Phụ nữ trên bước đường mưu sinh

Vượt qua bệnh tật, nỗ lực tự tạo việc làm,..., nhiều phụ nữ đã vươn lên, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nghề làm khô ở xóm Rỗi (khu phố 3, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình

Nghề làm khô ở xóm Rỗi

Trước kia, đi ghe đánh bắt cá là nghề truyền thống của người dân xóm Rỗi (khu phố 3, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước). Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người đi ghe đành ngậm ngùi bán ghe, lên bờ sinh sống do lớn tuổi, không còn đủ sức khỏe để đi đánh bắt xa bờ suốt nhiều tháng liền, còn người trẻ thì không muốn kế nghiệp. Theo đó, một số hộ đi làm công nhân, số còn lại bắt đầu “bén duyên” với nghề làm khô hoặc mua bán cá.

Nguyễn Thị Nga (70 tuổi, ngụ thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) cho biết: “Mấy năm trước, gia đình tôi cũng đi ghe nhưng giờ chuyển sang làm khô. Tôi mua cá sặt, cá tra, cá lóc,... từ chợ Bình Điền, TP.HCM về xẻ làm khô rồi bỏ mối lại cho các chợ. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi làm trên 300kg cá. Khô thành phẩm bán với giá từ 80.000-150.000 đồng/kg (tùy loại). Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình có thu nhập trên 500.000 đồng/ngày”.

Hiện xóm Rỗi có 5 hộ có thu nhập ổn định từ nghề làm khô. Trung bình, mỗi hộ làm từ 100-500kg khô/ngày. Để có được những mẻ khô ngon, bảo đảm chất lượng phải chọn cá tươi. Theo đó, từ 22 giờ hôm trước, những hộ này đến chợ Bình Điền mua cá về làm sạch, xẻ, ướp để sáng hôm sau phơi cho kịp nắng. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, khô có thể phơi 1 hoặc 2 nắng.

Trong lúc phơi phải thường xuyên trở bề để cá khô đều. Qua thời gian, nghề làm khô ở xóm Rỗi không chỉ tạo việc làm cho nhiều người mà còn góp phần tạo nên nét đặc trưng của địa phương.

Vượt qua nghịch cảnh

Năm 4 tuổi, bà Lê Thị Mỹ Hiệp (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) bị sốt bại liệt, 2 chân teo tóp, không đi lại được. Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bà phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ. Dù khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng bà Hiệp chưa bao giờ phó mặc số phận mà luôn cố gắng vươn lên. Bà dành dụm tiền mua xe lắc để đi bán vé số với mong muốn tự làm ra tiền nuôi sống bản thân, không làm gánh nặng cho người thân, gia đình.

Bà Hiệp bộc bạch: “Tôi khuyết tật đôi chân thì vẫn còn đôi tay, khối óc để lao động kiếm thu nhập, tự nuôi sống bản thân. Lúc mới sử dụng xe lắc, tôi cũng lóng ngóng lắm, té mấy lần. Mỗi lần như vậy lại tự động viên mình cố gắng hơn”.

Hoàn cảnh bà Hiệp khá neo đơn. Với thu nhập 100.000 đồng/ngày từ bán vé số, bà dùng để trang trải cuộc sống. Chia sẻ với hoàn cảnh này, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa thường xuyên vận động các nhà hảo tâm đến tặng quà, nhu yếu phẩm.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa - Lê Thị Ngọc Diễm cho biết: “Với quyết tâm không để phụ nữ khuyết tật nào bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, Hội đặc biệt quan tâm hỗ trợ 34 phụ nữ khuyết tật. Trong đó, những hộ còn khả năng lao động, có ý chí vươn lên trong cuộc sống sẽ hỗ trợ vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thủ Thừa; những hộ không còn khả năng lao động sẽ vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện tặng quà, nhận đỡ đầu. Qua đó, trên địa bàn xã có nhiều phụ nữ khuyết tật vượt khó, vươn lên, ổn định cuộc sống”./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phu-nu-tren-buoc-duong-muu-sinh-a166304.html