Phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải: Linh hoạt để tăng hiệu quả

Sau gần 2 năm triển khai, Đề án 'Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025' của UBND tỉnh đã đem lại kết quả tích cực. Qua đó hạn chế tình trạng xả rác thải gây ô nhiễm, góp phần làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Phân loại tại nhà, ra bãi đổ chung

Qua gần 2 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Đề án), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới trong tuyên truyền, thu gom, phân loại rác thải.

Điển hình như: Hoạt động truyền thông về Đề án tại các huyện Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang; câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ thu gom phân loại, đổ rác thải đúng quy định” ở xã Tư Mại (Yên Dũng); mô hình xử lý rác hữu cơ tại bản La Xa, xã Đồng Vương (Yên Thế)...

Cán bộ Hội LHPN huyện Hiệp Hòa hướng dẫn hội viên phân loại rác thải sinh hoạt.

Đề án đã thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường trong hội viên phụ nữ, giúp người dân dần hình thành thói quen phân loại rác ngay tại gia đình. Lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường giảm đáng kể so với trước đây, không phát sinh điểm tồn lưu rác tại các khu dân cư. Bên cạnh những mặt tích cực, quá trình thực hiện Đề án cũng bộc lộ những vướng mắc, bất cập.

Theo chị Hoàng Thị Chiên, hội viên Chi hội Phụ nữ bản La Xa, xã Đồng Vương, một trong những khó khăn hiện nay là việc xử lý chất thải rắn nguy hại như pin, ắc quy, bóng đèn huỳnh quang, vỏ bình xịt, vỏ bình gas mini, vỏ hộp sơn, đồ điện tử... Hội viên tại địa phương mới chỉ gom gọn để tại gia đình mà chưa có nơi thu gom xử lý tập trung.

Bên cạnh đó, tại hầu hết các địa phương, rác thải sinh hoạt dù có phân loại tại hộ thì sau đó vẫn được nhân viên vệ sinh gom chung vào một xe để đem đi xử lý. Chị Vũ Thị Ngân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ninh Sơn (Việt Yên) cho biết: "Hầu hết các hộ trên địa bàn đều biết phân loại rác thải tại hộ và đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không có nơi nào để rác tồn lưu quá hai ngày. Tuy nhiên, sau khi phân loại tại hộ thì ở điểm tập kết rác của các ngõ chỉ có một thùng đựng chung, khâu thu gom sau đó cũng chỉ có một xe để chở đi".

Nhiều người dân có ý kiến rằng cần đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý; còn nếu đầu nguồn phân loại cuối nguồn đổ chung như vậy rất bất cập, lãng phí thời gian, công sức.

Cần đồng bộ các khâu

Theo Đề án, bên cạnh phân loại rác tại nguồn thì còn xử lý rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng. Tháng 11/2022, Hội LHPN huyện Lạng Giang thí điểm mô hình phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại 20 gia đình hội viên phụ nữ ở tổ dân phố Đồng 2, thị trấn Kép. Tham gia mô hình, các hội viên được hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải thành phân bón cho cây trồng và hỗ trợ thùng đựng rác hữu cơ, vô cơ, thùng ủ, chế phẩm sinh học. Từ khi thực hiện, mỗi gia đình giảm được 60% lượng rác thải phải tiêu hủy, thêm nguồn phân bón cho cây trồng.

6 tháng đầu năm, các cấp hội phụ nữ đã tặng hơn 10 nghìn chiếc xô, sọt rác, thùng đựng rác, túi đựng rác tự hủy, làn nhựa và 4 nghìn gói men vi sinh dùng để xử lý rác tại hộ gia đình.

Tuy nhiên, số hộ tham gia mô hình còn ít do nguồn kinh phí hỗ trợ mua dụng cụ và chế phẩm hạn hẹp, thời gian xử lý lâu. Thậm chí, một số địa bàn việc triển khai không đem lại hiệu quả, mô hình phải dừng hoạt động sau thời gian ngắn thực hiện.

Đơn cử tại thôn Tân Hưng, xã Tư Mại (Yên Dũng), mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ bằng chế phẩm hóa học của hội viên phụ nữ đã ngừng hoạt động chỉ sau hai tháng triển khai. Nguyên nhân là do quy trình thực hiện qua nhiều công đoạn. Người dân mất nhiều thời gian, công sức trong quá trình xử lý nhưng tỷ lệ thành công thấp.

Bên cạnh đó, phương pháp ủ rác hữu cơ để làm phân bón chỉ phù hợp với địa bàn nông thôn, khu vực miền núi, không phù hợp ở đô thị. Tại TP Bắc Giang, mỗi ngày đêm, toàn TP thu gom, vận chuyển, xử lý khoảng 160 tấn rác thải sinh hoạt. Rác thải sinh hoạt của các hộ dân hầu hết được cho chung vào một túi rồi để ra ngoài. Nhân viên vệ sinh gom vào xe đẩy rồi tập kết về các ga ép phường Thọ Xương, Trần Phú, Lê Lợi hoặc các điểm trung chuyển sau đó vận chuyển về bãi rác Đa Mai. Sau đó rác được chôn lấp chung chứ chưa xử lý riêng từng loại.

Thực hiện Đề án, đến nay, việc phân loại rác hầu hết mới được triển khai ở hộ gia đình còn khâu thu gom, xử lý sau đó vẫn chưa đồng bộ. Các đơn vị vệ sinh môi trường chưa thể phân loại hoặc chỉ phân loại được một lượng nhỏ do chưa có thiết bị, xe chuyên dùng để chứa rác hữu cơ và rác vô cơ riêng. Một số địa phương chưa bố trí được kinh phí hằng năm để thực hiện Đề án do nguồn ngân sách hạn hẹp. Tính đến tháng 6/2023, vẫn còn 18 xã thuộc các huyện: Yên Thế, Hiệp Hòa, Lục Ngạn chưa phê duyệt kinh phí thực hiện Đề án.

Đồng chí Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Với những nỗ lực trong triển khai Đề án, đến nay hầu hết các gia đình hội viên đều biết cách phân loại rác tại nguồn và nhận thức được lợi ích của việc làm này. Để Đề án triển khai hiệu quả hơn, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của hội LHPN các cấp trong tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện thì các đơn vị chuyên môn, địa phương trong tỉnh cần quan tâm đầu tư kinh phí, nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến để xử lý rác sinh hoạt, chất thải rắn; thực hiện đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển đến xử lý.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/407709/phu-nu-thu-gom-phan-loai-xu-ly-rac-thai-linh-hoat-de-tang-hieu-qua.html