Phú Thọ gắn hoạt động ngoại khóa với di sản văn hóa hát Xoan

Hát Xoan là di sản văn hóa quý giá của vùng Đất Tổ được Tổ chức UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để chung tay bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, nhiều năm qua, ngành GD&ĐT Phú Thọ đã chỉ đạo các nhà trường, từ Tiểu học đến THPT thực hiện mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” - đưa hát Xoan vào giảng dạy trong nhà trường, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị trường tồn của di sản…

“Trường học gắn với di sản văn hóa” là cách vận dụng sáng tạo mô hình “Trường học gắn với cuộc sống” được ngành GD&ĐT Phú Thọ phát động, triển khai thực hiện. Tại thành phố Việt Trì, Phòng GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo 100% các trường Tiểu học, THCS đưa hát Xoan vào dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục từ năm học 2012-2013 đến nay.

Năm học 2017-2018, ngoài việc đưa hát Xoan vào giảng dạy, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Việt Trì đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục tập thể, ngoại khóa, giao lưu văn hóa văn nghệ và tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại các phường Xoan gốc, Miếu Lãi Lèn, Đình An Thái, Đình Hùng Lô…

Mới đây nhất (ngày 22/3), tại Trường THCS Phượng Lâu (thành phố Việt Trì) đã tổ chức chương trình ngoại khóa với Chủ đề “Trường học gắn với Di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ”.

Chương trình có sự phối hợp tham gia của các nghệ nhân, các câu lạc bộ hát Xoan thuộc Phường Xoan An Thái, giao lưu của câu lạc bộ hát Xoan của Trường tiểu học Phượng Lâu, Trường THCS Tiên Cát… cùng toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 100% em học sinh nhà trường (trong trang phục hát Xoan).

Theo ông Nguyên Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, hát Xooan là hoạt động tiêu biểu trong Mô hình “Trường học gắn với thực tiễn sản xuất kinh doan và Di sản văn hóa của địa phương” được chuẩn bị chu đáo, có giá trị nghệ thuật cao, khơi dạy niềm tự hào, phấn khởi cho giáo viên và học sinh, các em học sinh rất hứng thú khi được nghe giới thiệu về hát Xoan và được trực tiếp tham gia biểu diễn.

Việc đưa hát Xoan vào dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm trong và ngoài nhà trường đã trở thành hoạt động thường xuyên, nền nếp, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa “hát Xoan Phú Thọ”.

Một số tiết mục hát Xoan của các CLB của trường học Phú Thọ biểu diễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/phu-tho-gan-hoat-dong-ngoai-khoa-voi-di-san-van-hoa-hat-xoan-3919990-c.html