Phù Ninh đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng

Với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, Phù Ninh đã và đang phát huy lợi thế, tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện khâu đột phá về xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Nhờ đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị ở Phù Ninh ngày càng khang trang, hiện đại.

Để thực hiện khâu đột phá xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung xác định thứ tự ưu tiên việc huy động và bố trí nguồn lực cho các lĩnh vực, các dự án quan trọng, tạo tiền đề phát triển các ngành, các lĩnh vực; đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra, sớm đưa vào khai thác sử dụng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá về đầu tư cơ sở để sớm đạt tiêu chí về xây dựng huyện nông thôn mới (NTM).Ông Lê Phúc Tuất - Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện thông tin: Năm 2022, huyện đã tập trung triển khai nhiều tuyến đường giao thông như: Đường huyện lộ P2 từ UBND xã Gia Thanh đi Cầu Vàng, đường QL2 đi hầm chui - Cụm công nghiệp Đồng Lạng, đường Âu Cơ đi khu 1, xã An Đạo, đường QL2 đi K98 huyện lộ P3, đường Cơ động quân sự QL2 đi khu 6, đường giao thông kết nối từ ĐT325B đi cụm công nghiệp Bắc Lâm Thao - quốc lộ 2 - đường tỉnh 323H - đường huyện P2 (Cụm công nghiệp Phú Gia, huyện Phù Ninh), đường giao thông kết nối từ ĐT323 đến QL2 đi đường tránh thị trấn Phong Châu... Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 1.830 tỉ đồng, đạt 101,7% kế hoạch, tăng 14,4% so với năm 2021, tỉ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện trên 95%. Chỉ đạo triển khai thực hiện đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng theo kế hoạch tỉnh cấp năm 2021 (đợt 1) với tổng chiều dài gần 14km.

Các công trình giao thông được đầu tư đã tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất và giao thương với các vùng lân cận, phục vụ thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh hạ tầng, sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Trên địa bàn hiện có ba cụm công nghiệp (CCN) gồm CCN Đồng Lạng, CCN Tử Đà - An Đạo, CCN Phú Gia, trong đó CCN Đồng Lạng đã thu hút được 17 dự án đầu tư, CCN Tử Đà - An Đạo thu hút được 24 dự án, CCN Phú Gia thu hút được năm dự án đầu tư. Hiện nay, các hoạt động sản xuất CN-TTCN được duy trì hoạt động ổn định, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn huyện đã phục hồi sản xuất, tăng trưởng nhanh; một số doanh nghiệp có sản lượng tăng cao do tìm kiếm được thị trường đầu ra và nhận được nhiều đơn đặt hàng. Giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 14.500 tỉ đồng, tạo việc làm cho trên 6.000 lao động.

Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư xây dựng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản. Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp trọng điểm để phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với lợi thế của huyện. Trong đó, diện tích cây ăn quả và diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng quy mô; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích trên 60ha tại các xã An Đạo, Bình Phú, vùng trồng cây ăn quả đặc sản hồng Gia Thanh, vùng trồng rau an toàn, cây cảnh ở các xã phía Nam huyện, các xã có lợi thế và khu vực trung tâm huyện với diện tích trên 55ha; tổ chức thực hiện tốt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), phát triển làng nghề. Năm 2022, huyện có ba sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP: Sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh đạt bốn sao, sản phẩm cá thính Tử Đà đạt ba sao, sản phẩm mật ong King’s Honey đạt ba sao. Đến nay, huyện đã có sáu sản phẩm OCOP, trong đó có hai sản phẩm đạt chuẩn OCOP bốn sao và bốn sản phẩm đạt chuẩn OCOP ba sao.

Cùng với đó, hạ tầng thông tin, truyền thông phát triển nhanh, phủ sóng tới 100% khu dân cư, chất lượng dịch vụ được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Hạ tầng văn hóa, thể thao được đầu tư với 100% khu dân cư có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn NTM. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, duy trì hoạt động khám, chữa bệnh thường xuyên tại các cơ sở y tế, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đặc biệt chú trọng công tác khám sức khỏe hậu COVID-19. Đến nay, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,15% dân số trên địa bàn huyện, 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, tiếp tục thực hiện đề án chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân tại các khu hành chính trọng điểm trên địa bàn huyện. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1,65%, hộ cận nghèo còn 1,45%.

Thời gian tới, Phù Ninh tiếp tục phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đồng thời quyết liệt chỉ đạo thực hiện hiệu quả khâu đột phá về xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng then chốt, phấn đấu hết năm 2025 xây dựng huyện Phù Ninh cơ bản trở thành huyện NTM, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 8.500 tỉ đồng. Trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế, với sự đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện sẽ tạo nên thế và lực mới để Phù Ninh phát triển toàn diện, vững chắc.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/phu-ninh-dau-tu-xay-dung-dong-bo-ket-cau-ha-tang/191450.htm