Phú - thể văn chương cổ

Sách cũ chép: Khoa thi Đình (năm Giáp Thìn - 1304) niên hiệu Hưng Long, ông Mạc Đĩnh Chi trúng cách đỗ trạng nguyên, vì tướng mạo xấu xí, nên vua Trần Anh Tông có ý định không dùng.

Ngâm thơ, hình thức sinh hoạt văn nghệ tại Văn miếu Mao Điền (Hải Dương).

Ngâm thơ, hình thức sinh hoạt văn nghệ tại Văn miếu Mao Điền (Hải Dương).

Biết vậy, Mạc Đĩnh Chi đã làm bài phú “Tỉnh ngọc liên phú” (Sen trong giếng ngọc), tự ví mình như cây sen trong giếng, thanh cao, không hoa nào sánh được. Tuy gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn; vả lại sen trồng trong giếng ngọc nữa thì càng cao quý. Dâng lên vua, ngài khen hay rồi ngự chuẩn là Trạng nguyên.

Mới biết, chỉ một bài phú đủ làm xoay chuyển vận mệnh con người?

Phú - nội dung phong phú

Thời xưa, dấn thân vào chốn khoa trường, các sĩ tử thường phải qua nhiều kỳ thi, phải thi nhiều môn, trong đó phải bắt buộc làm bài phú. Khoa thi hương đươi triều Mạc quy định: Trường nhất thi môn Kinh nghĩa, trường hai thi 3 môn Chế, Chiếu, Biểu, vào đến trường ba thi Thơ, Phú. Khoa Quý Mão (năm 1543), ra đề thi:”Trùng tu Quốc tử giám phú” (bài phú về trùng tu Quốc tử giám). Chả hiểu vô tình hay cố ý, sĩ tử Đồng Hãng viết liền hai bài phú mang nộp, nhưng bị loại phạm quy, chỉ vì một đề lại viết hai bài?

Phú có nghĩa là trình bày, tự sự, là một thể văn chương cổ của Việt Nam. Phú có vần, bắc cầu giữa thơ và văn xuôi, thịnh hành từ đời Hán. Phú bắt nguồn từ dân ca. Đời Đường, phú được đưa vào khoa cử và thịnh hành như thơ. Khi làm theo luật như thơ Đường, gọi là Đường phú. Những thể khác ít dùng như Phú tứ tự (mỗi câu bốn chữ), Phú thất tự (câu bảy chữ); Phú Sở từ (câu có năm, sáu chữ) và Phú lưu thủy (không hạn chế chữ, gần như văn xuôi).

Từ khi phú vào Việt Nam đã hình thành hai dòng: Phú chữ Hán và phú tiếng Việt. Trong cuốn “Phú Việt Nam, cổ và kim” do NXB Văn hóa xuất bản năm 1960, chỉ thấy có 6 bài phú chữ Hán, riêng đời Trần có 2 bài của Trương Hán Siêu và Mạc Đĩnh Chi.

Khi chữ Nôm xuất hiện thì phú tiếng Việt được hình thành.

Cũng như thơ, phú có sức chuyên chở nội dung khá phong phú. Khi thời phong kiến thịnh trị, phú tả tình yêu thiên nhiên, cảnh non sông gấm vóc, hoặc ngợi ca chiến công oanh liệt các vị anh hùng, các công hầu khanh tướng; ca ngợi vị vua văn võ song toàn, thấu hiểu lòng dân trăm họ. Cũng có bài tỏ lòng căm giặc ngoại bang. Mạch văn ấy toát lên lòng trung quân ái quốc, bảo vệ chế độ phong kiến, đề cao luân lý đạo đức Khổng Nho, tam cương ngũ thường - giường cột của xã hội. Khi triều đại phong kiến suy tàn, phú có nội dung nhàn cư, ở ẩn, oán trách triều đình bất công, hoặc lập ngôn, lập chí của những chí sĩ nặng lòng với đất nước. Nhiều bài phú tả nỗi khổ đau của phụ nữ, tố cáo chiến tranh, khao khát hòa bình; hoặc tả cảnh khốn nghèo của nhân dân lao động; vạch trần thói xấu xa đê tiện của xã hội đương thời. Phú hiện đại có sức mạnh tuyên truyền, giải thích về cách mạng, phản đế phản phong, đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ hòa bình thế giới:

Từ xưa, ở nước ta đã có các tác giả nổi tiếng về phú, như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn… Đặc biệt, Trương Hán Siêu, một môn khách của Trần Hưng Đạo, một bậc văn thần, kiến thức uyên thâm, đã có bài phú "Bạch Đằng giang", nổi tiếng truyền đến mai sau, ca ngợi chiến công của quân dân Đại Việt lập chiến công hiển hách chống xâm lăng.

Đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ thì có Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu… và sau này còn có Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Từ năm 1945 cho đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp và đấu tranh giải phóng miền Nam các bài phú chủ yếu của Tú Mỡ, Đồ Phồn, Chu Hà, Ngô Điền, Tú Sụn, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Ba Dân... Những bài phú của các tác giả có giá trị như vũ khí sắc bén, đã vạch trần bộ mặt hiếu chiến, độc ác của kẻ thù, đồng thời ca ngợi tinh thần chiến đấu của nhân dân miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Thủ pháp tinh hoa

Cũng như thơ, phú có nhiều thủ pháp nghệ thuật. Trước hết phải kể đến ngôn ngữ: Bằng lối văn vần kết hợp với văn xuôi, khi thì đối nhau từng đôi một như Đường phú, khi thì không đối như phú cổ thể. Ngôn ngữ được chọn lọc, công phu, có khi dùng điển cố, tiềm ẩn tầng kiến thức loài người. Càng về sau ngôn ngữ phát triển hơn, lưu loát hơn, gần với ngôn ngữ đời thường. Nó thoát khỏi những chữ tượng trưng ước lệ, như nói cảnh nhàn tản là kể về mai, lan, cúc, trúc, tuyết, nguyệt, phong, vân… một cách khuôn sáo. Dần dần các thể văn như tục ngữ, thành ngữ, ca dao… đã được sử dụng khéo léo trong thể phú. Cũng nhờ ngôn ngữ đơn âm của tiếng Việt có nhiều âm thanh, màu sắc, nhịp điệu… nên các câu văn trong phú dễ dàng đối chọi, dễ dàng bắt vần, tạo thành nhịp điệu, khi thì dồn dập, đanh thép khi thì xót đau, hoặc châm biếm, cười cợt... Cách thức phô diễn của phú cũng đa dạng. Khi thì giữ đúng luật bằng trắc theo Đường phú, mỗi câu bốn chữ sắc gọn:

Vóc đẫy ba ôm
Mình cao bẩy mét
Trí dũng lắm trò
Võ văn ra phết.
(Bùi Huy Phồn)

Lại có khi dùng 8 chữ, chia làm hai đoạn bằng nhau:
Nghiện chè nghiện rượu, nghiện cả cao lâu
Hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng.
(Tú Xương)

Cũng có khi chia làm hai vế, mỗi vế dùng 6, 7 hoặc 8, 9 chữ đối nhau:

Kỳ đệ tam văn đã viết rồi
Bảng đệ tứ chưa ra còn ngóng.
(Phú hỏng thi - Tú Xương).

Phú dùng nghệ thuật trào phúng khi xã hội phong kiến suy tàn. Có khi nhẹ nhàng, chơi chữ thanh mà tục, tục mà thanh, nhưng có khi trực diện, riễu cợt mạnh mẽ: Đây là đoạn văn tế viết theo lối Đường phú, châm biếm tên quan Pháp Francis Garnier (Ngạc Nhi) bị nghĩa quân Cờ Đen phục giết ở Cầu Giấy (1873):

Nhớ ông xưa:
Cái mắt ông xanh, cái da ông đỏ.
Cái tóc ông quăn, cái mũi ông lõ.
Đít ông cưỡi lừa, miệng ông huýt chó.
Nào ngờ:
Nó bắt được ông, nó chặt mất sỏ.
Cái đầu ông kia, cái mình ông đó.
Khốn khổ thân ông, đù mẹ cha nó.
(Nguyễn Khuyến)

Đoạn văn trên tác giả dùng toàn vần trắc, châm biếm tên giặc bị chặt đầu. Nhưng có khi là vần bằng, như bài “Thầy đồ đi trọ” của Tú Xương dưới đây, lại hài hước, hóm hỉnh: Thầy đồ thầy lề

Dạy học dạy hành
Ba quyển sách nát
Dăm thằng trẻ ranh…

Luật bằng trắc trong Đường phú được xác định ở những chữ cuối vế, và những chữ ngắt đoạn giữa câu. Nếu mỗi vế có một hay nhiều đoạn, thì cuối đoạn trên là bằng thì cuối đoạn sau phải là trắc hoặc ngược lại:

Tủi bút tủi nghiên (bằng)
Hổ lều hổ chõng (trắc)
(Phú hỏng thi - Tú Xương)

***

Phú có nội dung giá trị hiện thực, nhân đạo, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Phú có nhiều vẻ, khi khoa trương, tán tụng, tả cảnh tả tình, lời văn nhẹ nhàng bóng bẩy, mạnh mẽ hừng hực lửa căm hờn, u hoài, đau xót, cũng có khi tình tứ, châm biếm.

Phú có lối kiến trúc kết hợp cân đối cân bằng, màu sắc cổ kính, âm thanh trong sáng, giai điệu nghiêm trang, hình ảnh huy hoàng tráng lệ, và luật lệ chặt chẽ.

Trong sự phát triển ngôn ngữ hiện đại, thiết tưởng duy trì và khai thác loại hình phú cũng là làm cho phong phú tiếng Việt và tôn vinh nghệ thuật đặc sắc phương Đông và của nước nhà.

Khúc Hà Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phu--the-van-chuong-co-560058.html