Phú Quốc: Nhiều cơ quan hoạt động cầm chừng để chờ nhân sự mới

Trái ngược với không khí sôi nổi trên nghị trường Quốc hội về hành lang pháp lý của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, thì tại huyện Phú Quốc (là 1 trong 3 đặc khu), nhiều cơ quan công quyền đang hoạt động cầm chừng, thậm chí tê liệt. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là sau quá trình dài phát triển quá nóng với dòng tiền chảy như thác đổ vào đất đai đã phát sinh hàng loạt sai phạm liên quan đến trách nhiệm của nhiều cán bộ, công chức của địa phương

Nhà để xe của UBND huyện Phú Quốc vẫn là nơi tiếp công dân dù điều này là trái với Luật Tiếp công dân. Ảnh: TD

Tiếp dân… trong nhà để xe

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo của nhân dân huyện Phú Quốc vẫn phức tạp, đặc biệt là lĩnh vực đền bù, giải tỏa, tranh chấp đất đai. Thực tế này cần có giải pháp để tiếp công dân, có sự tham gia của lãnh đạo huyện Phú Quốc để lắng nghe, giải thích, vận động nhân dân, hạn chế hiện tượng tiếp khiếu, tiếp tố vượt cấp.

Thế nhưng, việc thực hiện công tác tiếp công dân của UBND huyện Phú Quốc vẫn chỉ làm qua loa, đại khái. Nơi tiếp công dân là nhà để xe ô tô được cải tạo lại, có diện tích không đúng chuẩn, nội quy tiếp công dân là quy định cũ đã có từ cách nay 10 năm. Cán bộ tiếp công dân là hai cụ hưu trí được hợp đồng ngắn hạn nên không đúng với quy định của Luật Tiếp công dân; việc cập nhật quy định pháp luật cũng không được thực hiện thường xuyên nên công dân khi đến nhà tiếp công dân trong khuôn viên UBND huyện Phú Quốc chỉ biết gửi đơn mà không được lãnh đạo địa phương tiếp và giải thích pháp luật.

Hậu quả của tình trạng khoán trắng trách nhiệm tiếp công dân này là hàng ngàn đơn khiếu nại, đơn tố cáo không được giải quyết đúng thẩm quyền, đúng tiến độ. Tâm lý bức xúc, bức bối của công dân đang có đơn khiếu nại tại các dự án có quy mô thu hồi đất lớn thuộc địa bàn xã Gành Dầu, xã Dương Tơ, thị trấn An Thới… không được giải tỏa kịp thời nên người dân có tâm lý đối đầu với chủ đầu tư. Nhiều hộ dân lấy lý do chưa nhận được quyết định giải quyết khiếu nại nên quay trở lại rào đất, dựng nhà trong khu vực dự án đã được Ban Quản lý Khu kinh tế đảo cấp chứng nhận đầu tư. Khi đó, nhà đầu tư chỉ biết kêu cứu đến cơ quan quản lý Nhà nước nhưng không hề nhận được câu trả lời thỏa đáng vì tất cả đang chờ nhân sự mới, chờ chỉ đạo mới.

Xì xầm công, tội

Hàng ngàn hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc là rừng phòng hộ được tách khỏi lâm phần đang nằm chờ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, hoặc tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Nguyên nhân là thủ tục ban đầu của các quyền sử dụng đất này đã không bảo đảm đúng quy định pháp luật, khi lưới địa chính, bản đồ địa chính đã không được thiết lập đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, sau khi Thanh tra tỉnh Kiên Giang thanh tra làm rõ sai phạm thì việc khắc phục sai phạm vẫn là công việc quá tải đối với cán bộ, công chức phụ trách đất đai của huyện Phú Quốc. Điều đáng lo hơn là trong thời điểm thực hiện kết luận thanh tra thì cũng là giai đoạn sốt đất nông nghiệp với hàng chục ngàn giao dịch liên quan đến hàng chục ngàn chữ ký của lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc, của lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn đối với quyền sử dụng đất có nhiều sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật có diện tích là hơn 4.600ha đất rừng phòng hộ.

Phải có bàn tay sắt để xử lý nghiêm sai phạm tại huyện Phú Quốc trước khi nơi này trở thành đặc khu. Ảnh: TD

Khi cơn sốt đất đạt đỉnh thì lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang mới bắt đầu vào cuộc với hàng loạt chỉ đạo, chỉ thị để giảm nhiệt, để xử lý các sai phạm. Nhưng câu chuyện đã đi quá xa nên hiệu quả thực hiện các chỉ đạo này vẫn chỉ là quyết tâm trên giấy. Điều này đã dẫn đến hiện tượng cán bộ, công chức huyện Phú Quốc làm việc cầm chừng với tâm lý chờ đợi nhân sự mới, chờ đợi xem cán bộ nào bị khởi tố, cán bộ nào bị kỷ luật hành chính, bị kỷ luật Đảng. Thậm chí, nhiều cán bộ còn lấy lý do nghỉ phép để xin đi du lịch nước ngoài để né tránh tình trạng bùng nhùng công, tội này.

Thực tế này đã buộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang có giải pháp mạnh tay để chấn chỉnh sai phạm, tăng cường sự lãnh đạo, điều hành trong hoạt động của huyện Phú Quốc, đặc biệt là lĩnh vực nhà đất. Sau đó, Thường trực Huyện ủy Phú Quốc cũng đã ban hành văn bản nghiêm cấm cán bộ, đảng viên tham gia làm môi giới mua bán trái phép đất đai, tài nguyên. Tạm dừng việc giải quyết cho đi nước ngoài đến hết tháng 9/2018 đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý; các cán bộ đảng viên chủ chốt các xã, thị trấn, cán bộ công chức cơ quan có liên quan đến công việc quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, quản lý rừng, thanh tra… kể cả cán bộ ở các bộ phận dịch vụ công của huyện và các xã, thị trấn để tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và phục vụ cho các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát của Trung ương và của tỉnh Kiên Giang".

Những sự việc này đang cho thấy còn nhiều vấn đề tại huyện đảo Phú Quốc phải có bàn tay sắt để chấn chỉnh, và giải quyết triệt để nhằm tạo môi trường kinh tế - xã hội thật sự trong sạch trước khi trở thành đặc khu.

Thảo Du

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/phu-quoc-nhieu-co-quan-hoat-dong-cam-chung-de-cho-nhan-su-moi_t114c7n134426