Phú Quốc, ngọc trên tay người

Vừa rời khỏi sân bay Hàng không Quốc tế Phú Quốc, tôi đi thẳng tới Di tích Nhà tù - nơi từng giam giữ những cộng sản trực tiếp cầm súng chiến đấu chống Mỹ-ngụy. Mảnh đất này đã chứng kiến cảnh lính ngụy và giám thị nhà lao dùng đòn tra tấn để trả đũa cho những thất bại của chúng ở chiến trường lên thân thể người tù. Và tôi hiểu vì sao đảo Ngọc nổi danh với vẻ bình yên xanh tươi trên bản đồ du lịch thế giới này lại được hình dung như giọt lệ giữa biển khơi.

Kì 1: Bóng hùng xưa và nay

Đất thẫm máu đào

Sự kiện chiến tranh cuối cùng ở Nhà tù Phú Quốc diễn ra cách đây 3 năm, khi một đoàn cựu binh gồm những người từng bị giam giữ tại nhà lao cùng nhau trở lại nơi này, đối mặt với nhân chứng sống Trần Văn Nhu (thượng sĩ Bảy Nhu), viên cai ngục khét tiếng gian ác trực tiếp bẻ răng, xiên dùi nung đỏ vào da thịt, tra tấn tù nhân, hiện đang sống tại nhà riêng mé bên phải khu di tích nhà tù. Một cái ảnh bắt tay hòa giải giữa 2 bên sau nhiều năm vết thương chiến tranh không lành được đăng tải rộng rãi trên mặt báo. Có thể, Phú Quốc từ đó cũng cởi mở hơn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đối ngoại và giao thương. Năm 2010, cũng là thời điểm huyện đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang bắt đầu bước vào giai đoạn khởi động việc qui hoạch kiến thiết toàn diện để trở thành đặc khu kinh tế trong tương lai.

Ngư dân trở về từ biển trên cảng cá Hàm Ninh.

Tháng 7-2013, Khu kinh tế Phú Quốc chính thức được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Và giờ đây, khi đã trở thành một trung tâm thương mại và du lịch lớn của cả nước với những bãi biển hoang sơ thanh bình nổi tiếng thế giới, vẫn tồn tại ở đây một công trình tái hiện địa ngục trần gian: Nhà tù Phú Quốc. Ngay trước khu vực Bãi Sao, bãi biển trong lành nhất của hòn đảo là tượng đài căm thù hình Nắm Đấm tưởng niệm 4 ngàn liệt sĩ hy sinh vì đòn tra tấn tàn độc của cai tù Mỹ-ngụy. Những cuộn dây thép gai xếp lớp, hiện vật mô phỏng các cuộc tra tấn tù binh, di vật, ảnh tư liệu, trụ cổng cũ nhà tù còn lại ghi chữ QC (quân cảnh) và cả giọng nói như sắt nguội của cô gái thuyết minh đều khiến những người đến đây không khỏi rùng mình. Một vị chỉ huy chính trị Bộ Tư lệnh BĐBP khi tới đây đã khuyên những nhân viên thuyết minh ở nhà tù: Nếu có nhắc đến Bảy Nhu thì đừng nhắc tới việc con trai ông ta vướng mìn cụt chân như thể hứng quả báo. Nó làm cho người nghe dễ liên tưởng rằng cả dân tộc Việt vui mừng vì con ông ta vướng mìn.

Trong cuốn ký sự lịch sử "Nhà lao cây dừa" của nhà văn Chu Lai, ngoài chuyện người tù bị đày đọa được kể lại từ chính những nhân chứng còn sống, có thể nói, cả cuộc chiến tranh chống Mỹ đã được hình dung từ Phú Quốc. 40 ngàn chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tù đày ở đây khi ra đảo bằng trực thăng áp tải và 4 ngàn liệt sĩ nằm lại ngay dưới chân tượng đài Nắm Đấm, trong các hố chôn tập thể và dưới những tán rừng xanh bạt ngàn ở Phú Quốc. Mới đây, di tích được sửa sang lại, các chuồng cọp, khu biệt giam tái hiện chi tiết hơn. Một đường hầm được đào sâu trong lòng đất mô phỏng đường hầm đã từng được những người tù đào từ lòng nhà giam ra bên ngoài để vượt ngục. Men theo con đường dưới lòng đất này lên trên, khách tham quan dường như cũng được hưởng cảm giác tự do khi thoát khỏi hàng rào dây thép gai ra ngoài. Khi chúng tôi trồi lên mặt đất cuối đường hầm qua những cuộn dây thép, phía trước là một trảng cỏ màu lục tươi trong nắng chói chang, một người cắt cỏ thong dong ở gần đó giật mình quay lại. Anh ta đeo lủng lẳng ở lưng một chiếc radio nhỏ đang vẳng lại tiếng nhạc vui tai. Quả là một trải nghiệm địa ngục ở thiên đường du lịch không thể quên.

"Tinh thần Phú Quốc"

Giờ thì Phú Quốc được coi là Phu-kẹt thứ 2 của châu Á, với 3 mặt đảo đều có bãi biển dài cùng hệ thống dịch vụ du lịch đa cấp độ từ sang trọng cho tới bình dân, trải rộng từ Bắc đảo tới Nam đảo. Biểu tượng của du lịch Phú Quốc là sự sang trọng của ngọc trai - loại trang sức tự nhiên đặc biệt phù hợp với vẻ đẹp châu Á vì sự trang nhã, thanh khiết và được đánh giá là tốt nhất thế giới. Gặp ở Phú Quốc, cô gái bán ngọc trai đang dùng panh mở miệng con trai để lấy ra viên ngọc nhỏ ánh xà cừ nói với tôi: "Nếu nước biển ô nhiễm, thì điều đó sẽ được thấy ngay trên ngọc trai Phú Quốc. Ngọc còn bóng mịn, trắng hồng thì chứng tỏ môi trường đảo vẫn trong lành".

Phú Quốc có tới 65% diện tích rừng và cùng với đó là mạng lưới sông suối với 4 nhánh chính bao phủ trên một hòn đảo lớn xấp xỉ 600 cây số vuông. Vì vậy, khi sống ở đây, người ta không có cảm giác là mình đang ở trên một hòn đảo giữa biển khơi. Lịch sử ghi lại, vua Gia Long đã gọi hòn đảo này là nơi sinh ra ông lần thứ 2 và đặt tên là Phục Quốc (dần chệch thành Phú Quốc) sau khi ông thất thế chạy dạt tới đây. Người dân Phú Quốc hiện nay vẫn còn tự hào rằng, họ chính là hậu duệ của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, người Anh hùng dân tộc trong kháng chiến chống Pháp gắn với 2 câu thơ lưu truyền: "Hỏa hồng nhật tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần". Và ngay từ nhiều thế kỉ trước, Phú Quốc đã là hòn đảo được hưởng nhiều ưu đãi thuế của triều đình phong kiến và có nhiều chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế.

Hiện nay, những xóm chài ven biển như Gành Dầu, Hàm Ninh, Dương Đông trên đảo dù chưa hẳn là cự phú nhưng vẫn còn nguyên vẻ khoáng đạt, với đường làng ngõ xóm lớn rộng và những con người sống đời ở kiếp trên đảo với vẻ thong dong, tự tại. Người chúng tôi gặp ở kế bên Đồn BP Gành Dầu là ông Nguyễn Thành Trang (Út Trang) mở cơ sở sản xuất muối tiêu, với mong muốn kết hợp 2 đặc sản là hồ tiêu Phú Quốc và muối Bạc Liêu thành một sản phẩm gia vị đặc biệt được cả thế giới biết đến, cũng là một người đậm chất Phú Quốc với tầm tư duy thương mại vượt trội. Và quả thật, ông đều đặn xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài mà chỉ bằng một cơ sở sản xuất nhỏ nằm ngay trong một nhà hàng dịch vụ du lịch do mình làm chủ gọi là Biên Hải quán, tức là quán biên giới biển. Quán của ông ở Bắc đảo, không xa vùng nước lịch sử của biển Tây Nam và những hòn đảo lân cận mà Cam-pu-chia đang quản lý; là nơi khách du lịch dừng chân, ngư dân ghé lại nhậu nhẹt mỗi khi kết thúc chuyến đi biển dài ngày và chiến sĩ Biên phòng ở địa bàn hay lui tới tìm gặp chủ tàu thuyền, ngư dân cho những công vụ của họ. Ông Trang cho rằng, nếu sản phẩm muối tiêu dưỡng sinh của ông tiếng lành vang xa thì đồng nghĩa với việc hồ tiêu Phú Quốc cũng được hồi sinh mạnh mẽ. Hiện tại, hồ tiêu Phú Quốc còn khoảng 400ha, trong đó, phần lớn là những diện tích được trồng lại sau cơn khủng hoảng hồ tiêu vài năm trước đây.

Một góc biển Phú Quốc.

Sau khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về con đường lập nghiệp ở Phú Quốc gần 30 năm qua, Út Trang soạn sửa bộ đàn điện tử để ca một bài vọng cổ quen thuộc. Ông dạy cho cả gia đình mình, gồm cả những đứa cháu còn nhỏ đều thuộc các bài ca cổ và có thể trình diễn mỗi khi có đoàn khách du lịch ghé quán. Ông Trang là đại diện cho một lớp các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Phú Quốc ý thức rất rõ bản chất kinh doanh là làm tốt việc phục vụ để thu hút khách. Như vậy, Phú Quốc hẳn đã hơn đứt những khu du lịch khác về khả năng chuyên nghiệp hóa du lịch cộng đồng, thái độ thân thiện chiều khách của những người làm du lịch với một hành lang những sản phẩm du lịch phong phú và điểm đến du lịch tiêu chuẩn sinh thái tuyệt vời.

Phú Quốc giàu tiềm năng là vậy. Nhưng nếu không được trò chuyện trực tiếp với Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của huyện Phú Quốc, ông Huỳnh Quang Hưng, tôi không thể hình dung được những bất lợi và khó khăn của Phú Quốc đằng sau phát triển nóng những năm qua. Nó dường như đối nghịch với cảnh sắc êm đềm bình yên của hòn đảo này; đang và sẽ thử thách quy hoạch phát triển của Phú Quốc trong vòng ít nhất vài thập kỉ nữa.

Kỳ 2: Như ngọc quý phải gặp thợ hay...

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phu-quoc-ngoc-tren-tay-nguoi/