'Phụ nữ dừng ăn mặc thiếu vải để không bị quấy rối tình dục'

'Các cô gái đừng nên mặc những bộ đồ hở hang nữa. Nếu bị quấy rối, các bạn sẽ lại tìm đến chúng tôi xin giúp đỡ', phát ngôn của một đồn cảnh sát tại Philippines gây phẫn nộ.

Một đồn cảnh sát ở quận Quezon, phía nam thủ đô Manila (Philippines), vừa gây ra làn sóng phẫn nộ và tranh cãi bởi sử dụng những lời lẽ hạ thấp phụ nữ, theo South China Morning Post.

Cụ thể, trong một bài đăng trên mạng xã hội, đồn cảnh sát này viết “Này những cô gái, đừng mặc những bộ trang phục hở hang nữa. Nếu các bạn bị người khác quấy rối, bạn sẽ lại tìm đến chúng tôi xin giúp đỡ. Hãy thử nghĩ về điều đó đi”.

 Đồn cảnh sát tại Philippines khiến phụ nữ phẫn nộ khi khuyên họ "không ăn mặc hở hang để tránh bị quấy rối, hiếp dâm".

Đồn cảnh sát tại Philippines khiến phụ nữ phẫn nộ khi khuyên họ "không ăn mặc hở hang để tránh bị quấy rối, hiếp dâm".

Dù đã bị xóa đi ngay sau đó, bài đăng vẫn khiến cộng đồng mạng tại Philippines tức giận và lên án ngôn từ của lực lượng chức năng này. Hashtag #HijaAko mang nghĩa “Tôi là một người phụ nữ” tiếp tục được nhiều cô gái Philippines sử dụng để phản đối.

“Ngừng dạy con gái cách ăn mặc. Hãy giáo dục những người khác đừng bao giờ làm những hành động như hiếp dâm”, Frankie Pangilinan, con gái 19 tuổi của một thượng nghĩ sĩ, đáp trả bài đăng.

Kat Alano (35 tuổi), một ngôi sao truyền hình, cũng chỉ trích lối suy nghĩ quá thiển cận và thói quy chụp rằng việc hãm hiếp, hiếp dâm là do người phụ nữ ăn mặc không đủ kín đáo.

“Một lần, khi mặc áo phông và quần jean, tôi vẫn bị một người đàn ông nổi tiếng trong ngành giải trí cố tấn công tình dục”, cô kể lại.

Kat mới 19 tuổi khi trải qua vụ việc. Kẻ biến thái còn lớn tiếng đe dọa hủy hoại sự nghiệp của cô nếu cô dám chống đối lại hắn.

Theo Arceli Bile, một nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ từ Hội đồng Giáo hội Quốc gia Philippines, văn hóa tại Philippines gây khó khăn cho các nạn nhân bị hiếp dâm và tấn công tình dục lên tiếng.

Tại Philippines, khi lên tiếng tố cáo những hành vi đồi bại, phụ nữ dễ gặp phải ánh mắt nghi ngờ hơn là sự cảm thông.

“Khi có ai đó lên tiếng tố cáo, luôn luôn có những sự nghi ngờ, đổ tội cho những gì họ kể. Không hiếm trường hợp, nạn nhân còn quay ra tự trách mình”, cô nói.

Hiện tại, phía sở cảnh sát ở quận Quezon vẫn chưa lên tiếng giải thích vì phát ngôn gây tranh cãi. Vụ việc lần nữa khiến phụ nữ bất bình vì tình trạng "trọng nam khinh nữ" và thói quen đổ tội cho nạn nhân không dễ thay đổi ở quốc gia này.

Một khảo sát về sức khỏe quốc gia năm 2017 chỉ ra tỷ lệ 1/10 phụ nữ Philippines đã kết hôn nghĩ rằng chồng họ có lý khi họ bị đánh đập vì từ chối quan hệ tình dục. Các lý do phổ biến khác là không trông con hay làm cháy thức ăn.

Theo những người ủng hộ nữ quyền tại Philippines, chính quyền phải có nghĩa vụ đảm bảo rằng phụ nữ cần được bảo vệ khỏi bạo lực, nhưng chính các nhà lãnh đạo lại thể hiện những suy nghĩ lệch lạc về phái yếu.

Năm 2018, Tổng thống Duterte từng phát biểu: “Báo cáo cho thấy số vụ hiếp dâm ở Davao cao hơn các nơi khác. Chừng nào nơi đó vẫn có nhiều phụ nữ xinh đẹp xuất hiện, số vụ hiếp dâm vẫn sẽ tăng lên”.

Một năm sau đó, vị tổng thống này nói đùa rằng ông sẽ ưu tiên những tội phạm hiếp dâm trong danh sách ân xá.

“Đầu tiên là tội hiếp dâm, kế đến là tội buôn ma túy đi kèm các án khác như cướp tài sản, hiếp dâm”, ông Duterte nói.

Hiền Thy
Ảnh: SCMP.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-dung-an-mac-thieu-vai-de-khong-bi-quay-roi-tinh-duc-post1112930.html