Phụ mẫu và thảo dân

Tài sản công không còn là 'của ta' mà là của 'nhà nước', chuyện bẩn hay sạch cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, vì đã có nhà nước lo.

Ba mẹ tôi sống trong khu dân cư nhỏ tại TP.HCM, những căn nhà phố xếp quanh một công viên chừng 2.000 m2. Công viên là nơi sinh hoạt, vui chơi, gặp gỡ của cư dân nội khu và cả những người từ khu khác vì nó rộng rãi, mát mẻ, sạch sẽ và an ninh. Buổi sáng người ta đánh cầu lông, tập thể dục. Buổi trưa, các cụ già ra đánh cờ. Chiều, trẻ em đi học về cũng tụ tập.

Công viên được mọi người giữ gìn sạch sẽ và trật tự nhờ thuê bảo vệ và người quét dọn, chi phí do các hộ cùng đóng góp. Mỗi kỳ họp tổ dân phố, người ta hào hứng góp ý về cách sử dụng công viên sao cho hợp lý, văn minh và trật tự hơn. Công viên không phải tài sản của riêng ai, nhưng mỗi cư dân đều có ý thức giữ gìn khi sử dụng, chủ động lên tiếng vì tài sản chung đó.

Có một không gian công cộng khác, to và đẹp hơn nhiều, nhưng không được may mắn như vậy. Đó là phố đi bộ Nguyễn Huệ. Nó được xây dựng, duy trì, vệ sinh và bảo đảm an ninh từ tiền thuế, về bản chất không khác gì công viên nhỏ nhà tôi. Nhưng cứ mỗi lần có sự kiện tập trung đông người thì phố đi bộ lại ngập rác. Những công dân có đóng thuế vô tư xả rác, vô tư làm bẩn chính công trình xây dựng từ nguồn lực của chính mình.

Tại sao lại có hai thái độ ứng xử khác nhau với hai không gian công cộng chỉ cách nhau vài km như vậy? Ý thức của những người sử dụng chúng khác nhau ở chỗ nào? Tại sao người dân ý thức cao ở khu phố nhà tôi, còn ở phố đi bộ lại hờ hững?

Có hai lý do chính ở đây. Thứ nhất, khi không có ranh giới giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, người ta sẽ cố gắng giữ gìn một tài sản nào đó để cả mình và những thành viên của cộng đồng được hưởng lợi.

Ở công viên khu phố, khi ai cũng biết ai, ai cũng nắm được quy mô và hiểu mình là một phần của cộng đồng đó, cũng như hiểu công viên dơ bẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của mình, người ta sẽ tự giác giữ gìn. Còn ở Nguyễn Huệ, khái niệm "cộng đồng của những cá nhân biết nhau" bị thay thế bởi một tập hợp người xa lạ từ nhiều nơi khác đến. Phố đi bộ không còn là "của ta" hay của "cộng đồng chúng ta" mà là của "nhà nước", và chuyện bẩn hay sạch cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của mình, vì đã có nhà nước lo.

Dinh Thượng Thơ chắc có lẽ đã bị đập bỏ nếu nó không may mắn được báo chí làm rùm beng để nhà nước thu hồi lại quyết định trước đó... Ảnh: Quý Hòa

Dinh Thượng Thơ chắc có lẽ đã bị đập bỏ nếu nó không may mắn được báo chí làm rùm beng để nhà nước thu hồi lại quyết định trước đó... Ảnh: Quý Hòa

Khi những vấn đề công cộng vượt quá sức và phạm vi kiểm soát của cá nhân hay một tập thể quy mô vừa phải, chúng ta đang có thái độ là mặc kệ, thờ ơ và coi trách nhiệm đó không liên quan đến mình. Ít ai hiểu rằng, trong một xã hội, công dân luôn là chủ thể, và nhà nước là tổ chức do công dân bầu ra để vận hành xã hội chung của mình.

Thứ hai, vai trò nhà nước trong câu chuyện này đã bị lu mờ. Trong một xã hội dân chủ, nhà nước có bốn vai trò chính: cung cấp dịch vụ công, giữ gìn - phát triển hạ tầng xã hội, tái phân phối thu nhập và ổn định kinh tế. Hai "dịch vụ" quan trọng công dân đang trực tiếp sử dụng hàng ngày từ nhà nước là dịch vụ công và hạ tầng xã hội. Dịch vụ công cần thiết cho mỗi công dân, như giáo dục, y tế, cảnh sát, cứu hỏa... Hạ tầng xã hội có thể hiểu là toàn bộ những tài sản chung của xã hội đó, cả thiên nhiên và nhân tạo như đường sá, cầu cảng, bệnh viện, trường học, công viên, công trình văn hóa, cả những di sản tiền nhân để lại.

Trong một nền kinh tế thị trường, quan hệ giữa nhà nước và công dân có thể hiểu là quan hệ giữa "nhà cung cấp dịch vụ" và "người mua dịch vụ". Tất cả hạ tầng xã hội là sở hữu của toàn thể công dân, nhà nước chỉ là bên được cử ra quản lý và vận hành.

Như vậy, công dân vừa có trách nhiệm bảo vệ, đồng thời có quyền tiếp cận hoặc kiểm tra những hạ tầng xã hội chung bởi đó là tài sản của chính họ. Còn nhà nước có trách nhiệm báo cáo minh bạch những gì mình đang làm, cũng như điều chỉnh, nâng cấp "dịch vụ" của mình theo nhu cầu của công dân.

Vì không nhận thức đầy đủ rằng tài sản công cũng là tài sản của chính mình, chúng ta - những thị dân sẵn sàng vứt rác, phóng uế ở mọi nơi, bất cứ lúc nào.

Những nguyên tắc trên không mới, ai cũng hiểu, nhưng có lẽ chưa thấm vào trong xã hội, trong hành xử hàng ngày của mỗi chúng ta. Công dân vẫn mang trong đầu tâm lý "đi xin - được cho" thụ động, và công chức vẫn còn tư tưởng "ban phát - quan trên phụ mẫu". Công dân chưa nhận ra mình mới là người chủ thật sự, còn người nhà nước vẫn đang tiếp tục "não trạng" của mấy chục năm nay, đó là "tài sản, việc nhà nước, dân không biết đừng có mà đụng vào".

Vì không nhận thức đầy đủ rằng tài sản công cũng là tài sản của chính mình, chúng ta - những thị dân sẵn sàng vứt rác, phóng uế ở mọi nơi, bất cứ lúc nào. Người uống ly nước mía xong thẳng tay vứt xuống sông, người ngồi xe buýt mở cửa vứt bịch rác xuống đường, người bán cơm đổ cơm cặn canh thừa xuống cống. Lễ hội nào kết thúc xong cũng ngập tràn rác. Tất cả đều rất thản nhiên, không nghĩ rằng hành động mình vừa gây ảnh hưởng cho cộng đồng, vừa phá hoại chính tài sản của mình.

Chúng ta bàng quan với chính không gian đô thị ta đang sống, coi nó không phải của mình, nó có hư hỏng hay dơ bẩn cũng không dính dáng đến bản thân. Xa hơn, ta thờ ơ luôn với những thứ không trực tiếp liên hệ đến sinh hoạt hàng ngày của mình. Một di tích lịch sử bị xâm hại, một bức tranh quý bị phá hỏng, một cánh rừng nguyên sinh bị san bằng để làm cáp treo. Ôi dào, chuyện đẩu đâu xa quá, mà có lên tiếng thì giải quyết được gì.

Ở phía ngược lại, nhiều công chức, với tâm thế "người chủ - người ban phát" vẫn tiếp tục phụng sự xã hội của mình theo phong cách ai cũng từng ít nhiều trải nghiệm, là hạch sách, kiểm soát, cửa quyền, hành xử tùy tiện. Chính vì kiểu cách quan trên phụ mẫu này, người nhà nước không muốn bị kiểm soát, không thích phải giải trình, bị yêu cầu công khai thông tin.

Xa hơn của thái độ đó, là việc công bố thông tin chính sách công, quy hoạch công, lấy ý kiến nhân dân không rõ ràng. Khu di tích Ba Son giờ đây trở thành khu căn hộ biệt thự cao cấp, khi những ý kiến ồ ạt về bản quy hoạch năm 2015 trên truyền thông không hề được cân nhắc. Khu Thảo Cầm Viên bị cắt xén để làm khu vui chơi ăn uống. Dinh Thượng Thơ chắc có lẽ đã bị đập bỏ nếu nó không may mắn được báo chí làm rùm beng để nhà nước thu hồi lại quyết định trước đó. Nhưng rất nhiều những căn biệt thự cổ ở Quận 3 đã biến mất vĩnh viễn cả trên bản đồ lẫn trong ký ức đô thị người Sài Gòn.

Việc cần làm là thay đổi thái độ, nhận thức của cả hai bên. Công dân cần nâng cao trách nhiệm với di sản, tài sản chung của xã hội, từ đó chủ động bày tỏ ý kiến với nhà nước. Nhà nước - công chức đến lượt mình cần nhận thức rõ vị trí của "người phục vụ" để nâng cao chất lượng dịch vụ công, đồng thời chấp nhận sự kiểm soát và phê bình của công dân.

Để đạt mục đích trên, giải pháp chẳng có gì mới lạ, đó là công khai, minh bạch những hoạt động, chính sách của nhà nước; tạo ra một môi trường trao đổi thẳng thắn cho công dân, và đảm bảo tính trung lập và tôn nghiêm khoa học của các hội đồng thẩm định độc lập.

Nhà nước nên là bên đi trước. Công cụ có rất nhiều, nhưng để dân tin, nhà nước cần đi những bước đầu tiên để công dân thấy nhà nước đã sẵn sàng vào cuộc sửa đổi. Vì sự cầu thị của nhà nước, công dân sẽ song hành.

KTS Lê Nam

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/phu-mau-va-thao-dan-18736.html