Phụ nữ làm nghiên cứu khoa học khó trăm bề

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, chị Phạm Thị Thu Hiền đầu quân về Tạp chí Thanh tra - cơ quan của Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ), chuyên biên dịch, viết về kinh nghiệm của quốc tế trong công tác công tác thanh tra.

TS Phạm Thị Thu Hiền. Ảnh: PH

“Cơ duyên đến với ngành Thanh tra cũng thật tình cờ. Khi đó, là sinh viên mới ra trường, tôi có tham gia làm hướng dẫn viên du lịch và làm gia sư. Trong câu chuyện với phụ huynh học sinh, được biết cơ quan Thanh tra Nhà nước có những chương trình hợp tác với Cộng hòa Pháp, có nhu cầu tuyển dụng, lại đúng chuyên ngành vừa tốt nghiệp nên tôi đã nộp hồ sơ xin việc và được tiếp nhận”, chị Hiền chia sẻ.

Làm công tác biên dịch tài liệu, kiêm công tác trị sự tại Tạp chí Thanh tra được 3 năm, lúc này, chị cũng vừa tốt nghiệp thêm văn bằng Luật và cũng muốn thử sức trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nên đã xin chuyển về Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Thông tin (NCKH&TT) Thanh tra.

Đến năm 2003, Viện Khoa học Thanh tra được thành lập trên cơ sở tiền thân là Trung tâm NCKH&TT Thanh tra.

Khi mới thành lập, nhân sự của Viện chỉ có dăm ba người. Có thể nói, chị là một trong những người góp một phần công sức trong việc đặt nền móng cho sự ra đời của Viện Khoa học Thanh tra (nay là Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra).

Cũng theo chị Hiền, thời điểm còn là Trung tâm NCKH&TT Thanh tra thì cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm. Hầu hết các đề tài khoa học đều do các cục, vụ thuộc Thanh tra Chính phủ triển khai. Thời gian đó cũng có các đề tài khoa học cấp bộ, cấp cơ sở nhưng số lượng rất ít do kinh phí hạn hẹp. Từ khi Viện Khoa học Thanh tra được thành lập (năm 2003) đến nay, công tác nghiên cứu khoa học đã dần đi vào nền nếp và được đẩy mạnh hơn. Số lượng đề tài tăng, chất lượng cũng ngày càng được nâng cao.

Theo sự nghiệp nghiên cứu khoa học từ khi còn là Trung tâm nhưng do chuyên môn chưa được đào tạo sâu nên chị chỉ tham gia hỗ trợ. Đến nay, chị đã là chủ nhiệm 1 đề tài khoa học cấp bộ và 8 đề tài cấp cơ sở.

"Công tác nghiên cứu khoa học đã khó, đối với cán bộ nữ lại càng khó hơn bởi đòi hỏi phải có sự đam mê, cố gắng và lòng kiên trì; vốn kiến thức phải thường xuyên được cập nhật. Đồng thời, phải chấp nhận hy sinh và chịu thiệt thòi. Bên cạnh đó là phải biết sắp xếp thời gian hợp lý, bởi tham gia công tác nghiên cứu, người cán bộ phải cân bằng giữa cuộc sống gia đình với công việc. Ngoài công việc xã hội, phụ nữ còn có thiên chức làm mẹ, làm vợ, phụng dưỡng bố mẹ già, quán xuyến công việc gia đình. Trong thực tế, nhiều người vẫn đặt gia đình, chồng, con lên trên hết rồi mới đến công việc. Thành ra thời gian dành cho công tác nghiên cứu khoa học còn rất hạn chế", chị Hiền tâm sự.

Ngoài những lúc làm việc căng thẳng, các chị em ở Viện còn thường xuyên tổ chức buổi giao lưu, dã ngoại tạo sự gắn kết trong cơ quan. Ảnh: PH

Cũng theo chị Hiền, một điểm hạn chế nữa là nữ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học ít được động viên, tạo điều kiện tham gia nghiên cứu từ gia đình, xã hội. Ở đâu đó vẫn còn có sự phân biệt, định kiến về giới trong công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều khi, xã hội chưa thực sự đánh giá cao vai trò của người phụ nữ khi họ đưa ra các ý tưởng khoa học. Dường như sự tin tưởng vào phụ nữ chưa đạt tới mức độ có thể giải quyết được vấn đề. Còn có sự e ngại vào nữ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học.

Thêm vào đó, độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới sớm hơn nam giới 5 năm. Khi mà độ tuổi đủ chín và phát huy tốt việc đóng góp thì cán bộ nữ lại cận kề độ tuổi nghỉ hưu nên ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian có thể cống hiến cho công việc cũng như quá trình đào tạo, phát triển tài năng.

Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra dù mới được thành lập, tuổi đời còn khá trẻ, đội ngũ cán bộ của Viện cũng trẻ, nhưng số cán bộ nữ chiếm tới gần 50%. Cán bộ nữ trẻ có lợi thế là năng động, tích cực, nhưng lại có yếu điểm là trong thời gian sinh nở, nuôi con nhỏ việc bố trí thời gian dành cho công việc, học tập nâng cao trình độ, cập nhật thông tin, kiến thức cũng bị ảnh hưởng, thậm chí thiếu cả thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân.

Song, với sự quyết tâm, cố gắng vượt qua chính mình, đội ngũ cán bộ nữ của Viện đã không ngừng vượt khó, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Đến nay, nhiều chị em bảo vệ xong luận án tiến sĩ ở lứa tuổi còn khá trẻ (1 chị sinh năm 1979 và 1 chị sinh năm 1982). Ngoài ra, còn có 2 cán bộ nữ sinh năm 1981 và 1989 cũng chuẩn bị bảo vệ luận án. Số cán bộ nữ có trình độ thạc sĩ 4 người. Tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng của Viện là 30%.

“Trong hơn 20 năm công tác, từ khi là đơn vị tiền thân đến khi thành lập Viện, chị có quá trình khá dài tham gia công tác Công đoàn Viện và của Thanh tra Chính phủ, hiểu được những khó khăn vất vả của chị em làm công tác thanh tra, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học, nên chị thường xuyên có những kiến nghị, đề xuất tổ chức các hoạt động xã hội thu hút chị em tham gia. Đối với các chị em trong độ tuổi sinh nở, con nhỏ, luôn chăm lo, tạo điều kiện bố trí công việc hợp lý để chị em có thời gian chăm sóc con cái và lo toan công việc gia đình” - chị Hiền chia sẻ.

Chị Hiền cũng cho biết, những năm gần đây, Công đoàn Cơ quan Thanh tra Chính phủ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Những dịp lễ như Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 không bao giờ thiếu những hoạt động giao lưu dã ngoại hay tổ chức giao lưu ngay tại cơ quan thu hút sự tham gia của chị em. Qua những lần gặp gỡ này, thấy tình cảm của toàn thể cán bộ nữ cơ quan Thanh tra Chính phủ thêm phần khăng khít, là nguồn động viên lớn đối với chị em trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.

"Nhân dịp Kỷ niệm 88 năm Ngày Thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thay mặt chị em công tác Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, xin phép được gửi lời chúc mừng tới toàn thể chị em trong ngành Thanh tra lời chúc tốt đẹp, chúc chị em luôn thắp lửa cho hạnh phúc gia đình và thành công nhiều hơn nữa trong sự nghiệp", chị Hiền nói.

Phương Hiếu

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/phu-nu-lam-nghien-cuu-khoa-hoc-kho-tram-be_t114c1059n140102