Phụ nữ khuyết tật nhiều nguy cơ bị xâm hại

Không những không được tôn trọng, nhiều phụ nữ khuyết tật còn bị bạo hành, xâm hại tình dục. Đáng buồn họ không được hỗ trợ kịp thời và không dám lên tiếng vì sợ bị mọi người kỳ thị.

4/10 phụ nữ khuyết tật bị xâm hại

Đây là con số đáng báo động được bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) đưa ra tại hội thảo “Công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục – Tiếng nói người trong cuộc” diễn ra vào cuối tuần qua, do Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cùng các đối tác Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) đồng tổ chức.

Phụ nữ, trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị xâm hại cao. (ảnh minh họa)

Kết quả khảo sát về thực trạng bị bạo lực tình dục và nhu cầu hỗ trợ của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại huyện Ba Vì (Hà Nội) và quận Thanh Khê (Đà Nẵng), cho thấy, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người đã từng bị ít nhất 1 hình thức bạo lực tình dục. Trong đó, nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao với trên 35%. Có những người bị hành vi bạo lực tình dục lặp đi lặp lại nhiều lần (trên 10 lần), bao gồm cả hành vi bắt ép quan hệ tình dục mà họ không dám nói với ai. Độ tuổi lần đầu bị các hành vi bạo lực tình dục trung bình trong khoảng từ 24 đến 33 tuổi, trong đó có những phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục lần đầu từ 9 tuổi và cao nhất là trên 50 tuổi.

Bà Lan Anh kể lại câu chuyện đau lòng của một phụ nữ khuyết tật ở ngoại thành Hà Nội. Cô bị xâm hại tình dục khi mới 16 tuổi. Phải 6 tháng sau khi cái thai trong bụng to lên gia đình mới biết chuyện. Sợ hàng xóm ghẻ lạnh, dị nghị tới ngày sinh cô phải sinh con trong truồng bò.

Im lặng vì không biết ai sẽ bảo vệ mình?

Theo bà Nguyễn Vân Anh - Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – Phụ nữ và vị thành

Thống kê hàng năm cho thấy, số lượng án hình sự và vụ việc vi phạm hành chính về xâm hại tình dục khá khiêm tốn. Một cuộc xâm hại tình dục chỉ xảy ra vài phút, vụ nghiêm trọng lắm cũng không quá vài ngày, nhưng để đưa đến ánh sáng công lý phải mất vài tháng, vài năm...”.
Luật sư Lê Ngọc Luân – Đoàn Luật sư TP. HCM

niên (CSAGA), việc tồn tại những rào cản về văn hóa, định kiến xã hội và khoảng trống chính sách khiến phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục đối diện với các nguy cơ không an toàn. Các hình thức bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục gia tăng và chưa được xem xét giải quyết một cách đầy đủ. Đặc biệt, các hành vi bạo lực tình dục như quấy rối tình dục nơi công cộng, quấy rối tình dục nơi làm việc, bạo lực tình dục giữa các cặp đôi vẫn chưa được can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Bạo lực và sự sợ hãi bị bạo lực xảy ra ở mọi loại hình làm việc và với hầu hết những người lao động. Điều đáng nói, hầu hết nạn nhân bạo lực tình dục thường im lặng chịu đựng. Những người bị xâm hại không thể chia sẻ với ai, ngay cả người trong gia đình.

Sự im lặng đó lại càng nhiều hơn với phụ nữ khuyết tật. Thông thường phụ nữ khuyết tật khi bị bạo lực tình dục cảm thấy sợ hãi, khó chịu nhưng không dám làm gì và im lặng trước các hành vi bạo lực tình dục (khoảng từ 23,3 - 48,4%); 24%-33,3% chọn cách xử lý là chống cự, kêu to và tránh đi hoặc bỏ chạy với những hành vi bạo lực tình dục ở mức độ nghiêm trọng. Có tới 27-40% phụ nữ khuyết tật dù sợ hãi, khó chịu nhưng không dám làm gì, chỉ im lặng hoặc đã phản đối, chống cự nhưng không làm gì được, bị bắt buộc phải làm theo.

Tạ Nguyệt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/phu-nu-khuyet-tat-nhieu-nguy-co-bi-xam-hai-937702.html