Phú Quốc học được gì từ lần mở cửa của Phuket, Bali?

Với vị trí địa lý thuận lợi, dễ kiểm soát, cơ sở hạ tầng y tế tốt, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là điểm đến phù hợp để mở cửa một phần cho du lịch.

Giảng viên cao cấp và Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT

Với vị trí địa lý thuận lợi, dễ kiểm soát, cơ sở hạ tầng y tế tốt, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là điểm đến phù hợp để mở cửa một phần cho du lịch.

_______

Du lịch quốc tế đã bắt đầu phục hồi ở một số nơi trên thế giới và Việt Nam cũng sẽ không là ngoại lệ. Nhìn lại lịch sử ngành du lịch kể từ Thế chiến 2, ta có thể thấy hoạt động vui chơi, giải trí, các chuyến đi luôn bùng nổ sau các cuộc khủng hoảng. Điều tương tự sẽ xảy ra khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát hoặc cả thế giới học cách sống chung với nó, như các bệnh cúm khác.

Chọn Phú Quốc là địa phương đầu tiên thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong tháng 10, tôi cho là ý kiến hay. Nơi đây vốn là điểm du lịch được khách nước ngoài ưa chuộng, lại sở hữu vị trí địa lý biệt lập, dễ kiểm soát và có cơ sở hạ tầng y tế tốt.

Tuy nhiên, các biện pháp đảm bảo an toàn cũng như phòng chống dịch cần được người dân và du khách tuân thủ nghiêm ngặt. Cụ thể, 100% người dân và nhân sự làm việc tại Phú Quốc tiêm vaccine đầy đủ, du khách có giấy xác nhận tiêm phòng mới được phép đến đảo và chỉ ở trong một số khu vực nhất định. Ngoài ra, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cần thực hiện thường xuyên.

Bài học từ "Hộp cát Phuket"

Khoảng cuối tháng 8, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cộng với quy định gò bó khiến nhiều du khách quốc tế không mặn mà trở lại hòn đảo nổi tiếng Thái Lan. "Hộp cát Phuket" đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với Bali (Indonesia) trong cuộc chạy đua đón du khách quốc tế.

Tuy nhiên, gần đây 2 đảo này đang mở cửa trở lại. Thậm chí, Thái Lan còn bổ sung thêm một số địa phương bao gồm Chiang Mai và Bangkok vào danh sách mở cửa cho khách du lịch quốc tế. Vì vậy, theo tôi, điểm mấu chốt nằm ở việc điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp với trạng thái "bình thường mới của du lịch".

Việt Nam có thể rút ra một số bài học quý giá từ việc mở cửa trở lại của Phuket và Bali để thực hiện tốt kế hoạch khôi phục ngành du lịch.

Đầu tiên, các bên liên quan trong ngành du lịch, bao gồm chính phủ, hãng hàng không, khách sạn, đại lý du lịch, công ty lữ hành, các đơn vị quảng bá hình ảnh... cần nắm rõ thông tin kế hoạch mở cửa ngay từ đầu và được phép đưa ra ý kiến của mình.

Các khoản hỗ trợ tài chính được đánh giá cần thiết đối với ngành khách sạn, có thể thực hiện dưới hình thức giảm thuế, trợ cấp điện nước, giảm nợ, hay hỗ trợ nhân viên.

Sau nhiều tháng không hoạt động du lịch, việc thu hút và giữ chân nhân sự có năng lực trong lĩnh vực du lịch và khách sạn tại Việt Nam nói chung, tại Phú Quốc nói riêng rất quan trọng.

Dịch vụ logistics tốt giúp chuỗi cung ứng du lịch như nguyên liệu, vật tư, thực phẩm, đồ uống, các tiện ích... không bị gián đoạn. Nếu không có một chuỗi cung ứng mạnh mẽ, bất kỳ nỗ lực mở cửa trở lại nào cũng sẽ gặp khó khăn.

Nhìn chung, tôi cho rằng khâu chuẩn bị kỹ lưỡng, công tác truyền thông đầy đủ và triển khai nghiêm túc là yếu tố giúp việc mở cửa du lịch thành công ở Việt Nam. Thực hiện thành công kế hoạch thí điểm là tín hiệu rõ ràng rằng Việt Nam sẵn sàng và đủ an toàn để đón khách quốc tế quay trở lại vào năm 2022 và 2023.

Chọn lọc du khách từ quốc gia đã kiểm soát dịch bệnh

Tốc độ tiêm chủng cho công dân và người nước ngoài tại Việt Nam nhanh chóng là tin vui đối với khách du lịch quốc tế, cho thấy đất nước hình chữ S đang đạt được tiến bộ vượt bậc trong quá trình đánh bại dịch Covid-19.

Với điều kiện đủ vaccine, Việt Nam có thể dự kiến mở cửa du lịch quốc tế tại một số địa phương vào khoảng giữa đến cuối năm 2022, tương tự phương án mở cửa đang được đề xuất cho Phú Quốc.

Để thực hiện kế hoạch, ít nhất 70% dân địa phương phải được tiêm chủng nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, thường xuyên kiểm tra và xét nghiệm ổ dịch mới, có đầy đủ cơ sở y tế cần thiết, áp dụng hộ chiếu vaccine điện tử...

Bên cạnh đó, các điểm du lịch chỉ nên tiếp nhận người đến từ khu vực, quốc gia đã kiểm soát dịch bệnh hoàn toàn. Du khách được tiêm chủng đầy đủ và cần xét nghiệm Covid-19 ngay khi đặt chân đến Việt Nam.

Ở giai đoạn hiện tại, tốt hơn hết chúng ta nên cẩn thận và chậm rãi trong chiến lược phục hồi du lịch quốc tế. Việc vội vàng mở cửa lại các địa điểm có thể khiến cả nước đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch mới, thêm áp lực cho ngành y tế và gây tổn hại tới hình ảnh du lịch Việt Nam.

Xu hướng du lịch sau đại dịch

Dựa trên những gì đã xảy ra trong các giai đoạn khác trong lịch sử, chẳng hạn như khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khủng hoảng kinh tế Đông Á 1997-2001, suy thoái kinh tế toàn cầu 2007- 2009, tôi tin du lịch trong nước và quốc tế sẽ gia tăng mạnh mẽ. Điều này có khả năng xảy ra một lần nữa khi các chuyến du lịch bị trì hoãn quá lâu vì Covid-19.

Một khi đại dịch bị đánh bại, Việt Nam sẽ trải qua những năm mang tính bước ngoặt đối với cả du lịch nội địa và quốc tế.

Du lịch trong nước sẽ tăng mạnh, trọng tâm là các chuyến vui chơi kết hợp thăm bạn bè, người thân. Trong khi đó, teambuilding, du lịch tập thể có khả năng giảm vì nhiều công ty cần cân đối lại tài chính sau đại dịch.

Du lịch quốc tế tập trung vào đối tượng du khách trẻ tuổi từ các khu vực khác của Nam Á - những người cho rằng Việt Nam là vùng đất đáng đến một lần trong đời. Thị trường truyền thống Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ... sẽ tiếp tục duy trì. Khách du lịch từ các quốc gia "an toàn" như Canada, Australia, New Zealand... cũng gia tăng mạnh mẽ.

Đa dạng hóa thị trường là mục tiêu quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam trong vài năm tới.

Thảo Ly

Ảnh: Unsplash

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-quoc-hoc-duoc-gi-tu-lan-mo-cua-cua-phuket-bali-post1263682.html