Phụ nữ có tuyến tiền liệt không?

Lâu nay mọi người thường chỉ nghe nói tuyến tiền liệt (TTL) ở nam giới, nhưng cũng có không ít người lại cho rằng phụ nữ cũng có TTL. Vậy thực hư chuyện này thế nào?

TTL thực chất chỉ có ở nam giới. Tuyến này nằm phía dưới bàng quang, đồng thời nằm ở phía trước túi tinh và thừng tinh, nằm ở phía sau niệu đạo và dương vật. TTL ở nam giới có nhiệm vụ tiết ra một dịch nhầy trắng hòa vào tinh dịch nuôi dưỡng và bảo vệ tinh trùng khỏi các tác nhân gây bệnh, đưa tinh trùng di chuyển bên trong tử cung dễ dàng hơn, làm môi trường sống giúp tinh trùng sống lâu hơn và có khả năng giữ gene di truyền tốt hơn.

Về chuyện phụ nữ có TTL không? Cũng có thể nói là phụ nữ có TTL. Nhưng tuyến này ở nữ giới không phát triển đầy đủ giống như nam giới. Từ lâu các nhà nghiên cứu đã phát hiện tuyến Skene (hay còn gọi là các tuyến Paraurethral) được tìm thấy ở nữ giới có mối tương đồng với tuyến TTL ở nam giới. Về phương diện giải phẫu học, tuyến Skene có vị trí dưới đáy bàng quang, nằm khoảng giữa đường niệu đạo và âm đạo. Năm 2002, Ủy ban Quốc tế liên bang về phẫu thuật ngữ đã chính thức đổi tên tuyến Skene thành TTL ở phụ nữ. TTL ở nữ giới chỉ dừng lại ở mức một số mô tuyến xuất hiện bao quanh ống tiết niệu và nó có chung điểm xuất phát với ống tiết niệu, chính là bàng quang. TTL cũng có chức năng cụ thể, đó là tiết ra chất nhầy trong khi quan hệ tình dục, tiết kháng nguyên đặc hiệu TTL (PSA) giống như ở nam giới. Tuy nhiên, khác với nam giới, TTL ở nữ giới chỉ có tác dụng góp phần tạo khoái cực cho nữ giới khi quan hệ tình dục. Khi bị kích thích, bộ phận này sẽ giản nở và tăng về kích cỡ. Nhưng nếu không có sự kích thích thì rất khó có thể xác định vị trí.

Các nghiên cứu về TTL cũng như các bệnh về TTL ở nữ giới vẫn còn khá mới mẻ trong y học hiện nay. Tuy viêm nhiễm TTL ở nữ giới rất hiếm, nhưng không phải là không xảy ra. Những triệu chứng của viêm TTL nữ giới khá giống so với viêm bàng quang hay viêm đường tiết niệu, bao gồm: tiểu dắt; đau buốt khi đi tiểu; luôn cảm thấy buồn tiểu nhưng không thể tiểu được; nước tiểu có màu đục, mùi khó chịu, và đôi khi có cả máu; đau bụng dưới giống như đau bụng kinh; sốt nhẹ; khô rát âm đạo khi QHTD... Chị em nên để ý tìm hiểu và khám phụ khoa ngay khi phát hiện một số triệu chứng đáng ngờ như trên.

BS. Đinh Mạnh Trí

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phu-nu-co-tuyen-tien-liet-khong-n176293.html