'Phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh không đứng phía sau nữa'

Tại tọa đàm về phụ nữ do Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM tổ chức, các diễn giả đồng ý rằng bất bình đẳng giới là vấn đề mang tính hệ thống và đặt ra định mức là giải pháp hiệu quả.

“Ở một ngôi trường dành cho nữ sinh có tên là Pembroke ở Rhode Island từng có một người phụ nữ thông minh. Cô thích nói về chính trị và muốn trở thành nhà ngoại giao để giúp thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn. Người phụ nữ này đã nói với một nhà ngoại giao mong ước của mình, nhưng chỉ nhận được câu trả lời ‘Cô sẽ không bao giờ trở thành nhà ngoại giao vì cô là phụ nữ’. Và người phụ nữ với ước mơ bị thui chột đó, chính là bà của tôi”.

Đó là cách Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Marie Damour mở đầu buổi tọa đàm về phụ nữ diễn ra ngày 5/3 tại Trung tâm Mỹ.

Bên cạnh bà Damour, sự kiện còn có sự tham gia của Tổng lãnh sự Australia Julianne Cowley, Tổng lãnh sự Đức Josefine Wallat, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu và hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM Tôn Nữ Thị Ninh và Tổng lãnh sự Hà Lan Carel Richter.

Thách thức mà phụ nữ ở vị trí lãnh đạo phải đối mặt, cách chống lại định kiến đối với phụ nữ và giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới là các vấn đề được các nhà lãnh đạo trên thảo luận trong tọa đàm.

Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Marie Damour phát biểu mở màn buổi tọa đàm. Ảnh: Như Trần.

Nguồn cảm hứng của các nhà lãnh đạo

Những nhà ngoại giao thành công này đều có một nữ lãnh đạo họ ngưỡng mộ.

Với Tổng lãnh sự Đức Wallat, người phụ nữ đã truyền cảm hứng cho bà là Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden.

“Một trong những khoảnh khắc khiến tôi ấn tượng sâu sắc là vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo Christchurch ở New Zealand khiến 51 người chết. Bà Arden đã phản ứng lại vụ tấn công theo cách rất tuyệt vời”, bà Wallat nói trong tọa đàm.

“Bà ấy tuyên bố sẽ không nhắc đến tên của người xả súng để ông ta không có được sự nổi tiếng sau vụ tấn công. Lời nói đó có ảnh hưởng sâu sắc với tôi, vì nó cho thấy cảm xúc của thủ tướng. Sau đó, bà Arden thúc đẩy việc loại bỏ vũ khí bán tự động. Đó là cách rất hay để xử lý tình huống”, tổng lãnh sự Đức chia sẻ.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden đã truyền cảm hứng cho Tổng lãnh sự Đức Josefine Wallat. Ảnh: Reuters.

Nguồn cảm hứng của Tổng lãnh sự Australia Cowley là một người đồng hương của mình, nhà hoạt động người Australia bản địa Pat Turner. Bà Turner từng làm việc trong hệ thống dịch vụ công từ năm 1972.

“Khi bà Turner đến Canberra làm việc, chỉ có 20 vị trí cho người bản địa trong hệ thống dịch vụ công. Vì vậy, tôi nghĩ việc bà Turner có thể tham gia vào hệ thống vốn không dành cho người như bà ấy là điều phi thường”, tổng lãnh sự Australia cho biết.

Trong khi đó, cựu Đại sứ Việt Nam tại EU Tôn Nữ Thị Ninh bày tỏ sự ngưỡng mộ nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

“Bà Nguyễn Thị Bình gắn với nhiều cái đầu tiên. Bà là bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nữ bộ trưởng đầu tiên của ngành ngoại giao Việt Nam. Trong thời gian đàm phán hiệp định Paris, bà là trưởng đoàn đàm phán của miền Nam”, bà Ninh nói.

“Tôi rất ấn tượng với hành trình của bà ấy và tấm gương bà ấy tạo nên cho những phụ nữ muốn làm chính trị, ngoại giao”, nhà ngoại giao kỳ cựu này chia sẻ.

Nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ Madeleine Albright là người để dấu ấn sâu sắc với Tổng lãnh sự Mỹ Damour.

“Tôi vinh dự được làm việc với bà Albright khi bà còn là ngoại trưởng. Đó là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển sự nghiệp của tôi. Với tôi, điều thú vị nhất là thấy người phụ nữ này lấy bằng tiến sĩ sau khi sinh đôi, và vẫn tận tâm giải quyết các vấn đề ở Trung Đông”, bà Damour cho biết.

Vấn đề mang tính hệ thống

Mặc dù thế giới đã có thêm nhiều nữ lãnh đạo quyền lực như Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, phụ nữ rõ ràng vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc đạt được sự bình đẳng với các đồng nghiệp nam.

Tổng lãnh sự Hà Lan Richter cho rằng đây là một vấn đề mang tính hệ thống.

“Rào cản này bắt nguồn từ gốc rễ nền văn hóa của chúng ta, từ cách những đứa trẻ được nuôi dạy”, ông Richter nhận định.

Và định kiến không chỉ đến từ đàn ông. Tổng lãnh sự Đức Wallat chỉ ra rằng ở Đức, một số phụ nữ cố gắng tỏ ra khách quan đến nỗi họ không dám giúp đỡ những phụ nữ khác.

Các nhà ngoại giao còn lại cũng đồng ý rằng bất bình đẳng giới là vấn đề đến từ văn hóa và hệ thống.

“Báo chí chỉ quan tâm đến việc Ngoại trưởng Albright đeo ghim cài áo gì, váy của bà dài đến đâu mà bỏ qua những thành tựu của bà. Trong khi đó, không ai bình luận về kiểu tóc của ông Warren Christopher (người tiền nhiệm của bà Albright) cả”, Tổng lãnh sự Mỹ Damour kể lại.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright là người bà Damour ngưỡng mộ. Ảnh: CPR News.

“Tôi đồng ý với Richter rằng vấn đề nằm ở văn hóa. Vì vậy, rất khó để thay đổi. Chúng ta không chỉ thay đổi cách thức tuyển dụng, đánh giá nhân viên mà gần như đang phải thay đổi toàn bộ xã hội”, bà Damour nói thêm.

Phụ nữ Việt Nam xuất hiện ở phía trước trong vai trò lãnh đạo

Từng có thời gian làm việc ở Việt Nam trước khi trở thành tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, bà Damour nhận thấy công cuộc giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam có nhiều tiến triển.

“Khi tôi ở Việt Nam năm 2002, mọi người thường nói phía sau một người đàn ông thành công đều có một người phụ nữ. Lần này, tôi quay lại và nhận thấy phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh không đứng phía sau nữa. Họ xuất hiện ở phía trước trong vai trò lãnh đạo. Tôi luôn vô cùng ấn tượng về vai trò mạnh mẽ của phụ nữ trong đời sống kinh tế của Việt Nam”, tổng lãnh sự Mỹ chia sẻ.

Bà Ninh cũng đồng ý rằng sau Đổi Mới, nhiều công ty hàng đầu Việt Nam có lãnh đạo là phụ nữ. Vì vậy, phụ nữ Việt Nam không còn phải chứng minh năng lực, tính cách, khả năng của họ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh (giữa) và Tổng lãnh sự Australia Julianne Cowley (phải) cùng Tổng lãnh sự Mỹ Damour tại tọa đàm. Ảnh: Như Trần.

Tuy nhiên, theo bà Ninh, Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức từ thành công của chính mình trong vấn đề này.

“Về mặt kinh tế, Việt Nam tiến bộ vượt bậc khi có 33% lãnh đạo doanh nghiệp là nữ. Nhưng về số lượng phụ nữ tham chính, chúng tôi gần như dậm chân tại chỗ”, bà Ninh cho biết.

Trách nhiệm tập thể

Để chống lại định kiến đối với phụ nữ, các nhà ngoại giao cũng nêu ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tọa đàm.

“Tôi muốn gửi thông điệp với những người đàn ông ở vị trí lãnh đạo rằng hãy tìm một người phụ nữ thay thế bạn. Hãy mở ra cánh cửa, tài trợ, xác định và giao những việc quan trọng cho phụ nữ”, Tổng lãnh sự Australia Cowley nói.

Ông Richter cũng cho rằng xóa bỏ rào cản với phụ nữ là “trách nhiệm tập thể”, và đàn ông cũng có vai trò trong việc này.

“Vì đây là vấn đề mang tính hệ thống, chúng ta cần phải thay đổi văn hóa, thay đổi cách suy nghĩ rằng một công việc nào đó chỉ dành riêng cho nam giới hay nữ giới. Thật tệ khi đàn ông được ở những vị trí có quyền không chọn phụ nữ làm lãnh đạo và bỏ phí tài năng của những phụ nữ đó”, ông Richter chia sẻ.

Từ trái sang: Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Tổng lãnh sự Australia Julianne Cowley, Tổng lãnh sự Đức Josefine Wallat, Tổng lãnh sự Hà Lan Carel Richter. Ảnh: Như Trần.

Và các nhà ngoại giao đều đồng ý rằng định mức là giải pháp trước mắt có thể giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.

“Không ai tự nguyện rời bỏ quyền lực. Để buộc một người nhường lại ghế mà không gây ra mâu thuẫn cá nhân, chúng ta phải thay đổi cấu trúc. Tôi nghĩ đặt ra định mức là cách duy nhất để làm điều đó. Hiện tại, tỷ lệ nữ lãnh đạo có thể là 30-40% và sau đó, chúng ta có thể nhắm đến 50%”, bà Wallat, Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM, nói.

Bà Cowley cũng chia sẻ câu chuyện về thành công của việc đặt ra định mức phụ nữ trong Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Australia.

“Chúng tôi nhận ra rằng 75% vị trí đại sứ, cao ủy và những vị trí cấp cao trong các bộ đó là đàn ông, và chúng tôi bắt đầu xem xét những nơi Australia chưa từng cử nữ đại diện đến. Chúng tôi đã thay đổi trong 5 năm, và giờ hơn 40% vị trí đó do phụ nữ đảm nhiệm”, tổng lãnh sự Australia nói thêm.

Chung tay hành động

Tổng lãnh sự quán các nước ở TP.HCM đang thực hiện nhiều chương trình để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển khả năng của mình.

Trao đổi với Zing, Tổng lãnh sự Mỹ Damour cho biết tại Trung tâm Mỹ đang có một số chương trình khuyến khích vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực được coi là của nam giới.

“Chúng tôi có một câu lạc bộ nữ doanh nhân, nữ lãnh đạo ở Trung tâm Mỹ để phụ nữ có diễn đàn để nói về những chủ đề họ quan tâm. Chúng tôi cũng hợp tác với các đồng nghiệp tại Việt Nam về các vấn đề như buôn người và bạo lực gia đình”, bà Damour nói.

Các nhà ngoại giao đã thảo luận nhiều giải pháp và kêu gọi chính phủ cùng cộng đồng chung tay xóa bỏ bất bình đẳng giới. Ảnh: Như Trần.

Hai lần mỗi năm, Tổng lãnh sự quán Đức tại TP.HCM cũng tổ chức hoạt động để các nữ doanh nhân gặp gỡ và trao đổi.

“Chúng tôi cố gắng kết nối phụ nữ trong giới doanh nghiệp Đức ở TP.HCM lại với nhau. Chúng tôi cũng giới thiệu nữ diễn giả cho các sự kiện của Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam để họ biết phụ nữ cũng có thể làm tốt vai trò đó, vì đàn ông chiếm đa số trong cộng đồng này”, bà Wallat nói với Zing.

Tổng lãnh sự quán Australia tại TP.HCM chọn cách thách thức cách doanh nghiệp và nhà lãnh đạo đưa ra lời hứa của mình.

“Mỗi năm, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị về bình đẳng giới. Vài năm trước, chúng tôi thách thức các nhà lãnh đạo nam hứa sẽ không phát biểu ở hội thảo nếu nơi đó không có nữ diễn giả. Chúng tôi cũng yêu cầu họ làm một số hoạt động và tạo ra sự thay đổi bên trong doanh nghiệp của mình. Năm nay, chúng tôi sẽ mời các doanh nghiệp đó quay lại hội nghị và lắng nghe những kết quả họ đạt được”, bà Cowley chia sẻ với Zing.

Như Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-viet-nam-trong-linh-vuc-kinh-doanh-khong-dung-phia-sau-nua-post1190384.html