Phụ huynh hành hung bạn học của con

Trên thế giới, nhiều trường hợp phụ huynh không kiềm chế được cơn nóng giận, đánh đứa trẻ bắt nạt con mình ở trường dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Sự việc người đàn ông giật tóc, đánh nhiều lần vào bé gái 2 tuổi tại lớp học mầm non ở phường Cốc Lếu (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đang khiến dư luận bức xúc. Người này ra tay với nạn nhân vì thấy con gái bị cắn vào tay.

Hồi tháng 7, cũng xuất phát từ lý do bênh vực con trai 6 tuổi, một phụ huynh ở Hòa Bình đã đánh bạn học của cậu bé đến mức phải nhập viện.

“Không thể chấp nhận”, “Phải xử lý thật nghiêm” là ý kiến được nhiều người đưa ra về cách hành xử của người lớn trong các trường hợp trên.

 Người đàn ông đánh bé gái 2 tuổi ngay tại lớp học. Ảnh cắt từ clip.

Người đàn ông đánh bé gái 2 tuổi ngay tại lớp học. Ảnh cắt từ clip.

TS Emily Edlynn, nhà tâm lý học người Mỹ, cho biết các bậc cha mẹ khi chứng kiến con mình bị thương, bất kể trong hoàn cảnh nào, sẽ lập tức kích hoạt bản năng bảo vệ trong họ.

Edlynn không ngạc nhiên khi phản ứng được phụ huynh thể hiện ra trong những trường hợp đó thường là nổi nóng, tức giận.

Tuy nhiên, theo nhà tâm lý này, không phải sử dụng bạo lực để trị bạo lực, mà khi ấy, phản ứng bình tĩnh của người lớn mới có thể khiến trẻ không sợ hãi và tổn thương.

Những sự việc đau lòng

Tháng 4/2019, Tan Chin Tai (người Singapore) lĩnh án 7 tuần tù giam vì hành vi xô ngã một cậu bé 10 tuổi, khiến em gãy xương sườn. Theo luật sư bào chữa cho Tan, cậu bé này đã bắt nạt con trai thân chủ của ông trong hơn 2 năm.

Ngày 7/7/2017, khi tới trường đón con trai, Tan trông thấy nam sinh thường chửi rủa, xúc phạm con mình đi về phía cổng. Người cha tiến lại gần, nắm lấy cặp sách của cậu bé, rồi túm ngực, đẩy em vào một bãi rác gần đó.

Phụ huynh cậu bé này sau đó kiện Tan tấn công con trai họ dẫn đến gãy xương sườn. Tại tòa, Tan nhận tội cố ý gây thương tích cho nạn nhân, khi đó đang học lớp 4 tại một ngôi trường (không được nêu tên để bảo vệ danh tính nạn nhân), theo Channel News Asia.

Luật sư bào chữa cho Tan nói rằng sau vụ việc, con trai thân chủ của ông bị bắt nạt nhiều hơn. Ở trường, đám trẻ nói rằng nếu chơi với con của Tan có thể khiến chúng bị đánh gãy xương.

Trước đó, Tan từng phàn nàn với một giáo viên về việc con trai mình bị bắt nạt. Tuy nhiên, người này không có hành động nào để ngăn chặn mọi chuyện.

“Việc bắt nạt tồi tệ đến mức vợ chồng anh ấy từng cân nhắc đến việc chuyển trường cho con”, luật sư cho biết.

Nhiều vụ việc bắt nạt học đường là nguồn cơn dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Ảnh: Parents.

Tuy nhiên, ông Tan Wei Ming, phó công tố viên phụ trách vụ án, nhấn mạnh mọi người không thể dùng bạo lực để nói chuyện công lý.

“Đây là trường hợp một người trưởng thành bạo hành nạn nhân dễ bị tổn thương. Điều đúng đắn nhất mà ông bố này nên làm là nói chuyện với cha mẹ của cậu bé hoặc với giám thị, hiệu trưởng. Hành động tấn công trẻ là hoàn toàn sai”, ông Tan Wei Ming nói.

Tương tự Tan, người đàn ông họ Vương (ở Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) cũng hành xử bạo lực với bạn học của con xuất phát từ vấn nạn bắt nạt học đường.

Sáng 10/5/2019, Vương xông vào lớp học của con, cầm dao đâm liên tiếp vào người bé trai Lưu Soái. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, Lưu tử vong tại bệnh viện do bị đâm hơn 13 nhát. Cái chết thương tâm của bé trai 10 tuổi khiến dư luận Trung Quốc bàng hoàng.

Trường tiểu học - nơi xảy ra sự việc thương tâm. Ảnh: Ifeng.

Vương cho biết bản thân từng nhiều lần nói chuyện với Lưu Soái, cảnh cáo cậu bé không được tiếp tục bắt nạt con gái ông nữa nhưng không hiệu quả.

Sau khi đâm chết nam sinh 10 tuổi, người đàn ông thừa nhận hành vi và bị cảnh sát bắt giữ. Hiệu trưởng của trường cũng bị đình chỉ công tác để tiến hành điều tra.

Theo HK01, tính đến ngày 29/11/2019, Tòa án nhân dân trung cấp của thành phố Thượng Nhiêu tuyên phạt Vương mức án tử hình cho tội cố ý giết người, đồng thời tước đoạt vĩnh viễn quyền chính trị của người này. Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Vương không kháng cáo.

Đừng dùng bạo lực để bảo vệ con

Ở Hàn Quốc, nhiều bậc cha mẹ có cách khác để bảo vệ trẻ khỏi kẻ bắt nạt học đường: thuê những người đàn ông cơ bắp, xăm trổ đóng giả làm “ông chú” đưa con tới trường, Telegraph đưa tin.

Theo báo cáo của truyền thông nước này vào năm 2019, nhiều công ty cung cấp các gói thuê “ông chú” khác nhau, có giá 450-1.790 USD/ngày.

Đối với “uncle package” (tạm dịch: Gói ông chú đơn giản), “ông chú” ở độ tuổi 30-40 sẽ đưa trẻ đi học và đón về nhà, đồng thời nghiêm khắc cảnh cáo những kẻ bắt nạt.

“Evidence package” (tạm dịch: Gói thu thập bằng chứng) cung cấp nhiều dịch vụ hơn, trong đó “ông chú” sẽ quay phim lại hành động của những kẻ bắt nạt và báo cáo nhà trường. Theo thỏa thuận, người này sẽ dọa công khai video nếu trường không có biện pháp xử lý.

Trong khi đó, “chaperone package” (tạm dịch: Gói người bảo kê) đưa ra giải pháp nâng cao hơn là “ông chú” tới gặp trực tiếp cha mẹ của những kẻ bắt nạt và công khai bêu xấu họ ở nơi làm việc.

Dịch vụ trên tồn tại trong vùng xám hợp pháp và có liên quan đến văn hóa băng đảng ngầm ở xứ sở kim chi. Theo các nhà nghiên cứu, xu hướng này gia tăng xuất phát từ mối lo ngại về nạn bắt nạt học đường ngày càng khó kiểm soát ở Hàn Quốc.

Theo một cuộc khảo sát năm 2013 của Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, gần 1/10 học sinh tại các trường tiểu học và trung học ở nước này đã phải chịu các hình thức bạo lực khác nhau dưới bàn tay của bạn bè.

“Tôi sẽ không cân nhắc sử dụng dịch vụ ‘ông chú’ vì tôi theo đạo và có tiêu chuẩn đạo đức rất cao. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn hiểu tại sao các bậc cha mẹ khác lại sử dụng dịch vụ này. Họ cảm thấy bị dồn vào chân tường và quá tuyệt vọng”, Park Ji-woo, mẹ của một nam sinh 15 tuổi là nạn nhân của bắt nạt học đường, nói.

Nhiều cha mẹ Hàn Quốc thuê "ông chú" để bảo vệ con khỏi những kẻ bắt nạt học đường. Ảnh minh họa: Naver.

Theo TS Emily Edlynn, khi phát hiện con cái bị bạn học bắt nạt ở trường, phụ huynh cần tránh hành xử bạo lực như một cách để trút giận, trả đũa và nghĩ điều đó có thể bảo vệ con.

Bà cho rằng đầu tiên, cha mẹ nên hỏi xem con mình có ổn không. Tiếp đó, họ nên bình tĩnh nói chuyện với đứa trẻ bắt nạt rằng nó đã làm tổn thương người khác.

Dù trong lòng rất tức giận trước hành vi bắt nạt học đường, phụ huynh cần cố gắng kiềm chế để không mất kiểm soát. Họ có thể hít thở sâu để bớt nóng giận và đưa ra phản ứng hiệu quả hơn. Cách hành xử bình tĩnh của người lớn khiến những đứa trẻ không hoảng sợ, yên tâm rằng mọi thứ đều trong tầm kiểm soát.

Edlynn nhận định mỗi đứa trẻ đều đáng được hưởng cảm giác an toàn ở trường học. Bởi vậy, những hành vi hung hăng lặp đi lặp lại mà không được người lớn giải quyết một cách hợp lý sẽ cản trở cảm giác an toàn này.

Bên cạnh những cách giải quyết trên, phụ huynh nên gặp giáo viên bên ngoài lớp học và bày tỏ mối bận tâm, đồng thời tìm hiểu cách thức nhà trường có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan tới hành vi của trẻ. Cha mẹ cũng cần đặt ra các giới hạn với gia đình của đứa trẻ bắt nạt, bao gồm những kỳ vọng rõ ràng rằng hành vi hung hăng không được phép tái diễn trong giờ học.

"Tất cả chúng ta đều luôn ở trong tâm thế sẵn sàng bảo vệ con cái cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Việc cha mẹ xử lý tình huống tốt khi con bị bắt nạt càng giúp chúng được bảo vệ an toàn hơn", Edlynn nhận định.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-huynh-hanh-hung-ban-hoc-cua-con-post1137495.html