Phụ huynh chạnh lòng vì con em 'đơn độc' ở cuộc thi đường đua xanh 2018

Một số phụ huynh cho rằng, con em họ không được ngành giáo dục quan tâm, hỏi han khi tham dự cuộc thi tầm cỡ quốc gia như 'Đường đua xanh 2018'.

“Đơn độc” đi thi

“Đường đua xanh” là cuộc thi bơi do Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức từ ngày 30/7 đến 5/8 tại Câu lạc bộ Bơi lặn Đà Nẵng.

Nhiều phụ huynh chạnh lòng khi con em họ đi thi mà không nhận được sự quan tâm, hỏi thăm của ngành giáo dục Đà Nẵng. Ảnh: AN

Nhiều phụ huynh chạnh lòng khi con em họ đi thi mà không nhận được sự quan tâm, hỏi thăm của ngành giáo dục Đà Nẵng. Ảnh: AN

Cuộc thi thu hút hơn 400 vận động viên đến từ 19 đoàn của 18 tỉnh, thành phố trong cả nước về tham dự.

Các em tham gia giải lần này đến từ các bậc học: Tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh đang học tập và sinh hoạt tại cung thiếu nhi, các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, các câu lạc bộ thể thao phong trào.

Đại diện ban tổ chức cho hay, giải bơi là hoạt động diễn ra thường niên nhằm góp phần thúc đẩy phong trào dạy bơi và học bơi, hình thành sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh, thanh thiếu niên và nhi đồng.

Đồng thời, qua đó tuyên truyền về phòng chống đuối nước, phổ biến các hoạt động dạy bơi, học bơi, góp phần giảm tỷ lệ đuối nước ở trẻ em.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số phụ huynh đoàn Đà Nẵng có con em tham gia cuộc thi “Đường đua xanh 2018” thì họ không hề nhận được sự giúp đỡ gì từ ngành giáo dục.

Họ phải chủ động chuẩn bị mọi thứ cho con đi thi khiến nhiều người không khỏi “chạnh lòng”.

Chị ĐBT. (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có con tham dự cuộc thi lần này cho hay, mặc dù là chủ nhà đăng cai tổ chức “Đường đua xanh 2018” nhưng không có một ai đại diện cho ngành giáo dục Đà Nẵng đến thăm hỏi, động viên thí sinh.

“Chúng tôi phải tự bỏ kinh phí, áo quần, đồng phục, đi lại, ăn ở… cho con đi thi. Mọi thứ phải tự túc từ khâu giấy tờ cho đến đăng ký với ban tổ chức.

Ngành giáo dục không tổ chức bất kỳ một cuộc họp nào để phổ biến quy chế cho phụ huynh và cũng không có một lời động viên các cháu”, chị T. cho biết.

Còn chị TTĐ. thì phản ứng bức xúc vì nghe thông tin là Sở giáo dục có cử ba cán bộ, nhân viên của Sở làm Trưởng đoàn và Phó đoàn.

Theo quyết định số 925/QĐ-SGDĐT về việc thành lập Đoàn Thể thao học sinh tham gia Giải Bơi học sinh, thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2018 của sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng thì:

Trưởng đoàn là ông Châu Phi (chức vụ: Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học), ông Võ Thái Dương (chuyên viên) và ông Hồ Anh Dũng (chuyên viên) làm Phó đoàn.

Tuy nhiên, cho đến nay, khi cuộc thi kết thúc mà phụ huynh và thí sinh vẫn chưa một lần gặp mặt những người này.

“Họ thờ ơ, bỏ mặc cho phụ huynh và thí sinh lo liệu mọi thứ, đến giờ là lên thi. Nhưng khi các cháu đạt được thành tích thì họ báo cáo lấy thành tích” chị Đ. nói.

Chỉ mong ngành giáo dục quan tâm

Theo quyết định thành lập đoàn của Sở giáo dục thì học sinh, giáo viên, huấn luyện viên tự túc kinh phí khi tham gia giải.

“Dù là xã hội hóa thì ngành giáo dục cũng nên họp đoàn để phổ biến cho phụ huynh, thí sinh những thông tin cần thiết, chuẩn bị cho cuộc thi.

Chúng tôi còn phải tính toán, chuẩn bị cho các cháu thi cho tốt. Nhưng ở đây thì Trưởng đoàn, Phó đoàn gần như bỏ rơi chúng tôi”, chị Đ. ngao ngán.

Cũng như chị Đ., nhiều phụ huynh khác có con đi thi chỉ muốn con em mình được rèn luyện sức khỏe và có một sân chơi bổ ích.

Họ sẵn sàng đầu tư kinh phí để các cháu luyện bơi, để được các huấn luyện viên tập dượt.

Điều mà nhiều phụ huynh mong mỏi là sự quan tâm của ngành giáo dục Đà Nẵng, bởi theo họ thì nhìn ra các tỉnh bạn được tổ chức rất bài bản và quy cũ.

An Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/ban-doc/phu-huynh-chanh-long-vi-con-em-don-doc-o-cuoc-thi-duong-dua-xanh-2018-post188620.gd