Phú Thọ: Khai thác cát tràn lan gây ảnh hưởng hệ thống đê kè

Việc khai thác cát tràn lan ngay thời điểm mùa mưa bão gây biến đổi dòng chảy, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông, uy hiếp hệ thống đê, kè chỉnh trị và hàng trăm hộ dân sinh sống ven bờ.

Thời gian qua, tình trạng khai thác cát bừa bãi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có chiều hướng “nóng” và diễn biến phức tạp. Lợi dụng trong thời điểm mùa mưa bão, giá cát sỏi tăng cao đột biến, một số cá nhân, tổ chức bất chấp quy định ngang nhiên khai thác trái phép, không đúng vị trí gây ảnh hưởng tới hệ thống đê kè và bãi bồi sản xuất nông nghiệp của người dân.

Để tăng cường công tác quản lý khai thác và tập kết cát sỏi, mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành công văn số 1476/UBND-KTN yêu cầu UBND các huyện, thành, thị và các ngành có liên quan thực hiện nhiệm vụ tăng cường kiểm tra khai thác cát, sỏi trái phép, sử dụng đất bãi ven sông không đúng quy định.

Trong đó, UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra nếu phát hiện tổ chức, doanh nghiệp có hành vi khai thác khoáng sản sai quy định phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng công an, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông Lô và các tuyến sông khác trên địa bàn toàn tỉnh.

Công văn chỉ đạo là vậy, tuy nhiên, tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, tình trạng khai thác cát bừa bãi, không đúng giấy phép gây sạt lở bờ sông, hệ thống đê kè vẫn diễn ra thường xuyên, gây bức xúc trong dư luận địa phương.

Tại vị trí mỏ luôn có 2 tàu hút cát công suất lớn hoạt động.

Tại vị trí mỏ luôn có 2 tàu hút cát công suất lớn hoạt động.

Thời gian gần đây, nhiều người dân sinh sống tại tổ 17, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì phản ánh tình trạng khai thác cát của một doanh nghiệp trên địa bàn gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống đê kè, gây sạt lở bờ sông và bãi bồi khiến một số diện tích đất canh tác của người dân bị nước sông cuốn trôi.

Theo nội dung phản ánh, tại đoạn cuối sông Lô ngay ngã ba giáp ranh với sông Hồng thuộc địa bàn phường Bạch Hạc, nhiều năm nay thường xuyên có hàng loạt tàu cuốc, tàu hút khai thác cát diễn ra vô cùng rầm rộ. Từ sáng sớm cho đến tối muộn, các tàu cuốc và tàu hút thi nhau hoạt động hết công suất, liên tục thả những vòi rồng và gàu múc cát xuống sông để khai thác cát.

Không những khai thác ban ngày, người dân còn phản ánh việc các tàu này thường xuyên lén lút khai thác cát ban đêm, bất chấp lệnh cấm của UBND tỉnh Phú Thọ.

Thậm chí, có thời điểm, các tàu này còn tiến vào sát chân đê, khoảng cách chỉ chừng 30-40m để khai thác cát khiến một số đoạn chân đê lộ ra điểm sạt lở, xói mòn nghiêm trọng.

Bà P, một người dân tổ 17, phường Bạch Hạc cho biết: “Việc khai thác cát tại đây diễn ra suốt ngày đêm và kéo dài mấy năm nay rồi, gây sạt lở một số bãi bồi tại đoạn giáp ranh với xã Cao Đại của Vĩnh Phúc, kéo theo đó là việc xói lở tuyến đê kè bảo vệ khu dân cư. Người dân chúng tôi đã có ý kiến lên UBND phường nhưng họ bảo khu này đã cấp phép khai thác cho một doanh nghiệp nên phường chỉ biết báo cáo lên Thành phố thôi”.

Người dân lo ngại, việc khai thác vô tội vạ này có thể làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, uy hiếp sự an toàn của công trình quốc gia (đê, kè chỉnh trị) và hàng trăm hộ dân tổ 17 phường Bạch Hạc. Đồng thời, việc canh tác của người dân ở khu vực này gặp rất nhiều khó khăn do bãi bồi bị sạt lở nghiêm trọng.

“Mùa mưa bão đang đến gần, nước sông thường lên cao và có diễn biến thất thường, phía Hà Nội và Vĩnh Phúc đã cấm khai thác cát thời điểm này nhưng tỉnh Phú Thọ vẫn cho doanh nghiệp khai thác, điều này có thể gây nhiều ảnh hưởng tới dòng chảy và gây sạt chân đê, uy hiếp tính mạng của hàng nghìn người dân sinh sống trong đê”, ông Đ. một người dân tổ 17 cho biết.

Bất chấp lệnh cấm, tại mỏ của Cty TNHH Cao Lâm Phú Thọ tàu vẫn tấp nập khai thác.

Có mặt tại khu vực người dân phản ánh, PV ghi nhận phía dưới sông Hồng đoạn chảy qua tổ 17, phường Bạch Hạc có 4-5 chiếc tàu, trong đó có 3 tàu cuốc và 1 tàu hút thường trực hoạt động tại đây. Vị trí các tàu khai thác cách bờ khoảng 50m, gần sát với hệ thống đá kè bờ sông và khu dân cư phường Bạch Hạc.

Việc khai thác cát tại đây diễn ra hết sức rầm rộ và công khai, các tàu cuốc hoạt động hết công suất, nhả khói đen xì, ầm ĩ cả một khúc sông. Phía bên ngoài, 5-7 chiếc tàu thuyền làm nhiệm vụ hậu cần và các tàu chở cát ra vào liên tục để vận chuyển cát thành phẩm được múc từ lòng sông chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Mặc dù đã kè đá nhưng việc khai thác cát gần bờ như vậy sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến bờ kè và hơn nữa bây giờ đang là mùa mưa lũ nên sẽ có những ảnh hưởng như sạt lở bờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo tìm hiểu của PV, vị trí khai thác cát trên UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp phép cho Công ty TNHH Cao Lâm Phú Thọ, diện tích được cấp phép khoảng 12,86 ha, khối lượng khai thác khoảng 20.000 m3/năm.

Nhưng với tốc độ khai thác như những gì PV chứng kiến thì chỉ cần trong khoảng thời gian ngắn là đơn vị này có thể khai thác hết số lượng được cấp phép. Vậy đơn vị nào sẽ đứng ra quản lý việc khai thác vượt số lượng cấp phép này?

Việc khai thác cát với mức độ rầm rộ, công suất lớn như vậy đang gây ra nhiều hệ lụy với hệ sinh thái nơi đây, làm biến đổi dòng chảy cũng như ảnh hưởng tới đời sống sản xuất của người dân. Đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ vào cuộc kiểm tra, xử lý tình trạng này.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguyễn Duẩn - Bùi Tuấn

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/ban-doc/phu-tho-khai-thac-cat-tran-lan-gay-anh-huong-he-thong-de-ke-22471