Phú Tân, mùa gió chướng

Thật khó có thể mô tả chính xác những công việc hằng ngày mà các cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Phú Tân, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Ðông, tỉnh Tiền Giang thực hiện. Chỉ riêng hành trình ra cồn Ngang trong mùa gió chướng, với những cơn sóng biển mạnh dữ dội, cũng đã là một thách thức.

Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tiền Giang tuần tra trên biển. Ảnh: HỮU CHÍ

Ấn tượng đầu tiên chúng tôi cảm nhận được từ các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang khi chuẩn bị đưa chúng tôi thăm cồn Ngang, gặp gỡ những cán bộ, chiến sĩ ở Ðồn Biên phòng Phú Tân là sự quyết đoán và khẩn trương trong mỗi quyết định. Sau mỗi cuộc điện thoại, Ðại tá Nguyễn Tiến Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang gọi đi là một đồng chí chịu trách nhiệm có mặt ngay lập tức. Dẫn chúng tôi đi ra cồn Ngang là Trung tá Nguyễn Thái Dũng. Trung tá Dũng nói vui, khi nhận thông báo sẽ đưa chúng tôi ra cồn Ngang, anh đã nghĩ các đồng đội trêu đùa mình vì chiều hôm đó có trận đấu quan trọng của đội U22 Việt Nam tại SEA Games 30.

Chiếc ca-nô vút về cồn Ngang. Ra đến biển, gió chướng không mạnh nhưng sóng đánh ngày một cao hơn sau mỗi lần người chiến sĩ trẻ cố gắng đưa ca-nô lại gần cồn. Mỗi lần như vậy, chiếc ca-nô được sóng nâng lên cao, trước lúc dập xuống nước đánh rầm, đòi hỏi người điều khiển phải biết luồn lách giữa các đợt sóng. Thậm chí, trong điều kiện thời tiết đó, cả ca-nô và người đều có thể bị thổi bay. Biến đổi khí hậu cũng đã gây sạt lở khoảng 1 km cồn trong 10 năm qua và sóng biển dễ dàng khiến hàng trăm tấn đất đá đổ làm kè biến mất chỉ sau một đêm.

Nơi làm việc, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng trên cồn Ngang là căn nhà hai tầng và sân thượng mầu vàng nổi bật lên giữa mầu xanh của nước và cây. Chúng tôi quay đầu ca-nô trở về khi mặt trời đã ngả nhạt và chìm dần trên biển. Một chút tiếc nuối vì không lên được trên cồn.

Trung tá Nguyễn Thái Dũng được không ít chiến sĩ ở Bộ đội Biên phòng tỉnh ca ngợi là biểu hiện của sức sống nơi đây. Anh là một trong những người cắm chốt đầu tiên trên cồn khi dải đất mới nhô khỏi mặt nước hơn 100 m2 và nay đã mở rộng hơn 200 ha. Anh kể lại câu chuyện xưa, câu chuyện đã biến anh trở thành huyền thoại nơi mảnh đất này, như Ðại tá Phạm Thanh Hưng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Tiền Giang nói trước khi tiễn chúng tôi ra cồn.

Một ngày tháng 10-1992, dông bão, gió giật mạnh kết hợp với triều cường dâng đã đánh sập căn chòi lá trên doi đất mà nay là cồn Ngang. Từ 11 giờ, Trung tá Dũng cùng một đồng đội và một người dân vật lộn trong sóng gió. Lênh đênh trên biển cho đến 17 giờ, cả ba người đều mệt lả, quần áo bị sóng đánh rách tả tơi. Trung tá Dũng lúc này đang phục hồi sau cơn sốt. Anh quyết định bỏ lại tất cả vật dụng, lấy dây điện thoại máy bộ đàm buộc tất cả lại với nhau để nếu có chết thì chết cùng, rồi ôm lấy bập dừa. Thời điểm đấy, trên cồn chỉ toàn cát là cát, cây cối chưa có, nước ngọt thì vỏn vẹn hai thùng, tắm vẫn phải dùng nước mặn. Sau mỗi lần tắm như vậy, họ cứ để cơ thể tự khô. Lâu dần, nước biển thấm vào khiến da dễ bắt nắng, đen sạm lại.

Sau đấy, ba người được một chiếc tàu cá tìm thấy trên vùng biển thuộc huyện Bình Ðại, tỉnh Bến Tre. Về sau, Trung tá Dũng cũng biết được rằng, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng 586 Võ Xuân Mến, nay là Ðại tá, Phó Chánh văn phòng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang đã cùng đồng đội mạo hiểm lái tàu ra ứng cứu họ giữa cơn dông. Trước lúc đi, đồn trưởng Mến và các anh em thậm chí đã chào vĩnh biệt những người ở lại vì họ xác định khó trở về trong điều kiện thời tiết dữ dội như vậy.

Cái tên Dũng "bập dừa" đã gắn với Trung tá Nguyễn Thái Dũng trong những năm sau này và trong những câu chuyện về Ðồn Biên phòng Phú Tân kể từ đó. Riêng anh có hai lần trở lại cồn Ngang vào năm 2011 và 2016, trước khi trở về làm việc tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang năm 2018. Ðiều làm chúng tôi ấn tượng ở Trung tá Dũng không chỉ là vẻ bề ngoài dễ gần, dễ mến của anh mà ở cái cách anh gặp gỡ, trò chuyện với những người dân trên phà. Nếu không thân quen và gần gũi, thật khó để họ chào đón anh cởi mở như một người thân đi xa vừa trở về nhà.

Thượng tá Ðinh Xuân Bá, Chỉ huy trưởng Ðồn Biên phòng Phú Tân cho biết, ngoài các nhiệm vụ chủ yếu như tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở khu vực biên giới trên bộ và trên biển…, hằng ngày, đơn vị đều phải đi tuần ít nhất một lần trong ngày cả trên bộ, trên biển, còn thường thì năm đến bảy lần trong phạm vi sáu xã đảo, trong đó ca đêm vào những khung giờ có thể là 19 giờ, 21 giờ và 24 giờ. Riêng Trạm kiểm soát biên phòng cồn Ngang, điều kiện khó khăn hơn do ở đây vẫn sử dụng điện mặt trời, nước ngọt hạn chế, chỉ được cất giữ để uống và nấu nướng; khu vực không có người dân qua lại và thời tiết khắc nghiệt, nhất là trong mùa gió chướng. Mặc dù vậy, quân số của trạm luôn bảo đảm có ba người, tuần tra ít nhất một lần chung quanh cồn và khi cần sẽ kết hợp tuần tra với đồn.

Lực lượng biên phòng Tiền Giang nói chung và Ðồn Biên phòng Phú Tân nói riêng tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua với chủ đề "Kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả và an toàn giao thông", "Ba kết hợp" nhằm bảo đảm an toàn, làm tốt công tác xây dựng đơn vị chính quy cũng như đẩy mạnh huấn luyện phòng chống cháy nổ, lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; giúp đỡ người dân thông qua các chương trình "Nâng bước em tới trường", "Mái ấm biên cương"...

Rời Ðồn Biên phòng Phú Tân sau bữa tối cùng các cán bộ, chiến sĩ của đồn, được nghe những tâm sự từ đáy lòng của họ, chúng tôi trở về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang lúc hiệu lệnh báo đơn vị chuẩn bị đi nghỉ vang lên. Tất cả đều hy vọng sẽ trở lại cồn Ngang vào một ngày sớm nhất.

Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tiền Giang tuần tra rừng phòng hộ Cồn Ngang. Ảnh: HỮU CHÍ

TỪ ANH TUẤN, MẠNH HÀO và TUẤN DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42817502-phu-tan-mua-gio-chuong.html