Phú quý vinh hoa như mộng ảo sẽ làm hại phúc báo về sau

Cổ nhân có câu: 'Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phúc; Vi phi giả, thiên báo chi dĩ ương' nghĩa là, người làm việc thiện, việc tốt thì trời sẽ lấy phúc lộc báo đáp họ; kẻ làm việc xấu thì trời sẽ lấy tai ương báo ứng họ.

Sống thanh liêm, chết chẳng sợ lò thiêu

Triều Đường có vị quan tên Lư Hoài Thận, làm quan đến chức Hoàng môn thị lang, là chức quan vô cùng thân cận với Hoàng đế. Tuy thân phận cao quý, nhưng đồ đạc trong nhà ông lại vô cùng đơn sơ. Vợ và con gái ông vẫn thường xuyên phải ăn đói mặc rách, nhưng ông đối đãi với bạn bè thân thích lại vô cùng rộng mở.

Hình minh họa.

Lúc Lư Hoài Thận ở Đông Đô phụ trách tuyển chọn quan lại, làm công vụ quan trọng nhưng hành lý mang theo người chỉ vỏn vẹn một chiếc túi vải. Về sau, trong lúc đảm nhiệm chức Hoàng môn giám kiêm Lại bộ Thượng thư, ông đã bị bệnh trong thời gian dài.

Hai người bạn có lần đi thăm hỏi, bắt gặp Lư Hoài Thận nằm trên một chiếc ghế tre mỏng, rèm cửa cũng không có, gặp lúc trời mưa gió lạnh, đành phải dùng chiếc chiếu mà che lại. Lư Hoài Thận trước nay vẫn rất coi trọng hai người này, thấy họ đến trong lòng vô cùng vui sướng, liền giữ họ lại dùng cơm, nhưng khi bưng lên chỉ có 2 chậu sành đựng hạt đậu và một ít rau cỏ, ngoài ra không có thứ gì khác.

Lư Hoài Thận nắm tay hai người, nói:“Hai người nhất định sẽ là trụ cột của quốc gia, Hoàng thượng vẫn đang tìm kiếm những nhân tài có thể chung tay gánh vác đất nước. Nhưng quản lý đất nước thời gian dài, các đại thần bên cạnh Hoàng thượng sẽ có lúc buông lỏng, lúc này sẽ có tiểu nhân thừa cơ tiếp cận nịnh nọt Hoàng thượng, hai người nhất định phải nhớ kỹ”.

Mấy hôm sau, Lư Hoài Thận qua đời, vợ ông là Thôi thị nói với con gái: “Cha con một đời thanh chính liêm khiết, không tranh danh lợi, khiêm tốn hạ mình, ai đưa tặng đồ vật gì ông ấy một chút cũng không nhận.

Cha con cùng với Trương Thuyết đều là Tể tướng đương thời, hiện giờ Trương Thuyết thu tiền nạp vật chồng chất như núi nhưng vẫn còn sống tốt. Lẽ nào báo ứng xa xỉ và tiết kiệm lại chỉ là hư giả?”.

Tới đêm hôm đó, Lư Hoài Thận sống lại, mọi người liền đem lời của phu nhân kể lại cho ông nghe. Lư Hoài Thận nói:“Đạo lý không phải như thế đâu. Tại Âm phủ có ba mươi bếp lò, ngày đêm thiêu đốt trừng phạt những người lấy tiền bất nghĩa, nhưng lại không có bếp nào được chuẩn bị cho ta cả, tội lỗi của ta ở Âm phủ đã được tiêu trừ hết rồi”.

Nói xong, Lư Hoài Thận liền nhắm mắt xuôi tay. Hoàng thượng sau khi biết chuyện người nhà gia đình Lư Hoài Thận sống trong bần hàn liền lệnh ban cho rất nhiều lụa là, tiền bạc để họ có cuộc sống sung túc. Thế nên, cổ nhân thường khuyên nhủ cháu con rằng, thần linh ở trên hai vai, chứng kiến và ghi chép hết thảy chuyện tốt xấu mà mình đã làm để luận công tội.

Chớ tưởng làm việc khuất tất không ai thấy mà mình tránh được tội. Cũng đừng nghĩ làm việc tốt không ai chứng kiến mà mình không được ghi nhận, nhân quả đều rất công bằng báo ứng không chừa một ai, cũng không hề sai lệch.

Chịu ác báo do tham lam

Trong một lần Đức Phật đang thuyết pháp, có một ông già bần cùng mà thọ đến hai trăm tuổi, lông mày dài đẹp, hai lỗ tai rộng lớn, răng trắng và đều đặn, hai tay dài quá gối, dung mạo tựa như người có phước tướng nhưng chịu phải cảnh nghèo khổ tìm đến.

Quần áo ông chẳng đủ để che thân, rách nát lõa lồ, lại thường bị cảnh đói khát, kéo lê từng bước, vừa đi vừa thở một cách mỏi mệt. Chẳng may vừa tới ngõ Tịnh Xá, ông lại gặp phải các vị Phạm Thiên, Đế Thích chặn lại không cho vào. Uất ức, ông già mới kêu than.

Ở trong, Phật đã biết chuyện đang xảy ra nên mới quay sang bảo A Nan hãy ra cho ông ấy vào. Ông già vừa trông thấy Phật liền rưng rưng hai hàng nước mắt, vừa mừng vừa khóc, cúi đầu sụp lạy đức Phật, rồi kính bạch: “Con sinh ra đời bất hạnh, chịu cảnh bần cùng khốn khổ, đói khát lạnh lẽo.

Cầu chết không được, sống thì không biết nhờ cậy ai. Con nghe Thế Tôn là một bậc nhân từ yêu thương che chở khắp tất cả. Muôn vật đều được nhờ ân đức của Thế Tôn. Tâm con vui sướng, đêm ngày phát nguyện, mong được một phen chiêm ngưỡng tôn nhan từ mười năm qua, nay mới được kết quả như nguyện.

Phật dạy: “Phàm làm người ở cõi đời, sinh tử đều do nhân duyên. Do nhiều nhân duyên tạo ra gốc rễ tội lỗi. Ta sẽ nói cho ông rõ nguồn gốc của tội lỗi mà ngày nay ông đã gánh chịu: Đời trước ông sinh vào nhà Minh Huệ Vương là một ông Vua cai trị một đại cường quốc. Khi đó ông là Thái tử Kiêu Quí.

Trên được Phụ Vương và Mẫu Hậu quí trọng, dưới được thần dân kính phụng. Vì thế nên ông hết sức kiêu căng, tự cao, tự đại, tâm ý buông lung, khinh ngạo mọi người, xem thường tất cả. Giàu có cự phú, tài sản muôn ức, đều là chiếm đoạt của dân. Trăm họ nghèo cùng bởi vì thuế khóa thu hết. Ông chỉ biết gom góp, chứ không biết bố thí.

Bấy giờ có một vị Sa môn tên là Tịnh Chí từ xứ xa đến. Vì thiếu một cái pháp y, nên tìm đến ông, mong ông bố thí pháp y chứ không mong gì nhiều. Nhưng ông lại đối xử một cách tệ ác, đã không cho pháp y, lại cũng không cho ăn.

Ông bắt vị Sa môn vô tội ngồi mãi trước nhà, muốn đi cũng không được đi. Qua bảy ngày đêm không thí cho một hớp nước. Thấy vị Sa môn ngất xỉu, hơi thở thoi thóp, tánh mạng sắp nguy kịch mà ông lại coi đó như một trò vui, tỏ ra thích thú cho tập trung nhiều người đến xem!

Lúc ấy có vị cận thần khuyên can ông rằng: “Thái tử chớ nên làm như vậy. Đây là một Sa môn hiền từ, khiêm tốn, bên trong mang cả tinh thần đạo đức. Sự lạnh lẽo bên ngoài, đối với con người ấy không có gì đáng gọi là lạnh lẽo và sự đói khát cũng không đáng là đói khát. Sở dĩ đến đây xin là muốn gây phước đức cho kẻ khác thế thôi.

Thái tử đã không bố thí cho thì thôi, đừng nên gây cùng bức cho người ta. Tốt hơn là Thái tử trả tự do cho vị Sa môn này đi. Đừng nên gây thêm điều gì tội lỗi!”. Thái tử đáp rằng:“Đây là người gì mà giả xưng là đạo đức. Ta cho chịu khốn khổ thử chơi, chứ ai để cho chết làm gì? Khanh đừng lo. Thôi khanh thả cho ông đi.

"Nói xong liền cho thả vị Sa môn đi ra khỏi thành. Vị Sa môn đi cách thành khoảng mười dặm, lại gặp phải bọn giặc cướp bị đói lâu ngày muốn bắt vị Sa môn giết ăn thịt. Tình cờ có Thái tử đi đến, thấy vậy liền tự nhủ rằng: “Ta đã không cho cơm áo vị Sa môn ấy thì thôi, chớ đâu lại nỡ để cho bọn giặc đói giết hại! Ta phải cứu người”.

Bọn giặc đói thấy Thái tử nên sụp lạy xin tha tội và thả vị Sa môn đi. Vị Sa môn lúc đó nay là Bồ Tát Di Lặc đây, Thái tử Kiêu Quí lúc đó, nay là ông đây. Sở dĩ nay ông chịu phải tội bần cùng khốn khổ là do đời trước tham lam bỏn xẻn.

Lý do nay ông được trường thọ là bởi cứu mạng sống vị Sa môn. Tội phước báo ứng như bóng theo hình! Ông già bạch Phật: “Việc quá khứ đã rõ ràng như vậy. Con xin nguyện được giũ sạch từ đây mà nguyện đem mạng sống thừa này được làm Sa môn, về sau đời đời được hầu bên Phật”.

Bùi Duy

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/phu-quy-vinh-hoa-nhu-mong-ao-se-lam-hai-phuc-bao-ve-sau-d97565.html