Phụ nữ Việt Nam: Niềm tự hào và mong muốn

Trong hành trình dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước, người phụ nữ Việt Nam thời nào cũng đóng vai trò quan trọng không chỉ trong gìn giữ nếp nhà, bảo tồn văn hóa, bảo tồn nòi giống, nuôi dạy con cái,…

Trong hành trình dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước, người phụ nữ Việt Nam thời nào cũng đóng vai trò quan trọng không chỉ trong gìn giữ nếp nhà, bảo tồn văn hóa, bảo tồn nòi giống, nuôi dạy con cái,… mà nhiều người đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong tạo và dạy nghề mới cho cư dân, lãnh đạo các cuộc đấu tranh với giặc ngoại xâm để giành lại nền độc lập,... Điều này thể hiện rất rõ không chỉ ở tục thờ Mẫu mà hiện hữu rõ ràng trong hệ thống lễ hội, đền thờ các vị anh hùng có công với nước ở các địa phương trên cả nước.

Nói về vai trò của người phụ nữ trong lịch sử dựng nước, giữ nước và dựng xây đất nước, sinh thời Bác từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... ‘’Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”... “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.

Về điều này, xin được nhắc lại một đoạn trong phát biểu của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump tại APEC CEO Summit Việt Nam 2017: “Có một thứ tình cảm bừng cháy trong tâm trí của tất cả những người yêu nước và mọi quốc gia. Nước chủ nhà Việt Nam ở đây đã biết đến thứ tình cảm này không chỉ trong vòng 200 năm mà gần 2.000 năm. Đó là vào khoảng năm 40 sau Công nguyên, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là những vị anh hùng đầu tiên đánh thức tinh thần yêu nước trong lòng người dân Việt. Chính nhờ chiến công này mà sau đó, lần đầu tiên, người dân Việt nam đã đứng lên để giành lại độc lập của mình với niềm tự hào dân tộc.”

Trải qua gần 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là hơn 70 năm kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được Bác khai sinh, quyền bình đẳng của người phụ nữ Việt Nam từng bước được thực hiện. Ngay sau Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), phụ nữ Việt Nam đã được học tập, làm việc, được trả thù lao tương xứng và nhất là, được quyền ứng cử, bầu cử. Những việc đó giờ rất đơn giản nhưng cách đây hơn 70 năm thì đó là cuộc cách mạng lớn.

Có thể khẳng định: Hiện nay, Việt Nam ta là một trong những quốc gia có thành tựu về bình đẳng giới cao được quốc tế ghi nhận. Liên Hợp quốc đánh giá việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình. Bên cạnh đó, nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội đã có nhiều tiến bộ, không chỉ ở nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo mà cả ở những phụ nữ làm nông ở nông thôn.

Một tin vui nữa của ngày 8/3 năm nay là, trong số 4 tỷ phú đôla của Việt Nam được thế giới công nhận có một phụ nữ. Đó là không kể hàng vạn doanh nhân, CEO là nữ đang ngày đêm đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Tuy vậy, để đạt được mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động không phải là điều dơn giản vì nguồn lực cho bình đẳng giới chưa đáp ứng được yêu cầu. Thêm vào đó, tư tưởng trọng nam vẫn còn tồn tại sâu trong xã hội, thể hiện trên rất nhiều mặt, nhất là chế độ đối với lao động nữ chưa phù hợp,…

Nếu giải quyết được những vấn đề trên, sự góp sức của trên 50% lực lượng lao động sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Bài học Nhật Bản cần được nghiên cứu để tạo sự thay đổi. Năm 2012, khi ông Shinzo Abe tái đắc cử Thủ tướng, ông nêu khái niệm “womenomics” và khẳng định: “Nếu phụ nữ tỏa sáng, Nhật Bản sẽ càng tỏa sáng hơn”. Thực tế là, từ năm 2012-2016 đã có thêm 1,5 triệu phụ nữ Nhật tham gia thị trường lao động và số phụ nữ làm các vị trí quản lý tăng gấp đôi. Cũng trong thời gian này, số tiền các tập đoàn Nhật Bản kiếm được tăng 55% và tổng GDP của Nhật Bản cũng tăng lên 9%. Cùng với đó, Nhật Bản đạt tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử (cần biết rằng, trước đây, phụ nữ Nhật hầu như không đi làm).

Ý kiến bạn thế nào? Bạn có thể gửi ý kiến của mình vào Email: baoktnt@vnn.vn

Hiền Trang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/phu-nu-viet-nam-niem-tu-hao-va-mong-muon-post17690.html