Phụ huynh phản ứng học phí năm đầu vận hành, trường Quốc tế Phần Lan nói gì?

Các phụ huynh cho rằng, ngay năm đầu vận hành, đặc biệt trong thời gian diễn ra đại dịch, trường bộc lộ nhiều sai sót, trong đó có việc điều chỉnh học phí.

Ngày 11/5, bà Trần Ngọc Hoàng Phương - phụ huynh có con học trường Quốc tế Việt Nam Phần Lan (VFIS, thuộc Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM) cho biết, một nhóm phụ huynh vừa có thư kiến nghị gửi đến Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam.

Theo các phụ huynh, ngay từ năm đầu tiên trường Quốc tế Việt Nam Phần Lan được thành lập và hoạt động đã lộ ra nhiều thiếu sót về nhân sự, quản lý, chất lượng dạy và học… Đặc biệt, kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra, việc quản lý điều hành của trường càng cho thấy nhiều điểm làm phụ huynh hoang mang.

Cụ thể, trường không thực hiện các cam kết ban đầu với phụ huynh. Các nội dung bơi lội, chơi nhạc cụ,… đều không được đưa vào chương trình học hàng tuần tại trường như cam kết ban đầu.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, trường liên tục khẳng định không thể điều chỉnh giảm học phí cho phụ huynh và cũng không đưa ra giải pháp thỏa đáng về phương án học bù kiến thức.

Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) thuộc Đại học Tôn Đức Thắng.

Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) thuộc Đại học Tôn Đức Thắng.

"Trường thiết kế nội dung chương trình học trên lớp với thời lượng tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè là 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần. Khi học online, trường rút ngắn thời lượng học tập chỉ còn 1,5 - 3 giờ/tuần, chưa đến 1/10 thời gian học trên lớp. Trong suốt thời gian học online, trường chưa kiểm tra đánh giá chất lượng học tập của học sinh.

Với thời lượng như vậy, phụ huynh lo lắng con mình không được truyền đạt đầy đủ kiến thức, nhất là trẻ lớp 1,2 và 3", bà Phương nói.

Phụ huynh đề nghị nhà trường xem xét vấn đề dạy bù cho học sinh. Sau đó, trường thông báo sẽ kéo dài năm học thêm 2 tuần so với lịch ban đầu để bù đắp kiến thức thiếu hụt trong quá trình học online. Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng 2 tuần là quá ít để bù đắp lượng kiến thức cho cả 3 tháng nghỉ dịch và tiếp tục gửi kiến nghị đến trường. Nhóm phụ huynh đề nghị thời gian dạy bù ít nhất phải bằng 2/3 thời gian học sinh nghỉ.

Phụ huynh cho rằng, nếu trường không tổ chức dạy bù một cách thỏa đáng, thì phải xác định mức học phí dạy online, trừ vào khoảng học phí nộp từ đầu năm, còn lại phải hoàn trả cho phụ huynh. Nhưng trường chỉ đồng ý trả lại tiền ăn và xe đưa rước, không hoàn trả học phí.

"Theo chỉ thị của Sở GD&ĐT TP.HCM, các trường tư phải thỏa thuận học phí học online với phụ huynh học sinh. Trên cơ sở chỉ thị đó, chúng tôi nhiều lần đề nghị trường tổ chức họp công khai với toàn thể phụ huynh để thỏa thuận về mức học phí online nhưng trường kiên quyết từ chối và đề nghị gặp riêng từng phụ huynh để thỏa thuận", bà Phương nói.

Liên quan đến phản ứng của phụ huynh, bà Seija Nyholm – Hiệu trưởng của trường Quốc tế Phần Lan chia sẻ, học online chỉ là giải pháp tạm thời, để không làm gián đoạn việc học của học sinh, chứ chưa bao giờ khẳng định học online hiệu quả hơn học trực tiếp. Học sinh chắc chắn sẽ được bù đắp, với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là duy trì học tập cho các em.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng, trường cam kết không tăng học phí trong năm học sau, và sẽ giảm 10% học phí cho phụ huynh nào thanh toán sớm học phí trong năm học tới.

Lãnh đạo trường cũng giải thích thêm, phụ huynh yêu cầu bù 2/3 thời gian nghỉ chống dịch là không thể, do năm học phải kết thúc trước ngày 15/7. Trường bắt đầu khai giảng năm học mới vào tháng 8, nên khi bù thêm 2 tuần, năm học kết thúc vào ngày 26/6. Giáo viên của trường chỉ có một tháng để bồi dưỡng chuyên môn đúng theo quy định.

Bà Huyền cũng cho biết, trường Quốc tế Việt Nam Phần Lan có buổi làm việc với phụ huynh. Hiện trường đang họp với lãnh đạo trường và giáo viên... để có phương án phù hợp nhất. Dự kiến đến ngày 15/5 sẽ có câu trả lời cuối cùng cho phụ huynh.

Video: Phụ huynh kêu trời vì trường quốc tế bắt đóng học phí

Nhật Linh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tin-tuc-su-kien/phu-huynh-phan-ung-hoc-phi-nam-dau-van-hanh-truong-quoc-te-phan-lan-noi-gi-ar545121.html