Phú Thọ: Kiến nghị Ngân hàng kéo dài chính sách ưu đãi vay vốn tới hết năm 2020

Đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đưa đề nghị ngân hàng tiếp tục kéo dài các chính sách ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp đến hết năm 2020. Cụ thể: Giảm lãi suất, gia hạn nợ, giãn thời gian trả nợ, kéo dài thời gian ưu đãi lãi suất để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn.

Ngày 23/7/2020, tại Phú Thọ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. Hội nghị do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chủ trì. Tham dự Hội nghị có ông Vi Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Tại hội nghị, đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đưa ra các kiến nghị cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ cho biết, với tỉnh Phú Thọ gần 4.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng đóng góp đến 70% giá trị. Sức khỏe doanh nghiệp rất yếu, nên nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Thời gian khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã có những chuyển đổi để tiếp cận vốn như: Tích cực thay đổi ngành hàng, tranh thủ đổi mới công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, chuyển đổi loại hình sản xuất, loại hình sản xuất phục vụ trong nước.

Ông Nguyễn Thanh Vân đưa ra kiến nghị Ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp: Cơ cấu lãi suất cho dư nợ hiện đang hợp đồng, căn cứ vào dòng tiền của doanh nghiệp để cấp vốn, thủ tục và điều kiện cấp vốn gọn và đơn giản. Ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau để thỏa thuận và xác định điều kiện cấp vốn. Đồng thời, quan tâm đến đối tượng chế biến nông, lâm, thủy sản ở quy mô hợp tác xã để tăng giá trị cho sản phẩm. Bên cạnh đó cũng xem xét cấp vốn cho đối tượng có nhu cầu đổi mới, chuyển đổi loại hình hoặc đang có giá trị tăng thêm và dòng tiền ổn định để thúc đẩy.

Ông Trần Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ đã chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 397 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch (42 khách sạn, 355 nhà nghỉ), 25 đơn vị kinh doanh lữ hành, 3 nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch,trong đó có 85 đơn vị là hội viên Hiệp hội Du lịch Phú Thọ.

Theo ông Trần Thanh Sơn, do tác động của dịch bệnh, trong Quý I/2020, doanh thu của các đơn vị giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các khu, điểm du lịch, các đơn vị khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, các dịch vụ liên quan đến du lịch đều tạm ngừng hoạt động, một số đơn vị cho cán bộ nhân viên nghỉ luân phiên hoặc nghỉ không hưởng lương và chỉ bố trí một số nhân sự trực tại đơn vị. Về doanh thu của các đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch bệnh. Doanh thu của các đơn vị lữ hành và các đơn vị vận tải du lịch từ tháng 2/2020 đến hết tháng 4 không phát sinh. Các cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt khoảng 10-20% do còn lượng khách ở dài hạn và đã có hợp đồng từ trước ngày 28/3; nhà hàng chỉ đạt khoảng 10% doanh thu do có khách đặt mang đến phục vụ tại nhà.

Ông Trần Thanh Sơn đưa ra kiến nghị, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các Sở, Ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hoàn thiện các hồ sơ để sớm được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng do dịch Covid-19. Đề nghị các Bộ, ngành đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ cho nhân dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Quan tâm tới đối tượng cán bộ, nhân viên lao động trong ngành du lịch có hợp đồng lao động với các đơn vị bị cắt giảm thời gian lao động hoặc không hưởng lương trong thời gian dịch bệnh nhưng không đủ tiêu chuẩn hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Ông Trần Thanh Sơn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, ban hành chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giãn nợ, giảm lãi suất nhiều hơn, mở rộng hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh uy tín, thường xuyên chấp hành tốt các quy định của Ngân hàng.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Lưu Thị Lan - Phó Tổng Giám đốc Công ty giống vật tư công nghệ cao Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp nông nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn, công ty chúng tôi hoạt động 20 năm nay chưa khi nào khó khăn như vậy. Toàn bộ hoạt động thử nghiệm giống tại 40 địa phương bị ngưng trệ do giai đoạn giãn cách nên ảnh hưởng năng suất, Thiên tai mưa, giông lốc khiến 2/3 diện tích tại các điểm sản xuất ở miền Trung mất trắng.

Cũng theo bà Lan, vừa qua công ty của bà được ngân hàng Agribank chia sẻ, vận dụng linh hoạt các gói hỗ trợ, thủ tục tạo điều kiện có lợi cho doanh nghiệp, lãi suất giảm xuống 5,5%, các thủ tục thanh toán, giải ngân được hỗ trợ nhanh gọn. Bà Lan kiến nghị NHNN sớm ban hành các nội dung sửa đổi Thông tư 01. Các NHTM tiếp tục đồng hành hỗ trợ cho DN, do dịch Covid-19 xác định còn ảnh hưởng dài. Các chính sách hỗ trợ cần được kéo dài đến hết năm 2020 và giảm thêm lãi suất.

Ông Nguyễn Thiện Thức- Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại Nam Cường cho biết, dịch Covid khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải như Nam Cường gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm mạnh. Cụ thể, tháng 3 doanh thu giảm 50%, tháng 4 giảm 80%, tháng 5 giảm 60%. Đến nay doanh thu đạt 50% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Thiện Thức kiến nghị, NHNN giảm lãi gửi huy động để NHTM giảm lãi vay cho các DN, thời gian tối thiểu 1 năm trở lên. Áp dụng gia hạn vay trong thời gian dịch dài hơn, chia nhỏ vào các năm tiếp theo. UBND tỉnh Phú Thọ giãn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thời gian 6 tháng trở lên. Ông Thức cũng kiến nghị giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5%.

Ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Công ty TNHH Dệt Phú Thọ cũng kiến nghị Ngân hàng xem xét lại thời gian được cơ cấu nợ. Giảm lãi suất ưu đãi trong 3 tháng, và các doanh nghiệp mong muốn chính sách lãi suất ưu đãi được kéo dài tới hết năm 2020.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) quyết liệt và chủ động triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Thông tư 01 ngày 13/3/2020 để chính sách đi vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng vay vốn.

Chủ động đánh giá, phân loại khó khăn của doanh nghiệp theo từng mức độ ảnh hưởng của dịch để kịp thời áp dụng các hình thức, biện pháp hỗ trợ phù hợp với mức độ thiệt hại của khách hàng; các TCTD cần thống nhất, đồng thuận để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng.

Chủ động cân đối nguồn vốn để đảm bảo cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho các dự án hiệu quả, các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch.

Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận tín dụng, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tuy nhiên không nới lỏng, hạ thấp điều kiện, chuẩn tín dụng để che dấu nợ xấu, lợi dụng chính sách, tránh ảnh hưởng đến an toàn hệ thống và tổn hại cho nền kinh tế.

Nhật Xuân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/phu-tho-kien-nghi-ngan-hang-keo-dai-chinh-sach-uu-dai-vay-von-toi-het-nam-2020/20200723042617933