Phú Quốc sốt sắng chống ngập: Chuyên gia hiến kế

Các quy hoạch đô thị ở Phú Quốc chỉ xây dựng trong giới hạn 10 năm nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

"Đảo ngọc" Phú Quốc đã hứng chịu trận ngập lớn nhất trong lịch sử hồi tháng 8 vừa qua.

Lãnh đạo huyện Phú Quốc xuống hiện trường nạo vét rạch trên đảo. Ảnh: Thanh Niên

Lãnh đạo huyện Phú Quốc xuống hiện trường nạo vét rạch trên đảo. Ảnh: Thanh Niên

Thừa nhận công tác quản lý Nhà nước có phần hạn chế dẫn tới tình trạng lấn chiếm các đường thoát nước từ đảo ra ngoài biển, chính quyền Phú Quốc đã triển khai các phương án nhằm giải quyết trước mắt tình trạng tắc đường thoát gây ngập hiện nay.

Mới đây, các lãnh đạo huyện Phú Quốc cùng vận động nhân dân thực hiện nạo vét rạch Ông Trì - một trong những con rạch bị người dân lấn chiếm, chặn đường thoát và khiến môi trường bị ô nhiễm.

Cùng khơi thông dòng chảy, kênh rạch, Phú Quốc dự định nâng cấp hạ tầng hệ thống cấp thoát nước; lập bản đồ các vùng ngập; bản đồ quy hoạch 1/500 ở khu đô thị Dương Đông, An Thới, Cửa Cạn... để xác định rõ hệ thống thoát nước ứng phó biến đổi khí hậu; lập quy hoạch các khu vực bị ngập lụt, căn cứ các kịch bản biến đổi khí hậu để lựa chọn phương án xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp.

Sở Xây dựng Kiên Giang đã đề xuất làm những đường kênh hở bằng bê tông, đường xương cá từ đường trục dẫn ra biển, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa thoát nước khi có mưa, giảm chi phí đầu tư hạ tầng.

Không quy hoạch kiên cố dưới mực nước biển dâng

Các cách giải quyết này của chính quyền Phú Quốc đã nhận được đánh giá tích cực của giới chuyên gia.

Trả lời báo Đất Việt, GS. TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, đánh giá cao những hành động của Phú Quốc khi nhận thấy những vấn đề nguy cấp trong hệ thống thải nước của bán đảo.

Ngoài ra Phú Quốc cũng lập các giải pháp về quy hoạch, lập bản đồ ngập... và lấy ý kiến từ các chuyên gia. Các giải pháp khá đầy đủ và thể hiện tinh thần cầu thị từ chính quyền Phú Quốc trước các góp ý từ giới nghiên cứu khoa học.

Ngập lụt tại ngã ba Cây Thông Trong của xã Cửa Dương trong trận ngập tháng 9 vừa qua. Ảnh: Zing.vn

Vị chuyên gia cho rằng, Phú Quốc đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, cụ thể là tình trạng triều cường giống như TP.HCM hiện nay. Do đó, khi thực hiện quy hoạch lại Phú Quốc, cần theo dõi triều cường để thực hiện các giải pháp quy hoạch sao cho hiệu quả.

Quy hoạch các khu vực nhà cửa, dân cư, công sở... ở độ cao cao hơn mực nước triều cường và lượng mưa đo được trên đảo, tránh tình trạng ngập như vừa qua.

Các khu vực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt có thể được tổ chức ở khu vực thấp hơn mức triều cường nhưng phải tổ chức một khu dự trữ ở trên cao đối phó với tình trạng ngập, lũ không thể đối phó, thực hiện theo phương pháp "một chốn đôi quê".

Như vậy, ở những khu vực giáp biển, cần cân nhắc việc xây dựng các cơ sở hạ tầng kiên cố.

Trong kế hoạch phát triển du lịch, bảo vệ môi trường của Phú Quốc năm 2019, đảo này đang đặt mục tiêu khởi công xây dựng đường quanh đảo sát biển Nam - Bắc Bãi Trường dài 12 km và công viên bờ biển diện tích 100 ha khu vực Bãi Trường.

Ông Vũ Trọng Hồng cho rằng, xây dựng đường quanh đảo cũng cần phải cân nhắc đến yếu tố triều cường. Dù hiện tại, có thể Phú Quốc không phải đối mặt nguy hiểm về tình trạng nước biển dâng nhưng phải quy hoạch cho con đường này ở độ cao trên mức nước biển dâng trong vòng 100 năm tới.

Ví dụ, các số liệu quốc tế cho thấy, trong 100 năm, mực nước biển dâng hơn 2,6 mét. Do vậy, khi xây dựng đường quanh đảo, phải cắm mốc để xây dựng tại độ cao so với mực nước biển 2-3 mét.

Chưa kể, khi xây dựng đường quanh đảo, Phú Quốc cũng phải tính đến kịch bản mưa kỷ lục như vừa qua có thể tác động đến con đường này để xác định quy mô đầu tư.

"Muốn quy hoạch đường ven đảo, không được quy hoạch kiên cố. Không cần nâng cấp con đường ven biển ở mức cao cấp, đầu tư đá và rải bê tông không quá dày, không làm các tấm bê tông lớn.

Các cơ sở hạ tầng nên làm kiên cố ở độ cao trên mực nước biển dâng theo quốc tế công bố. Chúng ta luôn xây dựng những công trình kiên cố ở mực nước biển dâng, mức triều cường. Điều này là làm ngược" - GS.TS. Vũ Trọng Hồng đánh giá.

Resort Phú Quốc "chặn nước ngập" thoát ra biển? Ảnh: Zing.vn

Từng trả lời về câu chuyện ngập ở Phú Quốc trên báo chí, TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), đồng thời là Phó chủ tịch Hội Cấp nước Việt Nam, cho rằng việc quản lý quy hoạch ở Phú Quốc đang bộc lộ nhiều vấn đề.

Ông Tiến phân tích, bất kỳ bản quy hoạch nào cũng tính đến hạ tầng kỹ thuật, bao gồm việc cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cây xanh, cảnh quan… Nhưng việc chấp hành quy hoạch về xây dựng hệ thống thoát nước, lấn chiếm xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, vượt quy hoạch là không quản lý được…

“Xây dựng rất nhiều resort bám dọc ven biển xung quanh đảo, Phú Quốc đã kiểm soát được hệ thống thoát nước các khu vực đó với hệ thống chung của đảo có kết nối chưa? Hay chính những khu resort đó cản trở thoát lũ ra biển? Đó cũng là một nguyên nhân gây ra ngập úng cục bộ, chậm thoát lũ ra biển" - Zing.vn dẫn lời ông Tiến bình luận.

Được biết, trong kế hoạch giải quyết tình trạng ngập trên Phú Quốc vừa qua, Sở Xây dựng Kiên Giang đề xuất làm việc với các nhà đầu tư phải thực hiện ngay hệ thống thoát nước cho dự án, công trình đang thi công, sắp khởi công và đấu nối vào hệ thống thoát nước ở Phú Quốc, không chờ xây xong phần kiến trúc mới làm hạ tầng.

TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, việc Phú Quốc lập kế hoạch đối phó ngập, lụt trên đảo khá chi tiết đã cho thấy những thiện chí của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện các kế hoạch của Phú Quốc, cần tiếp tục theo dõi việc thực hiện kế hoạch quy hoạch đảo này của chính quyền địa phương, không để rơi vào tình trạng quản lý yếu kém đã xảy ra.

"Phú Quốc muốn lắng nghe ý kiến chuyên gia về nghiên cứu khoa học trên bán đảo thì họ cần có các chương trình cụ thể, tổ chức hội thảo để có nghiên cứu khoa học thực chất và hiệu quả nhất" - TS. Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/phu-quoc-sot-sang-chong-ngap-chuyen-gia-hien-ke-3389240/