Phụ nữ di cư: Nhiều khó khăn khi trở về

Trong những trường hợp kết hôn với người nước ngoài, không ít người khó thích ứng với cuộc sống tại nước sở tại do bất đồng ngôn ngữ, bị phân biệt đối xử, bạo hành nên phải quay về địa phương.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ. Ảnh: Minh Thu - TTXVN

Hải Phòng là một trong những thành phố phía Bắc có tỉ lệ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài hàng năm khá cao.

Trong các trường hợp kết hôn đó, có những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, buộc người phụ nữ phải quay về địa phương và chịu rất nhiều áp lực về tâm lý, kinh tế cũng như pháp lý.
Nhiều khó khăn khi trở về
Bà Phạm Thị Khuê, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thủy Nguyên cho biết, tính đến tháng 9/2019, tại Thủy Nguyên có 4.975 phụ nữ đăng ký kết hôn với người nước ngoài, trong đó tỉ lệ kết hôn với người Hàn Quốc gia tăng trong những năm gần đây.
Bình quân mỗi năm, Phòng Tư pháp huyện Thủy Nguyên làm thủ tục đăng ký kết hôn cho từ 300- 350 cặp đôi Việt - Hàn. Trong số những trường hợp kết hôn với người nước ngoài, có không ít trường hợp phụ nữ khó thích ứng với cuộc sống tại nước sở tại do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, bị gia đình chồng phân biệt đối xử, bạo hành nên có những trường hợp phải quay về địa phương sinh sống.
Khi trở về địa phương, có những phụ nữ bị trầm cảm, nhiều trường hợp khó khăn về kinh tế, khó hòa nhập lại cuộc sống cũ. Một số phụ nữ cắt hộ khẩu tại địa phương khi lấy chồng Hàn Quốc hợp pháp nhưng một vài năm sau mới được nhập quốc tịch tại nước sở tại.

Trong thời gian chờ đợi này, không có nước nào quản lý hộ khẩu của họ. Vì vậy, khi gặp rủi ro, chị em trở về nước thường khó nhập hộ khẩu. Con cái của họ cũng bị ảnh hưởng tới việc khai sinh, nhập học do thiếu những giấy tờ cần thiết.
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng thành phố có hơn 6.000 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó có hơn 3.000 là đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân Hàn Quốc.

Thực tế cho thấy, sau khi kết hôn và có nhiều trường hợp cô dâu lấy chồng Hàn Quốc hôn nhân không hạnh phúc phải ly hôn, bỏ trốn trở về Việt Nam do nhiều nguyên nhân như: bất đồng ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, quan điểm về bình đẳng giới.

Nhiều trường hợp bị chồng ngược đãi nên đã trốn về Việt Nam trong tình trạng không có giấy tờ tùy thân, mặc cảm với xã hội và phải bỏ đi nơi khác làm ăn.
Một vướng mắc kéo theo nhiều hệ lụy của phụ nữ di cư hồi hương là chưa chấm dứt tình trạng hôn nhân trên giấy tờ. Thực tế họ đã thôi không chung sống cùng nhau nhưng vì nhiều yếu tố, họ chưa ly hôn theo quy định của pháp luật.
Theo ông Phạm Văn Phích - Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, có nhiều phụ nữ di cư hồi hương chưa hoàn thành thủ tục ly hôn do thiếu thông tin, chi phí cao và các thủ tục, quy trình phức tạp.
Cụ thể, trong việc giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thì hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài là vấn đề có tính chất quyết định trong việc đưa vụ việc ra xét xử. Tuy nhiên, hiện tại, việc ủy thác tư pháp còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là hoạt động ủy thác tư pháp đối với một số công việc cụ thể như ghi lời khai, tống đạt các văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định.

Nhiều trường hợp ủy thác từ khi tòa án nhận được hồ sơ mất rất nhiều thời gian, chưa nói đến việc tống đạt phải thực hiện theo quy định luật pháp của nước có đương sự đang cư trú.
Bên cạnh đó, khó khăn trong tìm nơi cư trú của một bên đương sự ở nước ngoài cũng là yếu tố làm kéo dài thời gian giải quyết thủ tục ly hôn. Không ít trường hợp công dân Việt Nam không tìm hiểu kỹ điều kiện, địa chỉ cụ thể của người nước ngoài, không yêu cầu người nước ngoài cung cấp địa chỉ tại nơi họ đang sinh sống. Khi khởi kiện đến tòa án thì không xác định được địa chỉ hoặc không có địa chỉ người nước ngoài.
Việc áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng có những vướng mắc. Nhiều vụ án, tòa Việt Nam xác định thuộc thẩm quyền và đưa ra phán quyết nhưng quốc gia khác cho rằng thẩm quyền giải quyết thuộc nước họ. Điều này dẫn đến xung đột về pháp luật giữa Việt Nam và các nước đó. Những khó khăn này đẩy vụ việc kéo dài, tốn kém và tạo ra áp lực tâm lý cho người trong cuộc.
Cần những trợ giúp thiết yếu

Các đại biểu chia sẻ ý tưởng để vận hành “Văn phòng dịch vụ một điểm đến” nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương hiệu quả, hữu ích nhất. Ảnh: Minh Thu - TTXVN

Theo bà Phạm Thị Khuê Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thủy Nguyên, chính quyền địa phương, ngành Tư pháp, ngành Công an phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ thuận lợi nhất cho người di cư trở về nhập hộ tịch, giải quyết thủ tục ly hôn và đăng ký khai sinh cho con.
Ông Phạm Văn Phích - Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa các văn bản pháp luật, trong đó có pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phong tục, tập quán của vùng miền, nước mà người nước ngoài sinh sống; có những biện pháp hữu hiệu để xác minh nhân thân, địa chỉ, hoàn cảnh của người nước ngoài mà phụ nữ có ý định kết hôn.
Khi giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài cần nhanh chóng, toàn diện, bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Đồng thời chú trọng và thực hiện triệt để các quy định trong các hiệp định tương trợ tư pháp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Tại Hải Phòng, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và một số tổ chức xây dựng mô hình hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật, tìm kiếm cơ hội việc làm, ổn định tâm lý.

Dự kiến, trong tháng 7/2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ thành lập các Văn phòng dịch vụ một điểm đến (OSSO), trong đó có một văn phòng tại Hải Phòng để hỗ trợ trực tiếp các vấn đề cho nhóm phụ nữ di cư hồi hương các nội dung liên quan đến pháp luật, cơ hội tìm kiếm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng./.

Minh Thu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phu-nu-di-cu-nhieu-kho-khan-khi-tro-ve/160311.html