Phú Lương - Thái Nguyên: Đẩy mạnh thương hiệu chè an toàn

Huyện Phú Lương- Thái Nguyên nổi tiếng với các vùng chè như Tức Tranh, Vô Tranh, Khe Cốc, Phú Đô. Cây chè nơi đây được trồng đầu tiên của cả nước khi được chọn triển khai mô hình hữu cơ. Điểm đặc biệt, nét duyên quê ở xứ này, những đôi bàn tay từ chính những người đàn ông say mê lao động đang mang thương hiệu của xứ sở mình đến khắp các vùng miền.

Thương hiệu chè Khe Cốc đậm đà

Với hơn 4.300ha chè, huyện Phú Lương được coi là vựa chè trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời cũng là huyện có 35 làng nghề sản xuất chè, nhiều nhất tỉnh. Mặc dù số diện tích đứng thứ 2 của tỉnh nhưng sản lượng, chất lượng chè của Phú Lương hiện có chỗ đứng tốt trên thị trường.

Làng nghề chè Cụm Khe Cốc – xóm Tân Thái (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) được công nhận từ năm 2011. Trong suốt những năm qua, nhờ sự linh hoạt, bà con nơi đây ngày một thay da đổi thịt nhờ cây chè.

Ông Tô Văn Khiêm, trưởng xóm, Chủ tịch HĐ Quản trị HTX Chè an toàn Khe Cốc giới thiệu mẫu sản phẩm chè

Xóm Tân Thái nằm phía Tây của xã Tức Tranh, có khoảng 65 ha, với 78 hộ dân, 277 nhân khẩu. Diện tích chè kinh doanh của xóm hiện có trên 53,8ha. Trong những năm qua, người dân địa phương đã chuyển đổi được10,8ha chè cành giống mới, 43ha chè trung du phát triển trên đồi có độ dốc từ 300 trở lên đã được cải tạo nhờ phân bón, nước tưới và chăm sóc. Sản lượng chè búp tươi của xóm bình quân đạt 12 tấn/ha/năm.

Cây chè đóng vai trò chủ đạo phát triển kinh tế của xóm, chia sẻ với chúng tôi, ông Tô Văn Khiêm, trưởng xóm, Chủ tịch HĐ Quản trị HTX Chè an toàn Khe Cốc chia sẻ, người dân quê tôi, yêu cây chè như máu thịt, đàn bà, trẻ nhỏ hay đàn ông đều gắn bó với cây chè. Xung quanh những ngôi nhà chúng tôi ở, xung quanh đều là chè.

Đến với cụm sản xuất chè Khe Cốc hôm nay, là một màu xanh tươi thắm, sạch sẽ, ngát thơm. Bởi chúng tôi tuân thủ kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn, áp dụng khao học kỹ thuật như chuyển đổi giống chè, lắp đặt hệ thống tưới tiêu bằng van xoay và đầu tư hệ thống sao chè bán tự động chạy bằng động cơ điện.

Xóm Tân Thái hiện có 40 hộ có hệ thống tưới chè bằng van xoay, 57 hộ có tôn sao inox 304 tiêu chuẩn Nhật, có 1 hệ thống tôn sao chè bằng gas, 1 hệ thống sản xuất bột trà Matcha bằng cối đá theo công nghệ Nhật Bản; đã xây dựng được 3 khu vực có camera giám sát nương chè cảm biến, theo dõi nhiệt độ ánh sáng.

Năm 2018, HTX sản xuất chè an toàn Khe Cốc - Tức Tranh đã chính thức đi vào hoạt động, điều này có ý nghĩa rất lớn với người dân nơi đây mong muốn xây dựng một thương hiệu chè sạch, ngon cho người tiêu dung trong nước và quốc tế.

Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ tại Khe Cốc- Tức Tranh- Phú Lương

HTX có nhiều loại sản phẩm giữ vững ổn định giá thị trường như Chè Đinh Tâm giá 3- 5 triệu đồng/ kg; Chè Đinh Ôm giá từ 1,2- 2 triệu đồng/ kg; Tôm nõn 450- 800.000 đồng/kg; Móc Câu 250- 600.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, HTX hiện cũng đã áp dụng sản xuất thêm dòng sản phẩm như kẹo trà xanh, bột matcha vừa là thực phẩm pha uống và làm đẹp hiện đang được thị trường rất ưa chuộng có giá từ 600.000/kg. Xuất phát từ sự linh hoạt của người dân nơi đây cũng như ông chủ nhiệm HTX mà thu nhập người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân theo đầu người đạt 65 triệu/ người/ năm.

Ông Tô Văn Khiêm cũng cho biết, HTX trong thời gian tới tích cực tập trung sản xuất,khẳng định thương hiệu chè Khe Cốc, sạch- an toàn và chất lượng nhất.

Hiện nay các xã viên HTX đang sản xuất chè theo hướng hữu cơ; các hộ đều xây bể hoặc đào hố trải bạt để ủ phân chuồng, ủ các phế phụ phẩm nông nghiệp và sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho chè; tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, giảm dần thuốc BVTV độc hại trong sản xuất; phấn đấu đến năm 2020 đạt 15ha chè hữu cơ, diện tích chè còn lại của xóm Tân Thái sản xuất chè theo hướng hữu cơ.

Với tên làng nghề chè cụm Khe Cốc, và vị nồng, đượm có sẵn được trồng trên mảnh đất đồi màu mỡ cùng nguồn nước từ dòng suối chảy về thuận lợi cho việc phát triển, nâng cao chất lượng chè. Thương hiệu chè Khe Cốc trong tương lai gần sẽ trở thành một thức uống nổi tiếng đậm đặc vị nồng, đượm ở đất chè Thái Nguyên .

Mô hình trồng chè an toàn trong nhà kính cho hiệu quả cao

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp anh Đinh Quốc Văn, xóm Trung Thành 1- xã Vô Tranh - Phú Lương đó là sự chất phác, giản dị, chân chất, làn da rám nắng.

Sinh ra và lớn lên nơi làng quê quanh năm gắn bó với cây chè, nhìn thấy cha mẹ, hàng xóm lăn lộn trên những đồi chè mà chưa bao giờ thấy được kinh tế cao mang lại. Để thay đổi tư duy phát triển cây chè, anh Văn đã tìm tòi được phương pháp độc, lạ gắn với quy trình sản xuất chè VietGap trong nhà kính.

Mô hình sản xuất chè trong nhà kính theo hướng an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Những ngày đầu để thay đổi được tư duy phát triển cây chè của gia đình và những người hàng xóm quả không đơn giản, vì sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gáp đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt về cách trồng, chăm sóc và chế biến.

Anh Văn kể, việc bón phân phải cân đối để hạn chế dư lượng thuốc BVTV, khi thu hái không được để lâu chè sẽ bị ban, bị ôi; khi sao sấy không được để lẫn nước, tránh chè bị dập búp, việc bảo quản chè nguyên liệu cũng như chè thành phẩm phải đúng quy chuẩn... nhưng rồi, nhìn thấy hiệu quả, mọi người thở phào nhẹ nhõm, khi năng suất và giá trị cao hơn gấp đôi so với chè thường.

Hiện gia đình anh Văn có khoảng 2.000m2, gia đình anh đầu tư lắp đặt khung sườn bằng thép mạ kẽm với thiết kế chịu lực, chống gió, được phủ bằng màng kính do Israel sản xuất; lắp đặt hệ thống tưới nước tự động trên toàn diện tích và điều khiển qua sóng điện thoại. Do vậy mà môi trường tại đây có nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm ổn định, cây trồng có thể phát triển quanh năm.

Anh Văn cũng chia sẻ, phát triển theo mô hình này, có nhiều ưu điểm như ở điều kiện thời tiết mùa đông trong nhà kính vân chịu được nhiệt độ thích hợp cho cây chè, đảm bảo ánh sáng, tránh được sương muối ảnh hưởng búp chè; đặc biệt giữ được độ ẩm, nước để cây chè phát triển tốt hơn. Không chỉ vậy, mô hình mang lại chất lượng an toàn hơn khi không bị côn trùng, sâu bệnh xâm nhập, phá hoại nên rất ít phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, năng xuất cao là điều dễ hiểu.

Hàng năm gia đình anh Văn có thể mang lại thu nhập 238 triệu đồng; bên cạnh đó có thu mua khoảng 1,5 tấn chè búp khô của bà con, thu lãi trên 150 triệu đồng. Điều này đã cải thiện đáng kể đời sống của gia đình và người dân sản xuất theo mô hình này.

Trung bình thu nhập người dân trồng chè nơi đây khoảng hơn 200 triệu đồng/ha thì tổng giá trị sản lượng chè của huyện đạt gần 900 tỷ.

Điều này có thể nhìn nhận rõ hơn, sự quan tâm của chính quyền từ huyện đến xã, thôn/xóm là rất sát sao. Con số này sẽ còn được nhân lên khi mà các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm và đầu tư đồng bộ chung tay cùng bà con nhân dân cùng làm thì cây chè Phú Lương không chỉ là cây chủ lực phát triển kinh tế mà người dân sẽ có thu nhập tiền tỷ nhờ cây chè trong tương lai gần.

Tiến Nha- Ngọc Liên

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//phu-luong---thai-nguyen-day-manh-thuong-hieu-che-an-toan_n38762.html