Phụ nữ Trung Quốc bị kỳ thị vì sảy thai

Bên cạnh nỗi đau mất con, nhiều phụ nữ ở xứ tỷ dân còn chịu nhiều điều tiếng, dị nghị ở nơi làm việc vì 'không làm tròn bổn phận người mẹ'.

Kể từ những năm 1950-1960, Trung Quốc và Ấn Độ là một trong những quốc gia sớm có quy định cho phép các cặp vợ chồng nghỉ có lương nếu không may sảy thai, theo SCMP.

Dong Yige, Phó giáo sư chuyên ngành Giới tính và Tình dục tại ĐH Buffalo (bang New York, Mỹ), cho biết từ năm 1961, phụ nữ ở Trung Quốc được hưởng quyền lợi trên, thể hiện bước tiến vượt bậc về quyền sinh sản của phái yếu.

 Những phụ nữ không may mất con trong quá trình mang thai ở xứ tỷ dân bị kỳ thị tại nơi làm việc. Ảnh: Yahoo Finance.

Những phụ nữ không may mất con trong quá trình mang thai ở xứ tỷ dân bị kỳ thị tại nơi làm việc. Ảnh: Yahoo Finance.

Nhưng thực tế, những người mẹ không may mất con trong quá trình mang thai ở xứ tỷ dân lại phải chịu sự kỳ thị nghiêm trọng, không được hưởng quyền lợi và phúc lợi chính đáng tại chỗ làm.

"Mang thai và sảy thai đều là quá trình tự nhiên, khó tránh khỏi và không thể đặt lên bàn cân để xem xét bên nào có giá trị hơn", phó giáo sư Dong nhấn mạnh.

Bị kỳ thị nơi công sở

Dù không có số liệu thống kê chính thức, một nghiên cứu trên 282.797 phụ nữ Trung Quốc có thai trong khoảng 2004-2008 do tạp chí BMC Medicine công bố chỉ ra có 10% trường hợp sảy thai.

Theo luật pháp hiện hành, nữ giới được phép nghỉ 15 ngày có lương khi không may mất con vào 4 tháng đầu thai kỳ, và 42 ngày nghỉ nếu sự việc xảy ra vào các tháng tiếp theo.

Jin Wang, luật sư thuộc công ty Buren ở Thượng Hải, cho biết chính quyền các tỉnh và thành phố buộc phải tuân theo quy định trên hoặc đề ra các yêu cầu cụ thể, chặt chẽ hơn, bao gồm chế tài xử phạt nếu các công ty không tuân thủ.

Tại Trung Quốc, phụ nữ được công nhận khi sinh con và bị chỉ trích "không có khả năng làm mẹ" nếu chẳng may sảy thai. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, bản thân nhân viên nữ khó có thể xin nghỉ dễ dàng do mỗi nơi có thủ tục xin nghỉ phép riêng.

"Họ có thể yêu cầu nhân viên cung cấp giấy tờ chứng minh tình trạng sức khỏe, bệnh án, ghi chú từ bác sĩ... để có thể cho phép nghỉ sảy thai", luật sư Wang nói.

Bên cạnh thủ tục phức tạp, nhiều người còn do dự không dám xin nghỉ phép vì sợ bị kỳ thị tại nơi làm việc.

Joy Lin, nhà sáng lập sáng kiến về quyền phụ nữ Wequality, nói với SCMP rằng bất chấp luật pháp, phụ nữ Trung Quốc ngại nộp đơn xin nghỉ vì không muốn cấp trên và đồng nghiệp nghĩ mình "không làm tròn trách nhiệm người mẹ".

"Sinh con thì được coi trọng, tôn vinh vì bạn đang đóng góp cho xã hội. Song, những điều còn lại như kinh nguyệt, sảy thai... đều bị coi là đáng xấu hổ", Lin nói.

Nhà sáng lập Wequality nói thêm: "Nếu xin nghỉ, đồng nghiệp sẽ đặt câu hỏi 'Vì sao bạn lại để bản thân sảy thai?'. Họ cho rằng người đó quá bất cẩn, hoặc có quá nhiều bạn tình".

Không được hưởng quyền lợi

Thực tế, luật pháp hiện hành cũng khiến rất nhiều nhân viên nữ không dám đòi quyền lợi thai sản, nhất là những người làm việc trong các ngành kinh tế phi chính thức.

"Đối với lao động phi chính thức, hầu hết không được hưởng bảo hiểm xã hội. Họ bán thời gian và kỹ năng như một sản phẩm", Lin lý giải nỗi khổ của những chị em làm ở lĩnh vực giải trí, giao hàng hay dịch vụ.

Do không làm công việc văn phòng ổn định, nhiều lao động nữ tại Trung Quốc không dám xin nghỉ sau khi sảy thai vì sợ đánh mất công việc hiện tại. Ảnh: NCB News.

Cô cho biết nếu các lao động nữ vô tình bị sảy thai, họ không thể kiếm tiền khi nghỉ phép. Do đó, tỷ lệ nhân công xin nghỉ thậm chí còn thấp hơn tỷ lệ luân chuyển nhân lực tại các nhà máy, xí nghiệp.

"Phần lớn đều tới từ vùng nông thôn, lưu trú tại đây để kiếm thêm thu nhập. Họ không dự định trở thành nhân viên chính thức nên rất khó để xin nghỉ phép trong tình huống này", Lin kể.

Song, phó giáo sư Dong cho biết cô nhận thấy sự thay đổi khi ngày càng nhiều nhân viên nữ sẵn sàng đứng lên đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân, hoặc tìm tới các tổ chức xã hội để tìm sự giúp đỡ.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-trung-quoc-bi-ky-thi-vi-say-thai-post1203489.html