Phụ nữ xã Tân Thành thi đua phát triển kinh tế

Với nghị lực, ý chí quyết tâm thoát nghèo, nhiều phụ nữ xã Tân Thành (Bắc Quang) đã mạnh dạn, tự tin đầu tư phát triển kinh tế với các mô hình hay và hiệu quả. Từ kết quả đạt được, không chỉ giúp chị em khẳng định vị trí của mình trong gia đình mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH trên địa bàn xã.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Thành có 780 hội viên, sinh hoạt ở 12 chi hội. Với phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế”, nhiều hội viên đã vượt qua khó khăn, tự tin, mạnh dạn đầu tư làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Hiện, xã có nhiều mô hình phát triển kinh tế do chị em lên ý tưởng và thực hiện, trong đó tập trung chủ yếu vào chăn nuôi lợn, trồng cam, trồng hoa, trồng chè,... cho thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/năm.

Chị Hoàng Thị Loan, thôn Tân Tấu là một trong những hội viên thành công từ mô hình trồng hoa, quất cảnh của xã. Nói về lý do lựa chọn phát triển kinh tế theo hướng đi này, chị Loan chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu chơi hoa và quất vào dịp Tết của người dânkhá lớn, mình đã nung nấu ý tưởng trồng hoa và quất để vừa đáp ứng được nhu cầu của mọi người, vừa tận dụng hiệu quả diện tích đất vườn của gia đình. Mình quyết định vay vốn từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất mà Hội LHPN xã triển khai để có vốn thực hiện. Lúc mới bắt tay vào làm cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhưng từ quyết tâm của bản thân, sự ủng hộ của gia đình, mình đã thành công và được khách hàng biết đến.

Chị Hoàng Thị Loan (đội nón) giới thiệu về mô hình trồng quất cảnh của gia đình.

Thu nhập từ trồng hoa, quất cảnh sau khi đã trừ đi các khoản chi phí đầu tư, chị Loan thu được trên 200 triệu đồng/năm. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hiện chị Loan đang chăm sóc 300 chum quất cảnh, 400 bầu hoa Thược dược và dự tính sẽ bắt đầu bán tại thành phố Hà Giang từ ngày 15.12 âm lịch. Ngoài trồng hoa, quất cảnh chị Loan còn đầu tư thêm vào chăn nuôi với mô hình nuôi lợn lai rừng sinh sản và thương phẩm.

Cũng tại thôn Tân Tấu, mô hình nuôi lợn thương phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Trang đang nhận được chính quyền địa phương đánh giá cao từ cách thực hiện đến hiệu quả kinh tế. Bắt đầu nuôi lợn từ năm 2020, khi này đàn lợn của chị Trang chưa nhiều và thu nhập ở mức đủ chi phí sinh hoạt. Năm 2022, chị Trang bàn bạc cùng gia đình quyết định đầu tư và tăng số lượng đàn lợn. Hiện tại, tổng đàn lợn của chị là 130 con, thu nhập sau khi đã trừ các khoản chi phí đạt 240 triệu/năm.

Chị Trang tâm sự: Chăn nuôi cũng có nhiều rủi ro, nhưng hiệu quả kinh tế đem lại thiết thực nên trong quá trình xây dựng mô hình bản thân luôn nỗ lực tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống bệnh cho đàn vật nuôi. Từ kết quả đạt được như hiện nay, thời gian tới mình sẽ mở rộng mô hình thành trang trại lợn.

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành, Nguyễn Thị Thao cho biết: Các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế đã phát huy được tính hiệu quả, nhận được sự đánh giá cao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Để tiếp tục thúc đẩy tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, tự tin đầu tư, mạnh dạn phát triển kinh tế của các hội viên, thời gian tới Hội LHPN xã sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức đưa hội viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm cũng như hỗ trợ tiếp cận các nguồn vay vốn để mọi người thực hiện ý tưởng của mình.

Bài, ảnh: Hồng Nhung

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202402/phu-nu-xa-tan-thanh-thi-dua-phat-trien-kinh-te-ca65a67/