Phú Nhuận: Thâu đêm đi chia nước vụ xuân

Đã hai tháng nay, trừ những hôm trời mưa, còn lại, tối nào cũng đúng 19 giờ, các thành viên Tổ chống hạn, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) lại có mặt đầy đủ tại sân trụ sở UBND xã để đi chia nước.

Sau vài lần hẹn, chúng tôi may mắn được theo các thành viên trong tổ đi chia nước vụ xuân này. 18 giờ 55 phút, chúng tôi đến UBND xã. Lúc này, tất cả thành viên của tổ chống hạn đã có mặt đầy đủ. Sau khi triển khai chi tiết công việc, phân tuyến đi chia nước, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Thế Anh kiêm Tổ trưởng Tổ chống hạn và các thành viên cẩn thận kiểm tra lại đèn pin, cuốc, bồ cào sắt - những vật dụng không thể thiếu để đi chia nước.

Kiểm tra hệ thống mương thủy lợi.

Đoàn di chuyển đến ngã ba Phú An - Phú Hùng - Phú Hải và bắt đầu hành trình chia nước. Các thành viên trong Tổ chống hạn chăm chú nhìn kỹ tuyến mương thủy lợi, đừng điểm chia nước dưới ánh đèn pin loang loáng. Đồng chí Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: Tuyến kênh thủy lợi Phú Hải – Phú An là tuyến kênh chính dẫn nước từ hồ Phú Nhuận để chia cho các thôn. Địa điểm kiểm tra đầu tiên chính là ngã ba tuyến kênh Phú An - Phú Hùng - Phú Hải, điểm chia nước quan trọng trên thủy lộ này.

Ông Mai Văn Cảnh, thành viên của Tổ thủy nông xã Phú Nhuận, đồng thời cũng là thành viên Tổ chống hạn xã đã có mặt tại đây từ lúc 17 giờ. Ông Cảnh cho biết: Mấy ngày nay, các thôn đang vào vụ cấy lúa xuân, nhu cầu cần nước cho sản xuất rất lớn, nên tôi phải ở đây từ sớm để chia nước về các thôn cho hợp lý. Chia nước cũng phải có tâm, không được thiên vị bất cứ thôn nào, bởi mọi gia đình đều làm nông nghiệp như mình, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cuộc sống trông chờ vào vài sào ruộng, nên để nhà có nước, nhà không có thì mình thực sự có lỗi.

Đôi bàn tay ông Cảnh nhăn nheo vì ngâm nước. Hơn 2 tiếng đồng hồ, ông liên tục phải chặn cửa mương này, mở tuyến mương kia để chia nước về các thôn theo đúng lịch phân bổ. Dù rất đói vì chưa ăn cơm tối, nhưng ông Cảnh vẫn kiên quyết “canh gác” điểm chia nước trên thủy lộ này, bởi như lời ông, thời điểm này rất nhạy cảm, nhà nào cũng muốn đưa nước về ao, ruộng nhà mình, nếu lơi lỏng, thì họ sẵn sàng dỡ bỏ các điểm chặn nước.

Vớt rác khơi thông dòng chảy.

Từ “giao thủy” Phú Hải, các thành viên Tổ chống hạn tiếp tục xuôi theo tuyến mương dẫn nước về thôn Phú An, Hải Sơn. Đi đến đâu, họ cũng phải vớt rác, đất đá chặn dòng để nước về đủ ruộng. Thôn Hải Sơn 1, Hải Sơn 2 ở cuối tuyến mương, với vài chục ha ruộng đang chờ nước để gieo cấy vụ xuân. Vì vậy, định kỳ, cứ thứ 2, 4, 6 hằng tuần, các thành viên Tổ chống hạn đều chặn một số tuyến mương để dồn nước về cho hai thôn này. Ông Trần Văn Đức, thôn Hải Sơn 1 cho biết: Thời gian này, do mùa khô, nên nhiều diện tích vụ xuân ở Hải Sơn bị thiếu nước. Nhiều hộ dân tìm đến nhà trưởng thôn, thậm chí lên UBND xã để “đòi” chia nước. Xã đã chỉ đạo Tổ chống hạn điều tiết, chia nước đảm bảo công bằng giữa các thôn, do thôn cuối tuyến nên khó đáp ứng đủ nhu cầu nước cho sản xuất.

Đóng phai, chia nước cho các tuyến mương.

Dường như sự có mặt của Tổ chống hạn đi chia nước hàng đêm đã trở nên quen thuộc với người dân các thôn. Đến thôn nào, các hộ dân cũng pha ấm nước chè chờ sẵn, tình hình nước đầu nguồn ra sao? Hồ chứa Phú Nhuận cạn đến mức nào? Các thôn có đủ nước để gieo cấy vụ xuân không?... là câu chuyện trở thành thường xuyên giữa người dân với Tổ chống hạn.

Nước được đưa về hồ chứa thôn Hải Sơn 2.

Đồng chí Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận tâm sự: Cả xã có hơn 60 km mương thủy lợi, cung cấp nước sản xuất, nuôi thủy sản cho 25 thôn. Thời điểm này, nước đầu nguồn suối Nhuần cạn kiệt, dẫn đến lượng tích trữ trong hồ Phú Nhuận cũng giảm, dẫn đến nguy cơ thiếu nước cho sản xuất. Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, bà con bắt đầu sản xuất vụ Xuân, nên nhu cầu sử dụng nước rất lớn, đã từng có những năm, việc tranh chấp nước giữa các hộ dân, giữa các thôn đã xảy ra. Để giải quyết vấn đề này, xã đã thành lập Tổ chống hạn với 28 thành viên có nhiệm vụ kiểm tra hệ thống kênh mương dẫn nước, tổ chức chia nước theo lịch, đảm bảo công bằng giữa các thôn, không để xảy ra tranh chấp nước.

Kiểm tra đồng ruộng sau khi chia nước.

Đồng hồ đã điểm sang ngày mới, tiếng ếch văng vẳng, các thành viên Tổ chống hạn xã mới thở phào nhẹ nhõm, lặng lẽ trở về, bởi nước đã về đủ các thôn theo đúng lịch chia nước. Họ chỉ kịp nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ để bắt đầu cho ngày làm việc mới. Để tối đến, công việc chia nước lại bắt đầu với hành trình đã trở nên quen thuộc suốt tháng nay và sẽ còn kéo dài đến vài tháng nữa.

Thanh Nam - Đức Phương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/phu-nhuan-thau-dem-di-chia-nuoc-vu-xuan-z3n20200229111445039.htm