Phụ nữ và tham nhũng ở Mỹ Latin và vùng Caribbean

Lần đầu tiên, Phong vũ biểu Tham nhũng toàn cầu (GCB) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) thực hiện, nhấn mạnh các dữ liệu về 'tống tình', hối lộ tình dục - một trong những hình thức tham nhũng giới tính đáng chú ý nhất.

Ảnh: Transparency.org

Ảnh: Transparency.org

Theo TI, trong thập kỷ vừa qua, phụ nữ trên khắp Mỹ Latin và vùng Caribbean đã lên tiếng mạnh mẽ hơn bao giờ hết để hỗ trợ quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái.

Từ Argentina tới Costa Rica, Brazil tới Mexico, phụ nữ đang tuần hành vì sức khỏe sinh sản, yêu cầu hành động và xây dựng một phong trào phụ nữ mạnh mẽ, năng động để tiếng nói của họ được lắng nghe.

Nghiên cứu mới

Nghiên cứu mới đây của TI cho thấy một số hình thức tham nhũng ảnh hưởng không công bằng đối với phụ nữ, trong khi trong lịch sử trước đây có rất ít dữ liệu về điều này.

Phong vũ biểu Tham nhũng toàn cầu do TI thực hiện, phát hành về Mỹ Latin và vùng Caribbean là một bước quan trọng để hiểu tham nhũng ảnh hưởng như thế nào tới phụ nữ.

Lần đầu tiên, GCB nhấn mạnh các dữ liệu về “tống tình”, hối lộ tình dục - một trong những hình thức tham nhũng giới tính đáng chú ý nhất. GCB cũng đưa ra các dữ liệu mới về trải nghiệm hối lộ của phụ nữ.

Tiếp cận dịch vụ công

Là người chăm sóc chính cho gia đình, phụ nữ thường phải dựa vào các dịch vụ công. Điều này cũng khiến họ dễ bị tổn thương hơn khi phải đối mặt với một số hình thức hối lộ.

Theo TI, phụ nữ thường xuyên phải hối lộ để có được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phụ nữ có trình độ học vấn cao dễ bị tổn thương hơn khi phải đưa hối lộ trong các trường công. So với phụ nữ giàu có, phụ nữ nghèo dễ bị tổn thương hơn khi phải đưa hối lộ cho các dịch vụ liên quan tới tòa án. Và, chỉ 1/10 phụ nữ phải đưa hối lộ trong 12 tháng vừa qua đã tố cáo việc này lên các nhà chức trách.

“Tống tình”

Khi tình dục là thứ được yêu cầu trao đổi, các bằng chứng chỉ ra phụ nữ là giới bị ảnh hưởng đặc biệt. Một số phụ nữ bị ép buộc phải trao đặc ân tình dục để nhận lấy các dịch vụ công, bao gồm chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Theo TI, trong 18 quốc gia được khảo sát, kết quả cho thấy, 1/5 số người được hỏi cho biết bị “tống tình”, đòi hỏi tình dục hoặc biết ai đó bị như vậy khi tiếp cận một dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe, giáo dục.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 71% số người được hỏi nghĩ rằng, tống tình thỉnh thoảng xảy ra như một hình thức của tham nhũng.

Phụ nữ nghĩ gì về tham nhũng?

Theo nghiên cứu của TI, bên cạnh những quan điểm khác, phụ nữ cũng cho rằng, tham nhũng là không thể chấp nhận; tham nhũng đang gia tăng và các chính trị gia đang lạm dụng vị trí, quyền lực của mình để tư lợi cá nhân.

Phụ nữ tố cáo tham nhũng không được cho là nghiêm trọng

Ở một số quốc gia, vẫn còn số đông phụ nữ nghĩ rằng, phản ánh của nam giới có nhiều khả năng dẫn tới hành động hơn là những phản ánh do phụ nữ đưa ra. Cụ thể: Ở Cộng hòa Dominica là 57%, Honduras và Guatemala là 51%.

Phụ nữ vẽ lên một bức tranh ảm đạm

Phụ nữ hay nghi ngại trong việc tố cáo tham nhũng và hoài nghi về việc những người dân bình thường có thể tạo nên sự thay đổi trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Phụ nữ cũng đã vẽ lên một bức tranh ảm đạm khi số ít cho rằng, mọi người có thể báo cáo tham nhũng mà không sợ bị trả thù.

Số ít phụ nữ nghĩ rằng, hành động thích hợp sẽ được thực hiện sau khi tố cáo tham nhũng.

Và số ít phụ nữ biết về quyền yêu cầu cung cấp thông tin từ các tổ chức công.

Khuyến nghị

Nghiên cứu của TI cho thấy một thực tế nghiệt ngã về quan điểm và trải nghiệm của phụ nữ về tham nhũng ở Mỹ Latin và vùng Caribbean. Tuy nhiên, thời gian một thập kỷ qua đã chỉ ra rằng, khi phụ nữ đồng loạt yêu cầu sự thay đổi, họ đã thành công ở một số quốc gia trong khu vực.

Theo TI khuyến nghị, để thúc đẩy quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái, lãnh đạo các Chính phủ trong khu vực nên:

- Xây dựng luật để đối phó và chấm dứt hối lộ tình dục, bảo đảm hệ thống tư pháp có các công cụ phù hợp để giải quyết các trường hợp tống tình, đòi hối lộ tình dục.

- Thu thập, phân tích và phổ biến các dữ liệu về giới trong tham nhũng.

- Hỗ trợ phụ nữ tham gia vào các vị trí trong khu vực công và lĩnh vực chính trị.

- Tính đến phụ nữ trong việc ra các quyết định chống tham nhũng.

- Trao quyền cho phụ nữ để tố cáo lạm dụng và bảo đảm rằng các cơ chế để thực hiện điều này là nhạy cảm về giới.

Chúng ta đang làm gì?

TI đã làm việc với 17 đại diện của mình trên khắp Mỹ Latin và vùng Caribbean để ủng hộ phụ nữ ở cấp cao nhất của Chính phủ và với các nhà hoạch định chính sách toàn cầu, khu vực và quốc gia.

Thêm vào đó, 10 đại diện của TI gần đây đã bắt đầu tiền hành một dự án nghiên cứu đa quốc gia để đánh giá các khung pháp lý liên quan đến nội dung “tống tiền”, đòi hối lộ tình dục và xác định các cải cách, đưa ra những khuyến nghị về chính sách.

Ở Guatemala, đại diện của TI, Accíon Ciudadana, đã tập huấn cho các lãnh đạo nữ trong việc giải quyết nạn tham nhũng, thực hiện việc kiểm toán xã hội và các hình thức khác nhau của vận động chính sách và sự tham gia của các công dân.

Ở Peru, đại diện của TI, Proética, đã tiến hành nghiên cứu để hiểu rõ hơn về mối liên kết giữa giới và tham nhũng ở cấp quốc gia.

Ở Argentina và Mexico, TI cũng tiến hành nghiên cứu các vụ việc để đánh giá tác động mà những phụ nữ hoạt động chính trị gặp phải trong khi nỗ lực chống tham nhũng.

Bạn có thể làm gì?

Theo TI, hãy tố cáo khi bị yêu cầu hối lộ tình dục. Tìm một Trung tâm Tư vấn pháp lý và bào chữa (ALAC) gần bạn để tố cáo mọi trường hợp “tống tình”. Gặp gỡ và thông tin với các phương tiện truyền thông xã hội. Lan tỏa về cách mà tham nhũng ảnh hưởng đến phụ nữ. Liên lạc với đại diện của TI ở địa phương để xem làm thế nào bạn có thể được giúp đỡ.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/phu-nu-va-tham-nhung-o-my-latin-va-vung-caribbean_t114c52n154378