Phụ nữ da màu 'lên ngôi'
Vượt qua những rào cản về giới và sắc tộc, nhiều phụ nữ da màu đã mạnh dạn dấn thân vào chính trị và gần đây được tin tưởng bổ nhiệm vào 'ghế nóng' ở nhiều cơ quan quyền lực.

Bà Francia Marquez vừa được bầu làm nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của Colombia. Ảnh: France24
Điển hình là Ketanji Brown Jackson - người vừa nhậm chức thẩm phán thứ 116 của Tòa án Tối cao Mỹ và trở thành nữ thẩm phán da màu đầu tiên trong lịch sử xứ cờ hoa. Bà Jackson cũng là người da màu thứ ba phục vụ trong Tòa án Tối cao Mỹ kể từ khi cơ quan này được thành lập năm 1789. "Với tất cả tâm huyết, tôi xin nhận trách nhiệm thiêng liêng, phát huy và bảo vệ Hiến pháp Mỹ, đồng thời thực thi công lý mà không sợ hãi hay thiên vị" - nữ thẩm phán 51 tuổi phát biểu trong lễ nhậm chức hôm 30-6. Được biết, bà Jackson tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Harvard và từng có thời gian làm thư ký cho người tiền nhiệm là thẩm phán Stephen Breyer.
Một phụ nữ da màu khác cũng có sự thăng tiến đáng chú ý là Loretta Lynch - người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Bà lên lãnh đạo Bộ Tư pháp năm 2016, giữa lúc nước Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức - từ giải quyết mối quan hệ căng thẳng giữa người da màu và người da trắng, sự mất lòng tin sâu sắc giữa người dân và cảnh sát, cho đến kế hoạch cải tổ luật pháp và đối phó với mối đe dọa khủng bố. Trước đó, sau khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard, bà Lynch làm việc tại Cahill Gordon & Reindel - một trong những văn phòng luật sư hàng đầu của Mỹ.
Và thật thiếu sót nếu không kể đến đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris - người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ da màu đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên được bổ nhiệm làm nhân vật số 2 của nước Mỹ. Bà Harris đã liên tục phá bỏ nhiều rào cản trong chính trường xứ cờ hoa suốt hai thập kỷ qua. Chẳng hạn, bà từng làm nên lịch sử khi trở thành tổng chưởng lý da màu đầu tiên của bang California và là người phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ.
Ở Colombia, bà Francia Marquez cũng là một phụ nữ có ý chí phấn đấu phi thường, từ một bà mẹ đơn thân đi giúp việc nhà đã được bầu làm phó tổng thống da màu đầu tiên của quốc gia Nam Mỹ này hồi tháng 6 vừa qua. Xuất thân từ tỉnh Cauca - nơi có tới 80% dân số sống trong cảnh đói nghèo, bà Marquez trở thành một trong những nhà hoạt động môi trường nổi tiếng. Nhờ mạnh mẽ đấu tranh bảo vệ quyền của người dân bản địa và tài nguyên đất đai trước các hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp ở quê nhà, bà được trao giải thưởng Goldman về môi trường năm 2018. Năm 2019, bà được Hãng tin Anh BBC chọn vinh danh trong danh sách 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới.
Năm ngoái, bà Ngozi Okonjo-Iweala đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Phi đầu tiên được chọn giữ cương vị tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Với chuyên môn là một nhà kinh tế lỗi lạc, Okonjo-Iweala làm Bộ trưởng Tài chính Nigeria 2 nhiệm kỳ (2003-2006 và 2011-2015), cũng như từng giữ chức Ngoại trưởng Nigeria hồi năm 2006. Ngoài ra, bà còn có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB).
Okonjo-Iweala được Tổ chức Minh bạch Quốc tế vinh danh là 1 trong số 8 nữ chiến binh chống tham nhũng, người truyền cảm hứng. Bà cũng được Tạp chí Forbes bình chọn vào tốp 100 phụ nữ quyền lực nhất hành tinh nhiều năm liền.
NGUYỆT CÁT (Tổng hợp)