân. Hạng mục kiến trúc còn sót lại gồm nhà chính và cổng ngõ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Chỉ còn lại cổng phủ đứng bơ vơ giữa phố thị đông đúc, mang lại cho du khách một cảm giác tiếc nuối về ánh hào quang quá vãng, nơi lưu giữ ký ức đô thị di sản Huế.

TS. Trần Văn Dũng cho rằng, phủ đệ triều Nguyễn xứng đáng là một sản phẩm du lịch tiềm năng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm.

Ở đó, du khách có thể cảm nhận và trải nghiệm thú vị thông qua những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và cuộc sống đời thường của con cháu hậu duệ các ông hoàng, bà chúa đang sống bên trong phủ đệ.

Để làm được việc này, cần có sự kết hợp có hiệu quả giữa bảo tồn và phát huy giá trị với phát triển mô hình du lịch di sản phủ đệ xứ Huế. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương, giới thiệu và quảng bá hình ảnh văn hóa du lịch Huế.

Kỳ Phong

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-hay/phu-de-trieu-nguyen-la-san-pham-du-lich-tiem-nang-cua-hue-c17a62338.html