Phụ nữ rất cần sự quan tâm, chia sẻ

Bất kỳ mối quan hệ nào, sự quan tâm, chia sẻ cũng là điều cực kỳ cần thiết. Do đặc điểm về thể chất và tâm sinh lý, người phụ nữ càng cần được quan tâm chia sẻ nhiều hơn.

Trong gia đình, mối quan hệ vợ chồng bị chi phối rất nhiều bởi những công việc không tên, cả hai cùng gánh vác chứ không nghiêng về phía nào. Từ tâm tư, tình cảm đến việc con cái, cơm nước, nhà cửa... Tuy nhiên, các ông chồng thường hay “đổ” cho vợ trong khi lẽ ra phải “chia đều trách nhiệm” với nhau.

Vai trò của người phụ nữ ở thời đại mới không còn bị đóng khung trong gian nhà bếp, hay việc đồng áng như xưa... Bây giờ, họ đã ra ngoài xã hội để bươn chải kiếm sống hay công tác cơ quan này, xí nghiệp nọ, thậm chí chị em còn tham gia hoạt động xã hội, chính trị nhiều hơn trước. Cho nên việc bếp núc, giặt giũ, con cái... thiết nghĩ người chồng cần phụ giúp vợ.

Do đặc điểm về thể chất và tâm sinh lý, người phụ nữ càng cần được quan tâm chia sẻ hơn.

Một món quà bất ngờ cho vợ con, tuy nhỏ nhưng là ngọn lửa, giữ cho gia đình luôn ấm áp. Qua đó, làm tấm gương, gián tiếp giáo dục cho con cái trong nhà biết quan tâm hơn, có trách nhiệm hơn với các thành viên trong gia đình. Đó là sợi dây vô hình buộc chặt mọi người với nhau một cách bền vững.

Thực tế, không ít ông chồng ở thôn quê hiện nay vẫn còn lối quan niệm lỗi thời, cho rằng: “Đàn ông không xuống bếp”. Cho việc xuống bếp hoặc phụ công việc nhà là việc đàn bà, nó biểu hiện sự nhu nhược, sợ vợ. Họ lo ngại xã hội sẽ cười chê. Có khi đó là sỉ diện, hay họ lấy đó làm cớ để tránh né công việc. (Dù vậy nhưng khi đi nhậu, ông nào cũng hăng hái “nhảy vô’ làm mồi một cách phấn khởi).

Một món quà bất ngờ cho vợ, tuy nhỏ nhưng là ngọn lửa, giữ cho gia đình luôn ấm áp

Không ít ông chồng đi làm về lăn đùng ra xem ti-vi, đọc báo hay chơi game, mặc cho vợ tất bật với bộn bề công việc. Có người tan sở, rẽ vào quán vui chơi với bạn bè đến khuya mới mò về nhà đã say khướt, có khi còn sanh tật la mắng vợ con. Cái “điệp khúc” vô lý, bất công này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ đi đến mâu thuẫn, xung đột. Nếu không tìm ra hướng giải quyết, khắc phục sẽ dẫn đến tan vỡ gia đình. Hệ lụy trút hết cho con cái. Thiết nghĩ bậc làm cha làm mẹ nên lường trước điều không may ấy, đừng để xảy ra.

Có người định nghĩa hạnh phúc gia đình rất đơn giản nhưng vô cùng chí lý: “ Hạnh phúc là sáng muốn tới sở làm, chiều muốn về nhà”. Nếu như người phụ nữ đi làm về, ghé qua trường rước con, vội vã lao tới chợ mua thức ăn mà ông chồng vẫn chưa về tới, gọi điện thì tắt máy; con quấy rối, khóc la vì giành nhau đồ chơi hay gây nhau điều gì đó; một mình, tắm giặt cho con cái, cơm nước... thì làm sao người phụ nữ không nổi cáu. Ấy là chưa nói không ít ông chồng chơi tới khuya, bạn bè phải đưa về như “tải thương”!

Phụ vợ công việc nội trợ là cách quan tâm chia sẻ hữu hiệu nhất

Khi vợ có việc đi vắng, đàn ông ở nhà thay vai vợ thì quát tháo, thậm chí nổi trận lôi đình, trút bực dọc vào con cái như là sự oan ức mà họ phải một mình chịu đựng.

Thực tế cho thấy không ít đôi vợ chồng (nhất là vợ chồng trẻ) từ sự thiếu quan tâm, chia sẻ rất nhỏ trong công việc hằng ngày mà không khắc phục, đã dẫn con ra tòa ly hôn một cách... lãng nhách.

Quan niệm xã hội về gia đình lâu nay luôn cho thấy từng giai đoạn đều có sự thay đổi để thích nghi nhằm giữ giềng mối tốt đẹp, từ đó mang đến sự hòa thuận, hạnh phúc. Nếu người chồng nào cũng thay đổi nhận thức, hay ý thức được điều đó từ đầu, luôn quan tâm chia sẻ với người phụ nữ thì chắc chắn mái ấm gia đình sẽ luôn đầy ắp tiếng cười.

PHÙNG THUYÊN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/phu-nu-rat-can-su-quan-tam-chia-se-12771.html