Phú Thọ: Chú trọng xây dựng các công trình đa mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh Phú Thọ có vị trí địa chiến lược chắn giữ hành lang Tây Bắc và đồng bằng Bắc bộ, thuộc tỉnh miền núi trung du, sinh mạo đồi núi và bình nguyên xen kẹp, tài nguyên phong phú, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hồ chứa nước Phượng Mao dung tích trên 11,2 triệu m3 cung cấp nước tưới cho 1.000ha đất nông nghiệp, khai thác tuyến du lịch sinh thái lòng hồ, đồng thời tạo môi trường sinh thái, cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồi Thanh Thủy, Thanh Sơn.

Với phương châm, một đồng vốn bỏ ra xây dựng hạ tầng phải đạt hiệu quả tối đa, BQLDA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Phú Thọ trong những năm qua đã thực hiện tốt công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, trong đó có những dự án đa mục tiêu, qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tỉnh Phú Thọ theo hướng CNH, HĐH; tạo mũi nhọn đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn mới bền vững theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn là "thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng đi trước một bước". Chúng tôi xin giới thiệu 2 dự án đa mục tiêu tiêu biểu đó.

Dự án đập Ngòi Lao và hệ thống đường ống dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho các huyện Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê

Hiện trạng vùng dự án trước khi đầu tư: Vùng dự án là các xã của huyện Yên Lập, Hạ Hòa và Cẩm Khê nguồn sống của dân phụ thuộc vào nông nghiệp; trước khi xây dựng dự án đập Ngòi Lao, một số diện tích canh tác chủ yếu vẫn trông chờ vào nước tự nhiên. Một số công trình thủy lợi xây dựng đã xuống cấp không đáp ứng tưới tiêu phục vụ sản xuất. Do biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt và kéo dài, mực nước trên các sông cạn kiệt làm cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản vô cùng bị động, ngay cả nước phục vụ cho nhu cầu của con người cũng thiếu vì nguồn nước ngầm xuống thấp và nước mặt thì bị ô nhiễm. Trong khi khu vực dự án có Ngòi Lao chảy qua với nguồn nước dồi dào và hạ lưu tập trung hàng nghìn hec-ta đất canh tác, tuy nhiên chưa có biện pháp công trình tưới để sử dụng nguồn nước sẵn có, do đó việc đầu tư xây dựng dự án là cần thiết và cấp bách.

Mục tiêu đầu tư: Đảm bảo cấp nước tưới cho 2.046ha (trong đó tưới trực tiếp cho 1.785ha, tạo nguồn tưới cho 279ha) để sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 50 nghìn người thuộc các huyện: Yên Lập, Hạ Hòa - tỉnh Phú Thọ.

Nội dung và quy mô đầu tư:

Xây dựng đập ngòi Lao bằng bê tông theo hình thức đập tràn chảy tự do, chiều rộng đỉnh đập b=6,0m. Kết cấu lõi đập bằng bê tông M100, phía ngoài bọc bê tông cốt thép M250. Cao trình đỉnh đập +55,0m, chiều dài đỉnh đập 57,9m. Bên phải đập bố trí cống xả cát, tiết diện chữ nhật kích thước (bxh)= (1x1,2)m; kết cấu cống bằng bê tông cốt thép M200.

Kênh dẫn nước, bể lắng cát, cửa lấy nước: Xây dựng phía phải đập, tiết diện kênh hình hộp chữ nhật, kích thước (bxh)=(2x2,4)m, cao trình đầu kênh +52,4m. Nối tiếp sau kênh là bể lắng cát, kích thước (bxh)=(4,0x2,8)m, nối tiếp sau bể lắng cát là cửa lấy nước vào tuyến ống chính, hình thức cửa lấy nước dạng nhà tháp. Kết cấu kênh dẫn nước, bể lắng cát, cửa lấy nước bằng bê tông cốt thép mác M200.

Xây dựng đường thi công kết hợp đường quản lý: tổng chiều dài tuyến đường 2,01km, kết cấu bằng bê tông M250 dày 22cm.

Xây dựng nhà quản lý, kích thước dài 14,4m, rộng 8,0m, cao 3,0m.

Xây dựng hệ thống đường ống chính kết cấu bằng ống nhựa composites cốt sợi thủy tinh đường kính ống D(1400-1200)mm dài 20,4km; dọc theo tuyến ống bố trí bể lắng cát số 2, các van sự cố, van điều tiết, van xả cát, van xả khí, van tiếp khí và xây dựng các nhà van để quản lý vận hành.

Xây dựng hệ thống đường ống nhánh kết cấu bằng HDPE đường kính D=(200÷500)mm dài 16,5km.

Xây dựng nhà quản lý, kích thước dài 14,4m, rộng 8,0m, cao 3,0m, đổ dầm giằng móng, cột trụ bằng bê tông cốt thép M200.

Kết quả thực hiện và hiệu quả đầu tư dự án: Công trình đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017 và phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đảm bảo cho việc cấp nước tưới tự chảy phục vụ sản xuất cho nhân dân các xã trong khu vực. Nhờ được cấp nguồn nước chủ động, diện tích và năng suất canh tác nông nghiệp đã tăng đáng kể so với trước khi xây dựng dự án, chuyển đổi một số diện tích trồng mầu năng suất thấp sang trồng lúa, các diện tích đất bỏ hoang do không có nước đã được cải tạo, thâm canh 2 vụ.

Xét về tổng thể, việc đầu tư xây dựng dự án góp phần chủ động hoàn toàn nước tự chảy và tạo nguồn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho nhân dân các xã có tuyến đường ống của công trình chảy qua, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các xã miền núi tỉnh Phú Thọ. Chủ động nguồn nước tự chảy duy trì trong liên tục nhiều năm. Phương thức cấp nước bằng đường ống chảy có áp rất thuận lợi cho khu tưới, những khu ruộng cao và cấp nước không mất diện tích như xây dựng kênh tưới.

Công trình hồ chứa nước Phượng Mao, thuộc dự án tưới cây vùng đồi huyện Thanh Thủy

Hiện trạng vùng dự án trước khi đầu tư: Hồ chứa nước Phượng Mao được nâng cấp năm 1999 với dung tích hữu ích 2,8 triệu m3 nước, mới đảm bảo cung cấp nước tưới cho 516ha. Trong khi đó diện tích có thể canh tác lúa 2.312ha trong đó khu vực vùng đồi của hai xã Thắng Sơn và Hoàng Xá. Đây là vùng đất bằng cao độ từ 31-34, trường hợp bị phân lũ để bảo vệ Thủ đô Hà Nội, khu vực này chưa có nguồn cấp nước tưới, phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên. Vào mùa mưa khu vực bị úng ngập do nước sông Đà lên cao không tiêu thoát được, người dân sinh sống nhờ vào vụ Chiêm Xuân. Mùa khô khu vực thường xuyên bị hạn hán, chỉ một phần diện tích dọc hai bên bờ suối Mán và vùng cao độ thấp được cung cấp nước do kênh tưới hồ Phượng Mao.

Qua điều tra khảo sát cho thấy, phần diện tích đất nông nghiệp bên trái hồ Phượng Mao thuộc địa bàn các xã Thắng Sơn, Hoàng Xá, Trung Thịnh. Đây là vùng đồi khá bằng phẳng lại ở cao trình 31-33 nên không bị ảnh hưởng khi bị phân lũ. Tuy nhiên khu vực này chưa có hệ thống kênh mương tưới, chưa có nguồn cấp ổn định nên phần lớn diện tích đất canh tác năng suất cây trồng thấp và phụ thuộc vào thiên nhiên. Việc xây dựng dự án Tưới cây vùng đồi, trong đó cải tạo, nâng cấp hồ Phượng Mao, xây dựng hệ thống kênh mương để chủ động cấp nước tưới tự chảy ổn định phục vụ tưới cho các diện tích đất nông nghiệp trong khu vực, tưới cây vùng đồi là nhiệm vụ tối cần thiết.

Mục tiêu, nhiệm vụ dự án: Cung cấp nước tưới cho 1.000ha đất nông nghiệp; cấp nước cho Nhà máy Xi măng Yến Mao với công suất 1.500m3/ngđ; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 5.000 người, tạo 190ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; khai thác tuyến du lịch sinh thái lòng hồ. Đồng thời tạo cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư khu vui chơi khu vực lân cận.

Tóm tắt quy mô, tổng mức đầu tư:

Đập chính: Chiều dài đập: 1.367m. Cao trình đỉnh đập +43,4m. Bề rộng đỉnh đập B=6,5m. Đập phụ: Chiều dài đập L=46,5m. Cao trình đỉnh đập +43,4m. Bề rộng đỉnh đập B=6,5m.

Cống lấy nước: Xây dựng 2 cống lấy nước: Cống phía bờ hữu, chiều dài cống L=46m, cao trình đáy +32.5; đường kính cống D=800mm. Cống lấy nước phía bờ tả, chiều dài cống L=36m, cao trình đáy +37; đường kính cống D=800mm.

Kênh tưới: Tổng chiều dài L=2.270m.

Kết quả thực hiện và hiệu quả đầu tư: Dự án đã đã xây dựng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017. Sau khi xây dựng hoàn thành đảm bảo cung cấp nước tưới cho 1.000ha đất nông nghiệp; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 5.000 người, tạo 190ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, đồng thời tạo cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư dịch vụ, du lịch.

Do chủ động được nguồn nước tưới, nhân dân trong vùng dự án có điều kiện ổn định sản xuất, mở rộng diện tích canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất trên cùng một diện tích đất canh tác, qua đó từng bước ổn định đời sống và phát triển sản xuất Nhờ hồ Phượng Mao tích nước và cấp nước, diện tích đất 2 lúa của xã Phượng Mao đã tăng cao và có thể canh tác được cả 4 vụ; nghề nuôi trồng thủy sản nhờ đó cũng phát triển mạnh. Đặc biệt, tận dụng từ hồ chứa Phượng Mao, những năm gần đây địa phương đã triển khai thí điểm mô hình nuôi cá trắm, cá diêu hồng… trong lồng bè nhằm tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện sinh kế cho những người dân trong khu vực.

Hiện nay, trên hồ Phượng Mao đã có gần chục hộ tham gia nuôi cá lồng với hơn 20 lồng bè. Với thu nhập hằng năm từ 50 - 60 triệu đ/lồng/hộ cho thấy mô hình nuôi cá lồng bè ở lòng hồ đang trở thành mô hình kinh tế hiệu quả giúp người dân của xã tìm hướng thoát nghèo trong tương lai. Đây cũng thực sự là cơ hội để địa phương giải bài toán khó về công tác giảm nghèo, từng bước tạo nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào bản địa, nhất là đối với những hộ phải di chuyển chỗ ở, bị giảm diện tích đất sản xuất khi nhường đất thực hiện dự án. Cũng nhờ chủ động được nguồn nước và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới mà năng suất lúa của xã và các xã trong khu vực, vụ chiêm xuân vừa qua đạt trên 6,3 tấn/ha. Tính hiệu quả của công trình thủy lợi hồ Phượng Mao còn phải kể tới nguồn nước cung cấp tưới cho hàng trăm héc-ta cây vùng đồi của các xã trong khu vực. Nước trong hồ, trong kênh còn cung cấp đầy đủ cho nông dân các xã lân cận của cả 2 huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn gieo trồng hàng trăm hec -ta rau, củ quả, đồng thời phục vụ thỏa mãn nhu cầu dùng nước sinh hoạt.

Việc hoàn thành, đưa vào khai thác công trình hồ Phượng Mao, dự án đập Ngòi Lao và hệ thống đường ống dẫn nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng trong vùng dự phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, từng bước ổn định cuộc sống đồng thời còn mở hướng phát triển du lịch sinh thái trong khu vực.

Đưa các dự án đa mục tiêu vào sử dụng đúng kể hoạch, là kết quả chỉ đạo tâm huyết của Sở NN&PTNT Phú Thọ và BQLDA, đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, kỹ mỹ thuật số lượng lớn các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó đáp ứng hiệu quả công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản; từng bước nâng cấp, cải thiện về cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng giao thông; góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Tham Thiện

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/phu-tho-chu-trong-xay-dung-cac-cong-trinh-da-muc-tieu-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html